5 tòa nhà N015 (A, B, C, D, E) được xây nối nhau trên quỹ đất khoảng 30 ha tại đường Lý Sơn mới (quận Long Biên), kết nối giao thông giữa đoạn từ nút giao cầu vượt đường 5 (cầu Chui) với đường Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, đến phía đông nam chân cầu Đông Trù. Với tổng hơn 80 căn hộ, mỗi tòa có 8-9 tầng, được lắp đặt thang máy đầy đủ. |
Khu nhà này nằm trong dự án giãn dân phố cổ giai đoạn II (2013-2020) theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm với UBND thành phố Hà Nội vào năm 2012. Đề án dự kiến kết thúc vào năm 2020, sau khi di dời được 5.020 hộ dân sống trong khu phố cổ. |
Đối tượng giãn dân giai đoạn II gồm các hộ dân sống trong nhà ở xuống cấp, đông người nhằm đảm bảo mật độ theo quy định được duyệt và tiêu chuẩn ở bình quân đến năm 2020 là 25 m2/người. Tuy nhiên, hiện khu chung cư mới vẫn trong tình trạng hoang vắng, thậm chí xuống cấp nhiều hạng mục những năm qua. |
Không có người dân chuyển từ phố cổ về ở, sảnh của một tòa được tận dụng cho công nhân các công trình xung quanh sống tạm bợ. Mới chuyển đến đây một ngày, chị Toán (quê Sơn La) cho biết: “Cũng không biết công trình xây dựng bao giờ kết thúc, vợ chồng tôi chỉ kê lán, quây rèm một góc sảnh để sống tạm”. |
Chị Toán là một công nhân xây dựng sống cùng chồng và hơn 10 người khác tại sảnh của một tòa giãn dân phố cổ. Tại đây, mỗi người được chia khu vực rộng khoảng 2-3 m2 để nghỉ ngơi, sinh hoạt và chỉ phân cách bằng những tấm bạt cũ. |
Tiếc đất rộng, đẹp nhưng bị bỏ hoang, ông Nguyễn Khánh (phường Thượng Thanh) cùng nhiều hộ dân sống tại khu vực này đã tận dụng đất vườn hoa để trồng rau. “Thấy tòa nhà bỏ hoang vừa bẩn, vừa rậm rạp cỏ mọc, chúng tôi đã xin ban quản lý được trồng rau ở đây. Nhiều chỗ được người dân chăm sóc rau, tiện thể quét dọn có thể sạch sẽ hơn”, ông chia sẻ. |
Vì không được sửa chữa, hệ thống mái che trước sảnh và đường dẫn xuống hầm tòa nhà bị vỡ, thủng nhiều chỗ. Bên cạnh đó, lối vào hầm cũng bị bịt kín bằng tôn. |
Lối ra vào các tòa nhà luôn trong tình trạng khóa trái cửa. Vì công trình không được đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Xung quanh các lối đi, rác thải vứt bừa bãi làm cảnh quan khu chung cư này thêm phần nhếch nhác. Vỉa hè khu vực tòa D còn bị cỏ mọc phủ gần hết bề mặt. |
Nằm trong khu vực chung cư giãn dân, một sân chơi bên cạnh tòa D đã rơi vào tình trạng bạc màu, bong tróc. |
Gần vị trí có nhiều hộ dân sinh sống hơn, sân chơi bên cạnh tòa A vẫn được người dân khu vực tận dụng làm nơi vui chơi, giải trí vào chiều tối. |
Từ năm 1998, UBND TP Hà Nội đã đặt ra chủ trương di dân phố cổ với mục tiêu giảm mật độ dân cư cũng như áp lực lên cơ sở hạ tầng tại khu vực này. Đến tháng 1/2013, đề án giãn dân phố cổ mới chính thức được phê duyệt. Theo đề án này, mật độ dân cư phố cổ sẽ được giảm từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020. Khu vực phố cổ nằm tại quận Hoàn Kiếm sẽ phải di chuyển trên 6.500 hộ dân, với khoảng 27.000 người. |
Tọa lạc ven tuyến đường lớn thuộc địa bàn phường Thượng Thanh (quận Long Biên), 5 khối nhà chung cư vẫn bị bỏ không và xuống cấp. Ảnh: Google Maps. |
Hà Nội một thuở phố và người ghi dấu những nét văn hóa riêng, đặc trưng của Hà Nội và người Hà Nội qua từng thời kỳ dưới góc nhìn của một con người Hà Nội, đã gắn bó với mảnh đất thủ đô. Tác phẩm như tiếp lửa cho những con người yêu Hà Nội thêm hiểu và gắn bó với mảnh đất này.