Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

61,3 tỷ USD lãi 'khủng' và một lời xin lỗi của Apple

Cuối cùng, Apple cũng đã phải xin lỗi về việc làm chậm tốc độ iPhone đời cũ. Vụ việc đã bị nhà phát triển phần mềm Geekbench phát hiện dẫn đến cơn thịnh nộ của người tiêu dùng.

Cho đến thời điểm này, tại Mỹ, đã có gần 10 trường hợp đâm đơn kiện Apple về việc hãng này cố tình làm chậm tốc độ iPhone đời cũ. Apple đã âm thầm làm chậm tốc độ iPhone đời cũ, được cho rằng nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm iPhone mới.

Lời xin lỗi không dễ dàng

Thật hiếm khi, một Apple thừa tự tin, và cũng rất bảo thủ lại “hạ mình” xin lỗi người tiêu dùng như thế.

iPhone đã có 10 năm lịch sử. Còn nhớ thời Apple ra mắt iPhone 4, bị lỗi về ăngten bắt sóng yếu, nhưng Steve Jobs khi ấy đứng trong hội nghị nhất mực không chịu đưa ra lời thừa nhận và xin lỗi cho dù dư luận chỉ cần Jobs có một lời như thế để có lý do sẵn sàng bỏ qua cho Apple.

So với Steve Jobs, Tim Cook mềm mại hơn, và đặc biệt là đỡ bảo thủ hơn. Bằng chứng là từ thời iPhone 4, Jobs đã duyệt thiết kế iPhone 5 và chỉ cho nó được kéo dài (bị trêu là iPhone 4 kéo dài) chứ nhất định không chịu cho màn hình to ra theo bề ngang, trong khi Samsung đã vượt lên trước về việc này.

iphone, anh 1

Trong lịch sử phát triển, Apple đôi khi cũng mắc phải sai lầm. Ảnh: Huffpost.

Dù Cook đã chấp chính Apple từ thời ra iPhone 5, nhưng phải sau thế hệ iPhone đã được Jobs duyệt thiết kế, Tim Cook mới mở rộng màn hình theo xu thế mới, bắt đầu từ thế hệ iPhone 6. Và bây giờ, dưới thời Tim Cook, lời xin lỗi được đưa ra dù hiếm hoi và dù khó khăn, nhưng Apple cũng đã phải thừa nhận.

Và còn hơn thế, kèm theo sự thừa nhận và lời xin lỗi người tiêu dùng là chính sách giảm chi phí thay pin trong năm 2018 từ mức 79 USD xuống còn 29 USD (giảm 63,2%) đối với khách hàng dùng iPhone 6 và một số phiên bản mới hơn. Apple cũng cho biết bản cập nhật iOS vào đầu năm 2018 sẽ bổ sung tính năng đọc tình trạng pin để cảnh báo người dùng rằng có cần thay pin hay không.

Một lời xin lỗi cùng các động thái “khắc phục hậu quả” thể hiện sự “hối lỗi” của “táo khuyết” là điều chúng ta chỉ có thể thấy ở thời đại của Tim Cook trong suốt 10 năm qua.

Chi phí cho những chính sách khắc phục, đền bù ấy cũng chả thấm tháp vào đâu so với khoản lãi kỉ lục nhất thế giới của một doanh nghiệp như Apple. Kết thúc năm tài chính 2017 (tháng 9/2017), Apple đã gặt hái khoản lãi kỉ lục 61,3 tỉ USD.

Khúc mắc của khách hàng

Ngay lúc này, có hai câu hỏi được đặt ra: Có phải những hành động âm thầm như việc làm chậm tốc độ iPhone đời cũ để thúc đẩy người tiêu dùng trang bị sản phẩm iPhone mới của Apple đã góp phần vào khoản lãi “khủng” kia? Hay là trước con số lợi nhuận “khủng” của năm 2017, Tim Cook mới “phóng tay” với người tiêu dùng nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của “thượng đế”?

Bởi lúc này, có nhiều thông tin dự báo rằng thế hệ iPhone 8 và iPhone X đang không đạt được doanh số như kì vọng. Nếu để khúc mắc với “thượng đế” thêm trầm trọng thì doanh số iPhone trong năm 2018 coi chừng gặp thảm họa.

iphone, anh 2

Cách điều hành của Tim Cook có khá nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm. Ảnh: Sky.

Dù gì thì khoản lãi 61,3 tỉ USD kia chẳng phải từ trên trời rơi xuống mà chính từ các “thượng đế” mang “dâng tặng” cho Apple. Từ đó, người ở vị trí CEO như Tim Cook mới vớ bẩm được 102 triệu USD tiền thưởng. Vậy thì dù hiếm hoi hay dù khó khăn thốt ra lời xin lỗi, Tim Cook và Apple cũng phải cố làm và làm cho bằng được, còn hơn là để mất núi tiền nếu để người tiêu dùng vì phẫn nộ mà quay lưng.

Tuy nhiên, cho dù đã khôn ngoan sớm xử lý cơn khủng hoảng nhãn tiền nhưng Apple cũng chưa thể thoát được những vụ kiện tụng liên quan đến việc họ đã bị cho rằng không chỉ vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn trái với đạo đức kinh doanh. Những vụ kiện như thế, không chỉ diễn ra trong một, hai tháng mà có thể kéo dài tới hàng năm gây phiền phức và tổn hại uy tín, hình ảnh doanh nghiệp.

Nhưng lo ngại lớn nhất của ban lãnh đạo Apple trong cuộc khủng hoảng làm chậm tốc độ iPhone đời cũ chính là sự tác động tiêu cực của vụ việc đến giá cổ phiếu của Apple trên thị trường chứng khoán. Trong hơn 6 năm đứng mũi chịu sào con thuyền Apple (từ tháng 8/2011), Tim Cook có công đầu đưa giá cổ phiếu Apple tăng gấp 6 lần, và Apple trở thành doanh nghiệp có giá trị lớn nhất toàn cầu (hơn 870 tỉ USD tại thời điểm này).

Có lẽ nhiều iFans tại Việt Nam cảm thấy chẳng liên quan gì tới khoản lãi “khủng” 61,3 tỉ USD của Apple. Nhưng với lời xin lỗi và đặc biệt là chính sách giảm chi phí thay pin được Apple đưa ra, người tiêu dùng Việt không thể không quan tâm.

Bởi một khi Apple hãm tốc độ iPhone đời cũ khi pin có dấu hiệu bị chai hay sụt giảm thông qua hệ điều hành iOS, không chỉ có iPhone ở Mỹ mà trên khắp thế giới cũng bị ảnh hưởng. Do đó, chính sách khắc phục bằng cách giảm chi phí thay pin cho khách hàng cũng cần được hiểu là áp dụng trên toàn cầu đối với những người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Chứ trên thực tế, Apple chưa bao giờ đưa ra chính sách gì ưu đãi đối với người tiêu dùng Việt. Có chăng thì do chính các chuỗi bán lẻ tự đầu tư chi phí và triển khai nhằm để bán hàng.

Chân dung con người, văn hóa Việt qua sách văn học

Hầu hết tác phẩm nổi tiếng của các tác giả tên tuổi trong nền văn học Việt Nam kể từ trước năm 1945 đến nay đều được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Sự xuất hiện nhà hàng sườn nướng

Món sườn nướng nổi danh là món sườn Suwon, nhưng vốn dĩ nó chỉ là một món đồ nhắm rượu đơn giản. Sự ra đời của món ăn này là nhờ vào vai trò của nhân vật Lee Gui Seong.

Thẩm Hồng Thụy / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY