Người phát ngôn của Cơ quan quản lý Động vật hoang dã và Công viên Zimbabwe Tinashe Farawo cho biết số tiền thu về từ việc bán voi sẽ được sử dụng để hỗ trợ các công tác bảo tồn.
Ông Farawo nói thêm cơ quan này đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát số động vật trong các công viên quốc gia của mình, và nguồn tài chính từ việc bán voi trong hơn 6 năm sẽ giúp cho công tác bảo tồn số voi còn lại.
Những con voi châu Phi được chụp trong Công viên Quốc gia Hwange ở Zimbabwe. Ảnh: CNN. |
Phát ngôn viên của cơ quan động vật hoang dã Zimbabwe cho biết mực nước sông ở các công viên đang xuống thấp và các nhân viên phải sử dụng nguồn nước thay thế để nuôi động vật.
"Chúng tôi rơi vào tình huống như ở hầu hết công viên trò chơi. Chúng tôi phải sử dụng nước từ giếng khoan và việc này rất tốn kém. Khoản tiền (bán voi) sẽ giúp đỡ chúng tôi khi chống chọi với hạn hán", ông giải thích.
Bộ trưởng Du lịch Zimbabwe Prisca Mupfumira nói rằng quốc gia này hiện có 85.000 con voi và họ chỉ có thể phục vụ 55.000 con.
Theo CNN, 98 con voi đã được chuyển bằng máy bay đến các công viên ở Trung Quốc và Dubai, và chúng được bán với giá từ 13.500 USD - 41.500 USD mỗi con. Số voi này được bán từ năm 2012-2018.
Bộ trưởng Mupfumira nói với Zimbabwe Chronicle rằng chính phủ đang thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi theo Công ước quốc tế buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), mở đường cho việc bán ngà voi trị giá 300 triệu USD.
Botswana, Namibia và Zambia là nơi có số lượng voi châu Phi lớn nhất. Các quốc gia Nam Phi này cũng đang tìm cách dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán ngà voi theo Công ước CITES - tổ chức toàn cầu chịu trách nhiệm điều tiết việc buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Vào năm 2015, Zimbabwe đã bán một số động vật hoang dã vì cho rằng cần phải cứu chúng khỏi một đợt hạn hán sắp xảy ra ở các công viên và khu bảo tồn quốc gia.
Bên cạnh đó, cư dân ở đây thường phàn nàn về việc voi xâm chiếm đất nông nghiệp của họ và phá hủy mùa màng.
"Chúng tôi đang bán (voi) vì chúng tôi cần quản lý số lượng. Chúng tôi cần giải cứu người dân khỏi những con voi vì ngoài việc bị giết trong các cuộc tấn công, người dân không có tiền mua thuốc để điều trị vết thương do động vật gây ra", ông Farawo nói.