1. Cốc giúp người dùng đỡ tốn sức pha cà phê
Theo Business Insider, cốc K-cup dùng một lần giúp cho việc pha cà phê dễ dàng hơn. Người sử dụng chỉ việc đặt chiếc cốc này (bên trong đã có sẵn cà phê) dưới máy nước nóng và ấn nút là đã có một ly cà phê thơm ngon.
Mặc dù hãng sản xuất sản phẩm nói trên bị chỉ trích với lượng rác thải gây ra và nhà phát minh cũng hối hận vì đã tạo ra sản phẩm, song doanh thu năm 2014 của hãng vẫn đạt 4,7 tỷ USD.
2. Nhà hàng chuyên giao đồ ăn cho người lười nấu nướng
Tin rằng quá nhiều người không muốn nấu nướng, di chuyển, chuỗi nhà hàng GrubHub Seamless chi 11.000 USD mỗi năm cho việc chuyển phát đồ ăn.
Triết lý kinh doanh trên có phần đúng đắn. Bởi lẽ, GrubHub, sau khi sáp nhập với đối thủ ứng dụng giao hàng Seamless để phát triển mô hình kinh doanh trên, đã thu về 86 triệu USD.
3. Ứng dụng taxi
Uber là dịch vụ ra đời để giải quyết những nhu cầu của những người không thích đi bộ hay đợi phương tiện công cộng.
Uber tin rằng, người ta vẫn sẽ sử dụng dịch vụ bởi họ quá lười. Điều này đúng, khi doanh thu của hãng, chỉ riêng ở San Francisco (Mỹ), đã lên tới 500 triệu USD mỗi năm.
Nhược điểm là đôi lúc sử dụng dịch vụ này, khách phải trả phí cao bất thường.
4. Làm bài tập thuê
Dịch vụ làm hộ bài tập về nhà xuất hiện ở khắp nơi. Tại Mỹ, nhiều thế hệ học sinh đã dựa vào một trong những nhà cung cấp dịch vụ là SparkNotes để hoàn thành bài vở được giao.
Trong khi đó, Unemployed Professors lại giúp sinh viên thuê những học giả đang nhàn rỗi viết bài luận. Theo The Daily Dot, một bài luận 5 trang có giá 130 USD, mức không hề rẻ.
5. Dịch vụ làm giúp những công việc nhàm chán
Ứng dụng nổi tiếng TaskRabbit giúp khách hàng chia sẻ bất cứ công việc nào mà họ cảm thấy không muốn đụng tay, từ dọn dẹp nhà cửa đến lắp ráp đồ nội thất. Không ít người đã thuê TaskRabbit chỉ để thay hình đại diện trên Facebook hay giúp họ cắt giảm số người theo dõi trên Twitter.
Các nhà đầu tư có cơ sở để tin rằng, cung cấp dịch vụ cho sự lười biếng của con người sẽ đem lại lợi nhuận. Năm ngoái, TaskRabbit hút được 30 triệu USD rót vào đầu tư.
6. Mua quần áo giúp người lười
Không muốn ra cửa hàng cũng chẳng thích mua online, với 20 USD trả cho dịch vụ của Stitch Fix, khách sẽ có quần áo được giao tận nhà. Stitch Fix thu hút được 46 triệu USD đầu tư, doanh thu 150 triệu USD mỗi năm, tính đến thời điểm này.
Nhược điểm của dịch vụ này là khách hàng bị động, không tận dụng được các đợt khuyến mại, giảm giá. Tuy vậy, đây được cho là cái giá phải trả cho sự lười biếng.