Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc cấm ngà voi: Bỏ nghề 3.000 năm để tránh thế giới lên án

Trung Quốc cuối cùng đã phải cấm buôn bán ngà voi sau nhiều tai tiếng, sự lên án của quốc tế, cùng các chiến dịch vận động bền bỉ. Tuy nhiên, loài voi vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Zhou Fei thức dậy vào ngày cuối cùng của năm 2016, chỉ mong đây sẽ là ngày ông mong đợi. Suốt 4 năm, ông dẫn đầu chiến dịch ở Trung Quốc mà nhiều người cho là sẽ thất bại: vận động cấm buôn bán ngà voi. Đó là nỗ lực muộn màng để cứu lấy loài vật đã giảm từ 10 triệu con xuống 500.000 con trên toàn thế giới trong 100 năm.

Cuối cùng ông đã được toại nguyện. Trung Quốc, thị trường ngà voi lớn nhất thế giới, tuyên bố sẽ cấm buôn bán ngà voi.

“Chúng tôi tưởng điều này sẽ không bao giờ xảy ra”, Zhou nói với BBC. Mạng xã hội tin tưởng 2017 sẽ là năm của loài voi. Những tháng sau, hàng chục xưởng điêu khắc ngà voi phải đóng cửa và ký cam kết chấm dứt buôn bán.

Tháng 1 năm nay, lệnh cấm đi vào hiệu lực. Truyền hình Trung Quốc thường xuyên cảnh báo người dân không tiếp tục mua ngà voi. Ở xứ sở tôn sùng ngà voi hàng nghìn năm nay, điều không tưởng đã trở thành sự thật.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 1
Những con voi bị sát hại ở một vườn quốc gia ở Zimbabwe. Ảnh: Reuters.

“Vàng trắng” siêu lợi nhuận

Zhang Li, chuyên gia bảo tồn ở Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nghiên cứu về voi và buôn bán ngà voi hơn 20 năm, nói Trung Quốc đã ưa chuộng ngà voi từ 3.000 năm nay.

Ông đã thấy các lăng mộ từ triều Minh và Thanh ở Tứ Xuyên được trang trí bằng ngà. “Ngà voi là biểu tượng của địa vị. Công chúa, nhà vua đeo trang sức và trang trí cung điện bằng tượng, ấm trà, hay tranh khắc làm từ ngà voi”, nhà nghiên cứu nói với chương trình The Inquiry của đài BBC.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 2
Hàng điêu khắc ngà voi bị tịch thu ở Hong Kong. Ảnh: AP.

Từ thứ đồ chỉ dành cho vua chúa, ngà voi dần trở nên bình dân. Những năm 1960, Trung Quốc có hàng chục nghìn người chế tác mọi vật từ đũa cho tới khuyên tai để xuất sang phương Tây, dùng ngà voi từ cả châu Á lẫn châu Phi.

Đó là nghề siêu lợi nhuận: 1 kg ngà bán được 1.000 USD, được mệnh danh “vàng trắng” ở Trung Quốc. Tới những năm 1980, hàng trăm con voi bị giết mỗi ngày.

Các chuyên gia bảo tồn lên án việc tàn sát voi để lấy ngà làm trang sức là "tội ác thiên nhiên" và một sự “khoe mẽ tàn nhẫn”, theo BBC.

Buôn bán ngà voi xuyên biên giới bị cấm năm 1989. Năm 2008, với ý định cung cấp ngà voi hợp pháp cho thị trường để dẹp bỏ hàng nhập lậu, Trung Quốc mua 62 tấn ngà từ những con voi Châu Phi đã chết một cách tự nhiên.

Nhưng ý tưởng đó phản tác dụng. Các nhà quan sát nhận thấy số voi bị giết ở Châu Phi đã tăng vọt, thay vì giảm xuống. Nạn buôn lậu ngà voi không biến mất, mà nấp dưới vỏ bọc của thị trường ngà voi hợp pháp.

Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, Trung Quốc đã mạnh tay hơn dự đoán của tất cả.

Tai tiếng cho Trung Quốc

Paula Kahumbu, một trong những chuyên gia bảo tồn uy tín nhất Kenya, theo dõi số lượng voi sau vụ bán ngà voi cho Trung Quốc năm 2008.

“Thị trường ngà voi ở Trung Quốc bùng nổ, tạo nên làn sóng săn voi trên khắp Châu Phi. Thêm nhiều người Trung Quốc vận chuyển ngà bị bắt giữ ở sân bay”, bà nói với BBC.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 3
Ngà voi từ Tanzania bị thu giữ ở Hải Phòng năm 2009. Nhu cầu ngà voi ở Trung Quốc tạo làn sóng săn voi trên khắp Châu Phi.  Ảnh: AFP.

“Có những chiếc ngà voi nửa kg, từ những con 3-4 tuổi”, Kahumbu nói. “Chúng tôi đau lòng vì không còn voi trưởng thành, và họ đang chuyển sang săn voi con. Tôi đã nghĩ đây là dấu chấm hết của loài voi”.

Năm 2012, bà phát động chiến dịch bảo vệ voi. “Voi không chỉ để thu hút khách du lịch, mà còn gắn liền với tiềm thức của người Kenya”, bà nói. “Nhìn nhận loài voi theo cách này, chúng tôi được công chúng ủng hộ mạnh mẽ”.

Sự chung tay đã đến từ các nhạc sĩ, doanh nhân, học sinh, chính trị gia và đệ nhất phu nhân của Kenya. Họ gây áp lực để chính phủ lập các đội kiểm lâm đặc biệt trấn áp nạn giết voi. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề ở tận Trung Quốc.

“Tôi gặp các đại sứ Trung Quốc ở Kenya và Tanzania”, Kahumbu nói. “Họ kiên quyết từ chối … không ai nghĩ Trung Quốc sẽ cấm ngà voi”.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 4
Kenya thiêu hủy ngà voi tịch thu được năm 2016. Ảnh: AFP.

Nhưng đến năm 2016, vận may mỉm cười với họ. Ngày 11/10, “nữ hoàng ngà voi” Yang Fenglan bị bắt giữ ở Tanzania với tội cầm đầu đường dây quốc tế đã buôn lậu 706 ngà voi sang Trung Quốc – đồng nghĩa hơn 350 con bị sát hại.

Câu chuyện lên trang nhất của truyền thông quốc tế. Thú chơi đồ ngọc ngà đang gây nhiều tai tiếng cho Trung Quốc, vốn đã nhận hàng tỉ USD hợp đồng xây dựng ở Châu Phi. “Họ lo ngại uy tín bị tổn hại do buôn bán ngà voi … và đã tự hỏi liệu có đáng hay không”, Kahumbu nói.

“Ngà voi chỉ thuộc về con voi”

Zhou Fei, người vận động cấm ngà voi suốt 4 năm, đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những con voi hoang dã trong lần đầu tiên ông thấy chúng ở Kenya. Về Trung Quốc, ông gia nhập tổ chức TRAFFIC để theo nghiệp bảo tồn thiên nhiên.

“Chúng tôi thực hiện chiến dịch tuyên truyền nhắm vào người mua, đặt quảng cáo ở Bắc Kinh, Thượng hải và Quảng Châu” – 3 nơi tiêu thụ ngà voi nhiều nhất – ông nói với BBC. “Đồng thời dùng mạng xã hội để người trẻ chú ý. Chúng tôi nói với mọi người ngà voi chỉ thuộc về con voi”.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 5
Vẻ đẹp của những con voi hoang dã đã khiến một số người như Zhou Fei theo nghiệp bảo tồn thiên nhiên. Ảnh: AP.

Họ nhận ra nhiều người Trung Quốc không hề biết ngà voi họ mua là của những con voi bị sát hại tàn nhẫn. Họ chưa thấy những bức ảnh ghê rợn.

Chiến dịch này được những người nổi tiếng tiếp thêm lửa. Siêu sao bóng rổ với chiều cao 2m29 Yao Ming, thần tượng của giới trẻ, sau khi trở về từ Châu Phi đã lên truyền hình quốc gia kêu gọi người dân dừng mua bán ngà để cứu mạng những con voi.

Tới tháng 3/2015, Hoàng tử Williams của Anh thăm Trung Quốc. “Trong 30 năm tôi sống trên đời, chúng ta đã mất 75% số voi Châu Phi. Trong số còn lại, 20.000 con đang bị giết mỗi năm, tức 54 con mỗi ngày”, ông nói trong diễn văn có hàng triệu khán giả.

Giới bảo tồn như Zhou Fei giờ đã được công chúng lắng nghe. Họ gặp các quan chức để thảo luận lệnh cấm. Vài tháng sau, một sự kiện đã khiến ông kinh ngạc. Chính quyền Bắc Kinh đưa 662 kg ngà voi bị thu giữ tới quảng trường, đặt lên băng chuyền và nghiền nát, trước hàng nghìn người và ống kính truyền hình.

“Tôi nhận ra đó là thời điểm quyết định”, Zhou nói.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã kết luận truyền thống trang trí bằng ngà voi không còn đáng giá so với tổn thất về uy tín. Cuối năm 2016, họ ban hành lệnh cấm.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 6
Ngà voi nhập lậu bị nghiền nát ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Chưa qua cơn nguy kịch

“Ngà voi đã hạ giá và kém hấp dẫn với các nhóm tội phạm … lợi nhuận đã giảm và rủi ro tăng lên”, John Scanlon, cựu chủ tịch CITES, tổ chức quốc tế kiểm soát buôn bán động vật quý hiếm, nói với đài BBC.

Nhưng ông không ăn mừng quá sớm. Chỉ bên kia biên giới, vẫn có thể dễ dàng mua ngà voi. Các nhóm buôn ngà voi đã dời sang Lào, bán các mặt hàng như đũa và bút ngà ở các khách sạn và sòng bạc của người Hoa. Lào được coi là thị trường ngà voi phát triển nhanh nhất trên thế giới.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 7
Hải quan Thái Lan thu giữ ngà voi nhập lậu từ Congo để bán sang Lào. Ảnh: AP.

“Chúng ta cần phải chú ý những quốc gia bắt đầu xuất hiện buôn bán ngà voi”, Scanlon nói. “Cần phải bắt được hàng buôn lậu ở biên giới, rồi điều tra và truy tố tận gốc … để hạ thấp nhu cầu tiêu thụ”.

Ông cho rằng chính quyền Trung Quốc gần đây đang xử lý mạnh tay. “Họ kết án nặng nề và thông tin rộng rãi, gửi thông điệp răn đe mạnh mẽ”.

Nhiều người lại tỏ ra hoài nghi. Họ chỉ trích Trung Quốc đã thông báo 1 năm trước khi cấm, cho các thương lái thời gian chuyển đi nơi khác. Họ nói ngà voi vẫn bán rộng rãi trên mạng xã hội, và các băng đảng săn voi ở Châu Phi vẫn có thế lực.

lenh cam buon ban nga voi cua Trung Quoc anh 8
Cảnh sát Trung Quốc thu giữ ngà voi và sừng tê của một tổ chức tội phạm năm 2016. Ảnh: AFP.

“Nếu thực thi lệnh cấm không nghiêm, nạn săn voi có thể lại tăng vọt”, Scanlon nhận định. Tuy số voi bị tàn sát nhìn chung đã giảm, ông cảnh báo nguy cơ tuyệt chủng cục bộ một số nơi ở Trung và Tây Phi nếu không có hành động triệt để.

Theo BBC, nhờ sự kiên trì lên án của quốc tế, đặc biệt là Châu Phi, Trung Quốc đã ra lệnh cấm buôn bán ngà voi. Lãnh đạo nước này không muốn mang tiếng làm tuyệt chủng loài voi.

Tuy nhiên, cái kết có hậu chưa hẳn đã đến. Hàng chục con voi vẫn bị giết mỗi ngày để cung cấp cho thị trường mới như ở Lào. Các nhà vận động cho rằng nếu Trung Quốc không thực thi triệt để lệnh cấm, loài voi vẫn chưa qua cơn nguy kịch.

Tiêu diệt cá mập đồng nghĩa hủy diệt hệ sinh thái biển Cá mập có vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái dưới đáy biển, chúng ăn các loài động vật gây hại, hấp thụ khí CO2 và xử lý các xác chết ở đại dương giúp ngăn dịch bệnh.

Vây cá mập: Món ăn nghìn năm của người Hoa và thị trường tỷ USD

Vây cá mập, thứ nguyên liệu nấu súp nổi tiếng nhờ truyền thống của người Trung Hoa, là món hàng có giá thứ ba trên thị trường "chợ đen", sau vàng, súng và xếp trên cả ngà voi.

Bên trong chợ ngà voi khổng lồ sắp bị Trung Quốc dẹp bỏ

Trung Quốc sẽ đóng hoàn toàn thị trường ngà voi hợp pháp trong năm nay. Một số nghệ nhân Trung Quốc lo ngại nghề chạm khắc ngà voi sẽ biến mất sau khi các xưởng bị đóng cửa.





Trọng Thuấn

(Theo BBC)

Bạn có thể quan tâm