Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tàn phá ngành chăn nuôi lợn tại Trung Quốc, nước có đàn lợn lớn nhất thế giới. Ngân hàng Rabobank của Hà Lan ước tính quy mô đàn lợn tại Trung Quốc có thể giảm đi một phần ba trong năm 2019, tức giảm đến 200 triệu con, theo CNN.
Con số này gần như bằng tổng quy mô đàn lợn ở Mỹ và châu Phi cộng lại.
Virus gây bệnh tả lợn châu Phi vô hại với con người nhưng vô cùng nguy hiểm với lợn, và đến nay vẫn chưa có vaccine hay cách chữa trị. Bắt nguồn từ châu Phi, dịch bệnh được ghi nhận tại Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện tại Trung Quốc lần đầu hồi tháng 8/2018.
Dịch bệnh sau đó đã lan sang một số nước châu Á khác, bao gồm Việt Nam và Campuchia.
Một trang trại nuôi lợn tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, trước dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: CNN. |
Hồi tháng 3, chính phủ Trung Quốc nói đã "kiểm soát tốt" dịch bệnh. Trong cuộc họp báo vào tháng trước, Bắc Kinh nói ASF không còn lây lan nhanh như trước.
Theo Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), chính quyền trung ương Trung Quốc đã có những bước đi đúng đắn để kiểm soát virus gây bệnh. Tuy nhiên, quy mô ổ dịch có thể lớn hơn ước tính chính thức vì một số nông dân cho biết bệnh không phải luôn luôn được ghi nhận ở cấp độ địa phương.
CNN dẫn lời một nông dân ở Hà Bắc, người có 15.000 con lợn chết vì virus và 5.000 con khác bị tiêu hủy để phòng ngừa, cho biết theo kết quả kiểm tra ban đầu của chính quyền tỉnh, đàn lợn nhà ông âm tính với virus.
Song sau khi ông đăng tài hình ảnh lợn chết lên mạng, Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc tiến hành xét nghiệm lại và xác nhận đàn lợn nhiễm virus ASF.
"Quan chức địa phương sợ phải chịu trách nhiệm", một nông dân khác nói. "Họ đe dọa chúng tôi rằng sẽ có hậu quả nếu chúng tôi báo lên cấp chính quyền cao hơn. Họ sợ mất chức vì chuyện này".
Ông Vincent Martin, đại diện FAO tại Trung Quốc, cho biết phải mất nhiều năm để khống chế hoàn toàn dịch bệnh. Trong khi đó, thị trường nước này, với 1,4 tỷ dân và tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới, sẽ phải đối mặt với giá thịt lợn tăng cao cũng như nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.