Công xưởng thuộc sở hữu nhà nước này là một trong những xưởng chế tác ngà voi lớn nhất Trung Quốc. Vào mùa cao điểm, nơi đây sử dụng hơn 20 nhân công. Cục Quản lý Lâm nghiệp Quốc gia thông báo 67 cơ sở cung cấp ngà voi được cấp phép đã bị đóng cửa hôm 31/3, trong đó có 12 nhà máy sản xuất và hàng chục cửa hàng bán lẻ. Số còn lại sẽ bị đóng cửa từ nay tới cuối năm. Ảnh: Getty. |
Công nhân chế tác ngà voi trong một xưởng sản xuất ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 31/3. Thị trường Trung Quốc được cho là một trong những yếu tố chính dẫn tới việc săn trộm voi ở châu Phi. Việc buôn bán ngà voi giữa các nước đã bị cấm từ năm 1990, nhưng nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, vẫn cho phép mua bán ngà voi trong nước. Ảnh: Reuters. |
Một người thợ kiểm tra ngà voi trước khi đưa vào chế tác. Năm 2015, lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố sẽ cấm "gần như hoàn toàn" thị trường ngà voi trong nước. Tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ ngà voi chủ yếu đến từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng. Đồ chạm khắc, đũa, trang sức bằng ngà voi được xem như một cách thể hiện sự giàu có. Ảnh: Reuters. |
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy hoạt động giao dịch ngà voi bằng việc cấp phép cho các xưởng sản xuất và các nhà bán lẻ. Nước này hiện dự trữ hàng chục tấn ngà voi kể từ khi hoạt động buôn bán sản phẩm này được Công ước Thương mại quốc tế về Các loài quý hiếm và Động thực vật hoang dã cho phép vào năm 2008. Ảnh: Getty. |
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ ngà voi lớn nhất thế giới. Ước tính 70% sản phẩm ngà voi trên toàn cầu được bán tại Trung Quốc. Quyết định cấm tất cả hoạt động thương mại và chế tác ngà voi trong năm nay của Trung Quốc được các tổ chức quốc tế hoan nghênh. Họ cho rằng động thái này sẽ góp phần vào việc bảo tồn voi châu Phi. Ảnh: EIA. |
Tác phẩm điêu khắc bằng ngà voi được chào bán tại trung tâm thủ công mỹ nghệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 15/11/2011. Các tác phẩm ngà voi lớn nhất ở đây được bán với giá khoảng 160.000 USD. Ảnh: Getty. |
Một số thợ điêu khắc ngà voi Trung Quốc có tay nghề rất cao. Tác phẩm chạm khắc mô phỏng tuyến đường sắt Thành Đô - Côn Minh này là món quà Trung Quốc gửi tới Liên Hợp Quốc vào năm 1974. Tác phẩm sử dụng 8 ngà voi và được 98 nhân công hoàn thành trong hơn 2 năm. Một số nghệ nhân Trung Quốc lo ngại nghề truyền thống của họ sẽ biến mất sau khi các nhà máy bị đóng cửa. Ảnh: Rob Young. |
Người dân chiêm ngưỡng một sản phẩm ngà voi chạm khắc được trưng bày trong cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/2/2013. Ảnh: AFP/Getty.
|
Khách tham quan ngắm nhìn tượng Phật bằng ngà voi tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 20/2/2013. Đầu năm 2014, 1 kg ngà voi có giá khoảng 2.100 USD trên thị trường chợ đen châu Á. Tuy nhiên, tháng trước, mức giá đã giảm còn 730 USD/kg. Suy thoái kinh tế và các cuộc trấn áp tham nhũng được cho là nguyên nhân khiến cơn khát ngà voi của người Trung Quốc giảm bớt. Ảnh: AFP/Getty. |