Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5 từ trái qua) dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48. Ảnh: The Guardian |
Ngày 3/8, tại ARF ở Malaysia với sự tham gia của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác, Trung Quốc phản đối mọi đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cho biết ngày 4/8 rằng Philippines và Mỹ sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức vào tuần này.
“Như một phương tiện để làm giảm căng thẳng trong khu vực, Philippines sẽ ủng hộ và thúc đẩy Mỹ đưa ra tuyên bố 3 ngừng (ở khu vực Biển Đông), ngừng bồi đắp, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng”, ông Del Rosario nói với AFP.
“Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải nhấn mạnh rằng một tuyên bố như thế không phải sự hợp pháp hóa với các kiến trúc mà Trung Quốc đã xây dựng ở khu vực này”.
Tại Malaysia, đoàn Trung Quốc phản đối đề cập tới vấn đề Biển Đông, nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định ngày 3/8 rằng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc chắn sẽ nhắc tới vấn đề này.
“Đây là một diễn đàn với các vấn đề an ninh tối quan trọng được đưa ra thảo luận”, ông Toner nói và khẳng định Mỹ phản đối bất cứ hành động khiêu khích nào, bao gồm việc “tăng đáng kể kích thước vật lý hay tính năng của các yếu tố địa lý đang tranh cãi hoặc quân sự hóa chúng”.
ARF cũng sẽ thảo luận các vấn đề buôn người và tên lửa của Triều Tiên nhưng Biển Đông chắc chắn sẽ là điểm nóng, AFP dẫn lời một quan chức cấp cao ở Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ngoài ông Kerry và bộ trưởng ngoại giao 10 nước ASEAN, tham gia diễn đàn còn có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, bộ trưởng của Nhật Bản, 2 miền Triều Tiên và một số nước khác.
Theo lời quan chức Mỹ, mục đích cuộc đối thoại là để các nước ASEAN cũng như các nước khác “bày tỏ những quan ngại trực tiếp với Trung Quốc” về Biển Đông.
Các hoạt động xây dựng ồ ạt bất chấp ý kiến cộng đồng quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm tình hình khu vực trở nên căng thẳng. Ảnh: Time.com |
Trung Quốc không thể tránh né
Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman cho biết gần đây các bên đã đạt được “tiến bộ quan trọng” trong những trao đổi giữa ASEAN với Trung Quốc nhằm thiết lập một bộ quy chuẩn ứng xử trên biển (COC) để tránh xung đột.
Tuy nhiên, tuyên bố đó trái ngược với những gì ông Del Rosario nói tại tòa án trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan tháng trước rằng Trung Quốc đang ngăn cản thiết lập COC ở Biển Đông.
“Lập trường không khoan nhượng của Trung Quốc trong suốt 13 năm diễn ra các cuộc đàm phán đa phương đã khiến mục tiêu (thiết lập COC) không thể nào đạt được”, ông Del Rosario nói.
Một số nhà phân tích đồng ý với nhận định đó. “Giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ ký, hoặc nếu ký thì sẽ không tuân thủ một COC có tính ràng buộc về pháp lý mà việc triển khai đúng sẽ hạn chế rất nhiều khả năng nước này có thể tùy ý hành động như hiện nay”, Donald Emmerson, chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Stanford, viết trong một nghiên cứu mới đây.
Trả lời báo chí ngày 3/8, ông Vương Nghị phát biểu: “Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng các diễn đàn đa phương là nơi thích hợp để thảo luận những tranh chấp song phương cụ thể”. Ông Vương cho rằng, việc đưa vấn đề ra ARF sẽ chỉ làm “gia tăng căng thẳng” và Trung Quốc sẽ không “cúi đầu” trước áp lực đòi nước này ngừng việc xây đắp.
Tuy nhiên, vấn đề nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận thẳng thắn ở Kuala Lumpur.
Tình hình thêm phức tạp khi Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington ngày 3/8 nói Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ 2 dài 3.000 m trên đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp từ Đá Chữ Thập ở Biển Đông.