Bộ Y tế cho biết Philippines đã ghi nhận 146.062 trường hợp mắc sốt xuất huyết từ tháng 1 đến ngày 20/7, cao hơn 98% so với cùng kỳ năm 2018. Đợt dịch bùng phát đã cướp đi sinh mạng của 622 người.
Việc tuyên bố dịch bệnh có nghĩa là chính quyền địa phương có thể rút tiền từ các quỹ trung ương khẩn cấp để đối phó dịch bệnh.
Bộ Y tế cho biết đang tập trung tìm kiếm và phá hủy các địa điểm sinh sản của muỗi, cách thức chính để ngăn chặn sốt xuất huyết lây lan. Các cơ quan chính phủ khác, các đơn vị chính quyền địa phương, trường học, văn phòng và cộng đồng sẽ tham gia vào nỗ lực này.
Một đứa trẻ khóc khi được tiêm thuốc trong chương trình của Hội chữ thập đỏ Philippines ở Baseco, một khu ổ chuột ở Manila. Ảnh: AFP. |
Tuy vậy, hôm 6/8, chính phủ ở Manila vẫn quyết định giữ nguyên lệnh cấm bán, nhập khẩu và phân phối vắc-xin Dengvaxia. Chính phủ đưa ra lệnh cấm vào tháng 2 sau cái chết của hàng chục trẻ em. 700.000 người đã được tiêm vào năm 2016 và 2017 trong chiến dịch tiêm chủng của chính phủ.
Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết chính phủ đang nghiên cứu đơn kháng cáo cho phép công ty dược phẩm Sanofi của Pháp đưa vắc-xin trở lại thị trường Philippines, nhưng loại trừ việc sử dụng thuốc để chống lại dịch bệnh đang tấn công mạnh vào trẻ nhỏ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc, các nước Đông Nam Á khác cũng chứng kiến sự gia tăng các ca sốt xuất huyết trong năm nay. Malaysia đã báo cáo 62.421 trường hợp cho đến ngày 29/6, bao gồm 93 trường hợp tử vong, so với 32.425 ca mắc bệnh, trong đó có 53 ca tử vong, cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam có 81.132 trường hợp nhiễm bệnh với 4 trường hợp tử vong được báo cáo, so với 26.201 ca nhiễm và 6 người tử vong trong năm 2018.