Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5.000 tài xế đầu quân Phương Trang khi Uber dừng hoạt động?

Theo CEO VATO Trần Thanh Nam, trong khoảng 2 tuần qua đã có 5.000 tài xế đăng ký chạy cho ứng dụng này.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành ứng dụng VATO, cho biết đã có khoảng 5.000 tài xế đăng ký trong khoảng 2 tuần qua. Thời điểm tài xế đăng ký mạnh cho ứng dụng này là khi Phương Trang quyết định rót 100 triệu USD vào VATO.

Ông Nam cũng cho biết trong số 5.000 lái xe có khoảng 50% là tài xế xe ôm công nghệ, 50% còn lại là tài xế ôtô. Số lượng này cũng chia đều 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tính chung trên cả nước, hiện tại VATO có khoảng 6.000 tài xế.

Khi được hỏi liệu số lượng tài xế đăng ký có phải chỉ là hình thức, bởi thực tế cho thấy nhiều tài xế đăng ký cùng lúc nhiều ứng dụng, ông Nam đánh giá đó là một sự thật khó thay đổi.

5000 tai xe dang ky vato anh 1
Đơn vị được cho là đang cạnh tranh trực tiếp với Grab đang đẩy mạnh tuyển tài xế từ sau khi Uber bán mình cho Grab. Ảnh minh hoạ: PT.

“Hiện tại, việc cấm tài xế là rất khó bởi họ có thể đăng ký nhiều nơi, bên nào có lợi, nhiều khách thì họ chạy. Tôi kỳ vọng khi nghị định mới thay thế Nghị định 86 ra đời thì sẽ khác. Khi đó doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế. Điều đó sẽ khiến tài xế sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Khi được hỏi về cuốc xe của tài xế và doanh thu, ông Nam cho biết chưa có thống kê chính thức. Tuy nhiên, cá nhân ông Nam đánh giá có sự phát triển nhanh, khi có tài xế đã chia sẻ đạt được 10 chuyến/ngày.

Nói về VATO, ông Trần Thanh Nam cho rằng nó giống với một sàn giao dịch điện tử hơn là một ứng dụng để cạnh tranh trực tiếp với Grab. Sàn bao gồm nhiều sản phẩm như dịch vụ gọi xe (taxi), đặt vé (tuyến cố định), đặt xe (xe du lịch, xe hợp đồng), vận tải hàng hóa (xe tải, chuyển phát), xe ôm công nghệ.

Sàn này sẽ kết nối không chỉ xe của Phương Trang mà còn toàn bộ các doanh nghiệp kinh doanh vận tải tham gia mua và bán sản phẩm dịch vụ. Giai đoạn tiếp theo, sàn có thể bán hàng online, offline, ví điện tử, giao hàng, chuyển phát nhanh…

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc hợp tác xã vận tải Toàn Cầu, người có gần 10 năm kinh nghiệm cho trong lĩnh vực vận tải, cho rằng khi Uber rời đi, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ứng dụng để cạnh tranh là “phí tiền”. Ông Tuấn thẳng thắn nói doanh nghiệp Việt khó có thể cạnh tranh với Grab bằng cơ chế hiện tại, khi có sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thì tin tưởng các ứng dụng Việt sẽ có thể thay đổi cuộc chơi và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Ông Hùng nhấn mạnh việc đi lên của các doanh nghiệp nội như một “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, giành lại chủ quyền về kinh tế cho đất nước.

Phương Trang chi 100 triệu USD đầu tư ứng dụng gọi xe thay thế Uber

Khi Uber rút khỏi Đông Nam Á thông qua sáp nhập vào Grab, lập tức Phương Trang rót vốn đầu tư ứng dụng gọi xe, với ý định lấp khoảng trống trước mắt tại thị trường Việt Nam.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm