1. Nhận trông nom chó - 47 triệu USD
Chỉ 13% trong tổng số hồ sơ dự tuyển được chọn làm thành viên của cộng đồng DogVacay. |
Khởi nguồn từ nhu cầu chăm sóc thú cưng khi chủ vắng nhà, Aaron Hirschhorn đã xây dựng cộng đồng trực tuyến DogVacay - có trụ sở chính tại thành phố Santa Monica, bang California với hơn 20.000 thành viên nhận trông nom chó trên khắp nước Mỹ và Canada.
Aaron Hirschhorn cho biết quy trình tuyển dụng của DogVacay rất nghiêm ngặt - chỉ 13% trong tổng số hồ sơ dự tuyển được chọn làm thành viên. Dự án đã thu hút 19 nhà đầu tư, trong đó có Andreessen Horowitz, Foundation Capital và Benchmark...
2. "Chữa bệnh ảo" - 24 triệu USD
Doctor on Demand có thể chẩn đoán, kê đơn cho một số loại bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, phát ban, dị ứng, những bệnh về da liễu và nhi khoa. |
Doctor on Demand là một ứng dụng giúp bệnh nhân có thể khám bệnh tại nhà nhờ vào... Internet.
Người dùng sẽ bấm chọn triệu chứng bệnh, loại thuốc dị ứng và tóm tắt lịch sử bệnh lý. Sau đó hệ thống sẽ kết nối với các bác sĩ trong tiểu bang nơi họ sinh sống và tự động gửi đơn thuốc đến một quầy thuốc gần đó.
Khoảng 15 phút sau, thuốc sẽ được gửi đến tận nhà và bệnh nhân sẽ trả khoản phí khoảng 40 USD (đối với các bệnh thông thường). Công ty này cũng có mối quan hệ mật thiết với các hãng bảo hiểm vận chuyển lớn nhất nước Mỹ.
Các bác sĩ trên Doctor on Demand có thể chẩn đoán, kê đơn cho một số loại bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu, phát ban, dị ứng, những bệnh về da liễu và nhi khoa.
Phương pháp chữa bệnh ảo này hiện có tốc độ phát triển chóng mặt và đã thu hút 10 nhà đầu tư tham gia góp tổng cộng 24 triệu USD, trong đó có tỷ phú Richard Branson, Venrock, Shasta Ventures...
3. Thử áo ngực trên Internet - 6 triệu USD
Áo ngực Uniform của True & Co. gồm 22 mẫu thiết kế độc đáo, phù hợp với hơn 6.000 kích cỡ cơ thể khác nhau. |
Nắm bắt tâm lý ngại ngùng của phụ nữ khi mua áo ngực, Michelle Lam đã cho ra đời website True & Co. nhằm giúp khách hàng có thể "thử" áo ngực ngay trên máy tính của mình.
Khách hàng chỉ mất 2 phút để trả lời những câu hỏi liên quan đến hình dạng, kích cỡ ngực cũng như các nhãn hiệu ưa thích; sau đó website sẽ tìm ra chiếc áo ngực phù hợp với sở thích cá nhân của khách hàng từ hơn 20 thương hiệu đồ lót của công ty.
Kế đến, trang này sẽ khuyến nghị ít nhất 2 sản phẩm và tối đa 5 sản phẩm, sau đó chuyển hàng miễn phí đến nhà khách hàng để họ có thể thử. Khách hàng có thể giữ lại và trả tiền cho bất cứ sản phẩm nào họ thích và trả lại những sản phẩm không phù hợp.
Năm 2012, từ những ý kiến thu thập được của hơn 1,5 triệu phụ nữ, True & Co. đã xây dựng hệ thống mã màu có tên True Spectrum và tung ra bộ sản phẩm áo ngực Uniform đầy ấn tượng.
Áo ngực Uniform của True & Co. gồm 22 mẫu thiết kế, phù hợp với hơn 6.000 kích cỡ cơ thể khác nhau.
12 nhà đầu tư, trong đó có First Round Capital, Cowboy Ventures và Crosslink Capital..., đã "đổ" vào dự án tổng cộng 6 triệu USD.
4. Dùng thử đệm 100 ngày - 15 triệu USD
Khách hàng được dùng thử đệm Casper trong 100 đêm không mất phí. |
Với doanh thu 20 triệu USD chỉ trong 10 tháng bán hàng đầu tiên, công ty đệm trực tuyến Casper đã phá thế độc quyền của các "ông lớn" trong ngành công nghiệp trị giá 13 triệu đô hàng năm này, bằng cách chỉ bán một sản phẩm đệm đơn với 6 kích cỡ tiêu chuẩn.
Đệm Casper được ép vào một chiếc hộp nhỏ gọn và giao đến tận nhà khách hàng với 100 đêm dùng thử mà không yêu cầu người dùng trả thêm phí.
Mặc dù xuất hiện trên thị trường chưa đầy 1 năm nhưng đệm Casper đang rất được ưa chuộng tại Mỹ, thu hút 14 nhà đầu tư với các tên tuổi như Lerer-Hippeau Ventures, Warby Parker, Oscar và Birchbox..., bỏ ra tổng cộng 15 triệu USD.
5. Kết nối hành khách với tài xế - 10 triệu USD
Roadie đã giúp hàng hóa được lưu thông tới hơn 1.750 điểm trong 25 bang tại Mỹ. |
Thay vì thuê xe giao hàng tận nơi, khách hàng có thể gửi hàng hóa trên các tuyến xe chạy đường dài với phí 8-150 USD, qua Roadie.
Marc Gorlin - CEO của Roadie nói trên kênh CNBC rằng, Roadie không chỉ là một ứng dụng vận chuyển hàng mà còn thực sự là một cộng đồng nơi mọi người có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Với hơn 7.500 lượt tải, ứng dụng này đã giúp hàng hóa được lưu thông tới hơn 1.750 địa điểm trong 25 bang tại Mỹ. 3 nhà đầu tư Tomorrrow Ventures, UPS và Warren Stephens đã bỏ vào dự án 10 triệu USD.
6. Chia sẻ các thiết bị y tế - 16,8 triệu USD
Cohealo có thể nhanh chóng vận chuyển các thiết bị y tế theo yêu cầu của bác sĩ, nhờ đó bệnh nhân được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất và bệnh viện cũng trở nên tối tân hơn. |
Với tiêu chí "sẻ chia và tiết kiệm", mô hình trao đổi các thiết bị y tế giữa các bệnh viện với nhau có tên Cohealo đã được sử dụng trong 70 bệnh viện liên bang và tiết kiệm trung bình khoảng 1 triệu USD.
Cohealo có thể nhanh chóng vận chuyển các thiết bị y tế theo yêu cầu của bác sĩ, nhờ đó bệnh nhân được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất và bệnh viện cũng trở nên tối tân hơn.
3 nhà đầu tư gồm Romulus Capital, Krillion Ventures và Neil Chheda đã bỏ vào dự án này 16,8 triệu USD.
7. Bán đúng giá gốc - 225 triệu USD
Mức giá hàng hóa mà hãng bán ra rẻ hơn 10-15% so với mọi trang bán hàng trực tuyến khác. |
Với phương châm "bán đúng giá gốc" và kiếm lời bằng cách tiết kiệm chi phí, trang web mua hàng trực tuyến Jet.com đặt ra mục tiêu cạnh tranh với Amazon trong cuộc chiến về giá.
Khách hàng của Jet.com sẽ đươc giảm giá khi tiết kiệm chi phí gửi hàng bằng cách: mua số lượng nhiều thay vì mua lẻ, chọn sản phẩm từ người bán có cửa hàng gần đó, hoặc mua sản phẩm từ nhiều hãng nhưng bỏ vào chung một hộp khi nhận hàng.
Sau 90 ngày dùng thử website, khách hàng sẽ phải trả 49,99 đôla một năm (giảm một nứa so với Amazon Prime) để đăng nhập vào trang web.
Theo Marc Lore - CEO của Jet, mức giá hàng hóa mà hãng bán ra sẽ rẻ hơn 10-15% so với mọi trang bán hàng trực tuyến khác. Ông cũng từng là giám đốc điều hành của Quisdi (chủ sở hữu của hai trang web Diapers.com và Soap) được Amazon mua lại năm 2010 với giá 550 triệu USD.
17 nhà đầu tư, trong đó có NEA, Google Ventures, Bain Capital Ventures, Accel Partners... đã bỏ vào dự án này tổng cộng 225 triệu USD.
8. Đầu tư vào công lý - 1 triệu USD
LexShares đầu tư cho các vụ tranh chấp liên quan tới pháp luật thương mại. |
LexShares là một nơi hội họp trực tuyến cho phép người tham gia đầu tư vào các vụ tranh chấp liên quan tới pháp luật thương mại, và liên hệ với nguyên đơn để tài trợ cho trường hợp của họ.
Đại diện của LexShares khẳng định hiện đây là công ty duy nhất có khả năng đầu tư vào những vụ tố tụng trực tuyến.
Atlas Venture đã bỏ ra 1 triệu USD đầu tư cho dự án này.
9. Trung gian phân phối thực phẩm - 3 triệu USD
Goldbely hiện có hơn hơn 300 đối tác cung ứng sản phẩm trên 45 bang. |
Bằng cách kết nối trực tuyến với nhiều công ty cung ứng thực phẩm tại địa phương, Goldbely đã hoàn toàn thành công trong việc tiếp cận khách hàng ở nhiều khu vực khác nhau mà không cần lo lắng về việc thuê mặt bằng cũng như thu hút khách bản địa.
Hơn 50% lượng đơn đặt hàng của Goldbely đến từ những khu vực nằm ngoài top 50 thị trường lớn của Mỹ, giúp công ty này chiếm lĩnh một thị trường to lớn mà các hệ thống siêu thị hiện nay chưa nhắm tới.
Công ty khởi nghiệp này cho biết hiện có hơn hơn 300 đối tác cung ứng sản phẩm trên 45 bang, và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của công ty lên đến 300%.
Dự án đã nhận được 3 triệu đô từ 10 nhà đầu tư, trong đó có Intel Capital, 500 Startups, Y Combinator, Tim Draper...
10. Dịch vụ giao thuốc trọn gói - 12,8 triệu USD
Pillback đã làm thay đổi thói quen sử dụng thuốc của người Mỹ. |
Ý tưởng tạo ra một dịch vụ vận chuyển thuốc trọn gói đến tay bệnh nhân của Pillback đã làm thay đổi thói quen sử dụng thuốc của người Mỹ, đặc biệt đối với những khách hàng cần dùng nhiều loại thuốc khác nhau.
Pillback sẽ trực tiếp nhận đơn thuốc từ bác sĩ và giao cho một dược sĩ trong công ty sắp xếp, đóng gói với ngày tháng được ghi đầy đủ trên toa trước khi giao cho khách hàng.
18 nhà đầu tư, trong đó có Founder Collective, Atlas Venture, Accel Partners... đã bỏ vào dự án này tổng cộng 12,8 triệu USD.
11. Thiết kế sản phẩm theo ý khách hàng - 11,5 triệu USD
Adore Me bán các mẫu thiết kế của mình trên website và ứng dụng điện thoại. |
Adore Me là một công ty chuyên kinh doanh đồ lót phụ nữ giống như Amazon, Zara, Victoria's Secrect trong lĩnh vực thương mại điện tử. Năm 2014, Adore Me lọt vào top 3 công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất ở New York, do tạp chí Inc. bình chọn.
Adore Me bán các mẫu thiết kế của mình trên website và ứng dụng điện thoại, ngoài ra hãng này còn tung ra chiến dịch quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc gia.
Sharon Klapka - Giám đốc kinh doanh và phát triển thương hiệu Adore Me - cho biết, công ty luôn dựa vào những gì khách hàng sẽ quan tâm, sau đó lên kế hoạch thiết kể và bán sản phẩm ra thị trường.
9 nhà đầu tư, trong đó có Upfront Ventures, RedHills Ventures, Mouse Partners... chi cho dự án này tổng cộng 11,5 triệu USD.
12. Website gây quỹ cho các tổ chức xã hội - 8 triệu USD
Kể từ năm 2011, Classy đã kêu gọi được 1,3 triệu người tham gia 300.000 chiến dịch. |
Classy.org là một trong những website gây quỹ tốt nhất dành cho các tổ chức xã hội trên thế giới.
Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giảm đói nghèo, cứu trợ thảm họa và bảo vệ động vật là một vài lĩnh vực mà Classy.org đã chạy chiến dịch gây quỹ.
Kể từ năm 2011, công ty này đã kêu gọi được 1,3 triệu người tham gia 300.000 chiến dịch, thu về hơn 130 triệu USD cho các tổ chức xã hội.
Hiện tại, Classy.com cũng vừa bắt đầu hợp tác với một số tổ chức liên chính phủ lớn trên thế giới để mở rộng mạng lưới và thu hút thêm nhiều người tham gia gây quỹ.
9 nhà đầu tư, trong đó có Bullpen Capital, Salesforce Ventures, Galileo Partners... đã bỏ vào đây 8 triệu USD.
13. Robot gia đình Jibo - 30,7 triệu USD
Robot Jibo vừa là người bạn, người giúp việc và thậm chí còn là phương tiện giúp kết nối các thành viên trong gia đình với nhau. |
Jibo là robot gia đình đầu tiên trên thế giới được cài đặt phần mềm chạy các thuật toán trí tuệ nhân tạo cho phép nó có khả năng tìm hiểu sở thích của chủ và có cơ chế tự thích ứng với những sở thích đó.
Robot Jibo vừa là người bạn, người giúp việc và thậm chí còn là phương tiện giúp kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.
Bên cạnh khả năng chụp ảnh, gọi video và nhận diện khuôn mặt, robot Jibo có thể giúp người dùng kiểm tra email và đọc truyện cho trẻ em trước khi đi ngủ.
30,7 triệu USD là số tiền mà 6 nhà đầu tư gồm RRE Ventures, CRV, Flybridge Capital Partners, Two Sigma Ventures, Formation 8 và Samsung Ventures đã bỏ vào dự án này.