Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

62 giờ tiếp tế đến khối đá khổng lồ trên Biển Đông

Để tiếp tế cho chiến sĩ canh gác ngọn hải đăng trên đảo Hòn Hải, đội ngũ tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm phải trải qua hành trình sóng gió đầy nguy hiểm, cả đi và về mất 62 giờ.

Đảo Hòn Hải là một khối đá khổng lồ có vách dựng đứng và hầm xuyên núi, bề ngoài mang dáng dấp hình chiếc hài, thuộc đảo Phú Quý (Bình Thuận).

Khối đá khổng lồ có hầm xuyên núi trên Biển Đông

Ngoài hệ thống đường hầm dài 170 m, đảo Hòn Hải - cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam có địa hình phức tạp, vách dựng đứng cao hơn 100 m, nhiều vách hụt.

Tàu tiếp tế 735 của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ, trực thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam trong thời khắc chuẩn bị nhổ neo để đến với Hòn Hải.
Từ cảng Nha Trang, tàu tiếp tế phải trải qua hành trình dài hơn 150 hải lý để đến được với khối đá khổng lồ thuộc đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đây là đội cán bộ gồm 5 thành viên ra thay ca và cung cấp lương thực đảo đảm bảo đủ dùng trong 5 tháng. Trong ảnh, con tàu rẽ sóng ra khơi khi thời tiết âm u, sóng lớn.
Tàu rời bến được chừng 2 giờ đồng hồ bắt đầu gặp mưa dông và sóng lớn nổi lên, gió giật mạnh. Các thủy thủ đoàn phải căng mắt theo dõi tình hình để có thể hỗ trợ hoặc xử lý ngay khi thuyền trưởng có lệnh.
Càng lúc sóng càng lớn, có những con sóng cao đến 4 mét khiến những người mới đi biển lần đầu phải sợ hãi. 
Nước bắn rất mạnh từ các con sóng tạt vào khoang lái tàu. Anh Tuấn, một trong những thuyền trưởng giỏi và lâu năm nhất (30 năm) của công ty căng mắt chịu trận để điều khiển. Đêm đầu tiên, biển động quá mạnh mọi người phải tránh bão ở Mũi Dinh, đêm tiếp theo tàu neo tạm ở đảo Phú Quý, đến khoảng 0h sóng yên biển lặng đoàn mới tiếp tục ra đảo Hòn Hải. Tổng cộng thời gian đi và về là hơn 300 hải lý mất khoảng 62 giờ đồng hồ.
Từ đảo Phú Quý đến Hòn Hải khoảng 6 giờ lên đênh trên biển nhưng do phải né tránh biển động nên đoàn tiếp tế đã phải rất vất vả. Trong ảnh, tàu đã cập bến Hòn Hải - điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam,  nơi được xem là cột mốc biên giới tự nhiên trên Biển Đông. Lúc này, dòng hải lưu chảy rất mạnh nên khi vận chuyển lương thực lên đảo, tàu phải neo đuôi, thắt chặt hai dây phía trước cùng với việc nổ máy liên tục để tạo sức đẩy.
Quá trình tiếp tế diễn ra nhanh chóng tối đa trong vòng 2 giờ để đảm bảo an toàn. Các thành viên nhanh chóng vận chuyển các vật dụng, lương thực, nhu yếu phẩm và 100 m3 nước ngọt lên điểm tập kết. Do đảo là khối đá được hình thành từ núi lửa, hoàn toàn không có sự sống nên không có nước ngầm. Nước mưa không thể sử dụng do phân chim dày đặc gây nhiễm khuẩn. 
Năm 1999, lực lượng công binh bắt đầu xây dựng đảo, đến 2004 hoàn thành. Các công trình tại đây gồm tòa nhà kiên cố dưới chân đảo có diện tích gần 300 m2, bến cập tàu rộng 380 m2 có hệ thống phao neo và bãi liền bến 423 m2.
Sau 20 ngày xây dựng đã có tai nạn bi thương. Anh Nguyễn Văn Mộc (sinh năm 1956) thuộc đoàn 6, Hải quân hy sinh do sóng bất ngờ cuốn xuống biển không tìm được thi thể. Ngay khi sắp hoàn thành công trình, anh Nguyễn Văn Nhắn thuộc công ty Lũng Lô cũng tử vong. Để tưởng nhớ các chiến sĩ, đồng đội đã dựng lên hai ngôi mộ gió (mộ mà người dân vùng biển tưởng nhớ người thân mất khi đi biển mà không tìm được thi thể). 
Vào mùa biển động tàu tiếp tế không thể cập vào cầu tàu chính mà phải tránh gió và sóng ở hai bên đảo. Công tác tiếp tế khi đó cực kỳ gian khổ. Hàng được kéo bằng ròng rọc lên miệng hầm cách mặt biển khoảng 30 mét.
Hòn Hải được hình thành từ núi lửa liên tục bị sạt lở bởi sóng gió và thời tiết theo thời gian. Để đảm bảo an toàn, khi xây dựng toàn bộ công trình phải đổ bê tông 100%, không sử dụng gạch. Bên cạnh đó trên nóc tòa nhà phải có các bao tải đá dăm trộn cát để làm giảm áp lực trong trường hợp đá lở.
Năm 2005, trong ca trực của anh Lưu Hoàng Trung, đảo bị sóng đánh dữ dội cao hàng chục mét. Hàng trăm đá chân chim nặng từ 12-16 tấn/viên thả quanh đảo bị cuốn trôi sạch. Riêng hòn nặng 16 tấn bị sóng đưa từ dưới biển sâu lên mặt sàn và nằm cố định từ đó đến nay do không ai đủ sức di chuyển.
Anh Nguyễn Ngọc Ảnh chia sẻ, 4 tháng ở Hòn Hải thật sự là một thử thách lớn với người cán bộ. Hàng ngày các anh đều phải leo lên hải đăng để kiếm tra, tối đến phải ngủ canh gác ngay tại chân ngọn đèn để đảm bảo luôn chiếu sáng. "Dù ngày mưa hay nắng công việc để phải hoàn thành tốt. Mấy tháng trời không được gặp con người để nói chuyện, không tham gia các hoạt động xã hội cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Thường sau khi về đất liền phải mất nhiều ngày với thích nghi kịp", anh Ảnh nói.
Anh Đỗ Công Tuấn (áo trắng) thực hiện việc nhận bàn giao tài sản công việc trước khi thay ca. Dù ở hải đảo xa xôi nhưng công tác quản lý đều được mọi người thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. 
Anh Ảnh cúng đảo chia tay trước khi về lại đất liền. Theo như người dân kể lại thì nơi đây rất linh thiêng, ghe tàu qua đều hướng về đảo cúi lạy cầu bình an, tuyệt nhiên không dám nói đùa.
Ở trên tàu, anh Tuấn thuyền trưởng cũng thực hiện cúng và đốt tiền vàng mã. "Cứ nghĩ đến việc có những anh em phải nằm lại dưới dòng nước lạnh lẽo rất đau lòng nên mỗi lần ra đều cúng như bày tỏ chút lòng thành mong đồng đội an ủi nơi chín suối", anh bùi ngùi.
Sau gần 2 giờ tiếp tế, tàu kéo neo để quay về lại đất liền trước khi một cơn bão bất ngờ lại ập tới.
Những người phải trực trên đảo nay được về vui mừng bên mâm cơm cùng các anh em thủy thủ tàu. Thông thường sau 4 tháng ngoài đảo họ sẽ được nghỉ ngơi khoảng 20 ngày trước khi tiếp tục hành trình thắp sắng và bảo vệ những ngọn hải đăng khác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Hải An

Bạn có thể quan tâm