Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 vấn đề nóng trong 220 phút chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Nguy cơ thiếu điện, quá tải hệ thống truyền tải, gian lận xuất xứ hàng hóa... là những vấn đề nóng trong phiên chất vấn người đứng đầu ngành công thương.

Từ chiều 6/11 đến sáng 7/11, đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 9 lượt tranh luận trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Các vấn đề nổi lên được đại biểu chất vấn là việc chậm trễ các dự án nguồn điện gây nguy cơ thiếu điện, quá tải hệ thống truyền tải để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam, gian lận thương mại…

Đặc biệt, vấn đề cài cắm “đường lưỡi bò” trong hàng hóa bán tại Việt Nam được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ra và chất vấn người đứng đầu ngành công thương.

Lỗ hổng pháp luật để lọt “đường lưỡi bò”

Ngay đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Phạm Văn Hòa đã dẫn việc Zing.vn liên tiếp phát hiện các vụ việc cài cắm hình ảnh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vào hàng hóa ở Việt Nam như quả địa cầu, ôtô gắn định vị, phim ảnh… Ông cho biết hải quan đã phát hiện và xử lý nhiều vụ, nhưng số sản phẩm đã bán đến người tiêu dùng hết sức nguy hại.

“Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và có biện pháp rà soát để không tái diễn hình ảnh tương tự làm ảnh hưởng đến người dân?”, đại biểu đặt câu hỏi.

chat van bo truong tran tuan anh anh 1
 Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Hải Quân.

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các sản phẩm có gắn “đường lưỡi bò” là vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia. Ông cho rằng đây là một hiện tượng mới xuất hiện và cần những biện pháp xử lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh những trường hợp lợi dụng trong tương lai về thị trường.

“Qua đây chúng tôi cũng thấy có một lỗ hổng pháp lý mà các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục cần rà soát lại để đảm bảo không xảy ra những hiện tượng trong tương lai và chúng ta sẽ hoàn thiện về mặt pháp luật và thể chế”, ông nói.

Trước đó, Zing.vn đã phát hiện nhiều vụ việc hàng hóa bị cài cắm “đường lưỡi bò”. Điển hình là việc Lazada và Sendo bản quả địa cầu và xe Volkswagen có định vị gắn “đường lưỡi bò”.

Nguy cơ thiếu điện hiện hữu

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) và nhiều người khác chất vấn về nguy cơ thiếu điện và sự chậm trễ của hàng loạt dự án điện trên cả nước.

Thừa nhận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019 và 2020. Thậm chí tới năm 2022 nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam Bộ.

Trong khi đó, với thủy điện đang gặp bất lợi bởi biến đổi khí hậu, hạn hán. Do đó, hầu như các thủy điện đang không có đủ điều kiện tích nước để đảm bảo phát phát điện theo công suất được huy động.

chat van bo truong tran tuan anh anh 2
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hải Quân.

Với nhiệt điện, hàng năm phải nhập khối lượng rất lớn than và khí. Dự kiến đến năm 2020, phải nhập khẩu tới 20 triệu tấn than; năm 2025 dự kiến phải nhập khẩu tới 35 triệu tấn than. Về khí, một số dự án tại Tây Nam Bộ, nhất là dự án khí Lô B, do sự chậm trễ nên không đủ điều kiện để đảm bảo Trung tâm năng lượng ở Ô Môn để đảm bảo phát điện.

Trong khi đó, một loạt dự án điện chậm trễ được các đại biểu chỉ ra như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú, Bạc Liêu, Ô Môn…

Phát biểu thêm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng với khoảng 60 dự án điện đang đầu tư, trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa và với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.

Khó khăn giải tỏa công suất dự án điện mặt trời

Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi về việc phá vỡ quy hoạch điện VII, trong đó có sự bùng nổ các dự án điện mặt trời. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận quy hoạch chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo và trong đó điện mặt trời là chủ yếu.

Thủ tướng đã có phê duyệt Quyết định 11, trong đó có quy định giá ưu đãi cho mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh dẫn đến nhiều dự án được triển khai. Tính đến hết ngày 30/6/2019, tức là khi cơ chế giá điện của Quyết định 11 hết hiệu lực chúng ta đã có tới gần 4.900 MW điện mặt trời được hoàn tất và đưa vào vận hành.

Từ đây dẫn đến vấn đề không đồng bộ hệ thống, quá tải hạ tầng truyền tải điện để giải tỏa công suất. Công suất điện mặt trời được giải tỏa mới chỉ khoảng 30-40%. Từ cuối năm 2018, Bộ Công Thương đã có báo cáo Chính phủ xin đề xuất bổ sung hơn 15 dự án liên quan đến hệ thống đường dây và cũng như đường truyền tải.

Tuy nhiên, vướng mắc là luật hiện hành quy định truyền tải điện là độc quyền Nhà nước. Do đó, cần phải thay đổi cơ chế, để tư nhân cũng có thể tham gia xây dựng các công trình truyền tải điện.

Việt Nam có thể trở thành nạn nhân của trừng phạt thương mại

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đặt ra vấn đề hàng hóa Việt Nam bị lợi dụng làm giả xuất xứ để xuất đi các nước. Điều này khiến dư luận cho rằng các nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt thương mại sẽ lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm. Dễ dẫn đến hệ lụy.

“Việt Nam sẽ là nạn nhân, bị các nước điều tra áp thuế, chống phá giá. Đặc biệt, gây thiệt hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính”, ông nói.

Thừa nhận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lấy ví dụ xuất nhập khẩu Việt Nam - Mỹ tăng trưởng rất mạnh trong thời gian vừa qua và cũng có thực tế là rất dễ bị lợi dụng các gian lận xuất xứ. Gần đây là vụ phát hiện lô nhôm 4,3 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu do người Trung Quốc làm chủ đã giả xuất xứ hàng Việt.

chat van bo truong tran tuan anh anh 3
Nhiều đặt ra vấn đề hàng hóa Việt Nam bị lợi dụng làm giả xuất xứ để xuất đi các nước khi chất vấn người đứng đầu ngành công thương. Ảnh: Hải Quân.

Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã rất chủ động để xây dựng những dự án lớn về phòng vệ thương mại và chống gian lận xuất xứ. Bộ cũng có danh sách các cảnh báo sớm về các nguy cơ gian lận thương mại trong một số mặt hàng. Hiện nay có tới năm 25 mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ và các nước khác đang có nguy cơ bị lợi dụng trong đó có những mặt hàng rất cao như là điện tử, gỗ dán, dệt may, da giày…

Gian lận thương mại, hàng giả trong nước

Vấn đề mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc và chống gian lận thương mại trong nước cũng được các đại biểu quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt vấn đề về sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và quá phụ thuộc vào thị trường này.

Đồng thời, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là tiếp tục xây dựng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, xây dựng các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích và cùng có lợi. Ông cho biết quan hệ với Trung Quốc cũng dựa trên nền tảng này và đang tiếp tục mang lại hiệu quả chung cho cả hai bên. Tuy nhiên, Bộ Công Thương luôn có sự chủ động trong mọi tình huống.

Trong khi đó, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng cử tri có quyền đặt câu hỏi tới Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc mua bán, tàng trữ hàng hóa, gian lận về xuất xứ, làm giả về chất lượng và về thương hiệu, buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng.

“Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào? Đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?”, ông hỏi.

Bộ trưởng Công Thương cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri rằng sẽ làm hết trách nhiệm chứ không phải làm với thái độ thiếu kiên quyết hay vô cảm, thờ ơ.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm