Cuộc xâm lược Canada
Sự chủ quan đã khiến quân đội Mỹ chịu tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược Canada năm 1812. Ảnh minh họa: History.com |
Năm 1812, người Mỹ đem quân xâm lược Canada lúc này đang là thuộc địa của Vương quốc Anh. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ lúc đó đã nghĩ đến một chiến thắng dễ dàng dành cho họ. Sự hậu thuẫn của người dân địa phương càng củng cố niềm tin về một chiến thắng.
Tuy nhiên, người Mỹ đã mắc phải sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi đề cao sự giúp đỡ của người dân địa phương mà đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Anh. Lực lượng Mỹ chuẩn bị tấn công vào Canada theo 3 hướng khác nhau nhưng lại không tấn công cùng lúc và không hỗ trợ được cho nhau.
Điều tệ hại hơn nữa là các chỉ huy hướng tấn công không một ai thực sự hết mình vì cuộc chiến hoặc chấp nhận rủi ro cần thiết để có một chiến thắng. Người Anh đã giáng cho Mỹ một thất bại nặng nề. William Hull tổng chỉ huy chiến dịch, một cựu binh của cuộc cách mạng Mỹ, đã buộc phải đầu hàng cho dù ông có quân số đông gấp nhiều lần đối thủ.
Trận Antietam
Trận đánh Antietam đã trở thành ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ. Ảnh minh họa trong tư liệu của Thư viện Quốc hội Mỹ. |
Tháng 09/1862 Robert E. Lee lãnh đạo liên minh miền Nam tiến hành cuộc tấn công vào khu vực Maryland thuộc liên bang Bắc Hoa Kỳ. Trận đánh diễn ra tại con rạch Antietam. Thông tin về cuộc tấn công của liên minh miền Nam đã rơi vào tay tướng George McClellan của miền Bắc.
Tướng McClellan đã điều quân đánh chặn với số lượng đông gấp nhiều lần. Ông đã có cơ hội để tiêu diệt quân miền Nam nhưng sự chần chừ và thiếu quyết đoán về mặt chiến lược đã khiến quân miền Bắc chịu tổn thất rất lớn.
Trận đánh đã trở thành một ngày đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ khi có đến 23.000 người mỗi bên bị chết hoặc tàn phế. Tướng McClellan dù có công trong việc đẩy lui cuộc tấn công của miền Nam nhưng đã bị cách chức do thiếu quyết đoán dẫn đến tỷ lệ thương vong quá cao và không tiêu diệt được tàn quân.
Chiến dịch Drumbeat
Xem nhẹ vai trò chiến tranh chống ngầm đã khiến đội tàu vận tải của Mỹ và đồng minh phải chịu tổn thất lớn trước các cuộc tấn công của tàu ngầm Đức. Ảnh: Warhistoryonline |
Năm 1941, Đức, Italy tuyên chiến với Mỹ, hải quân Đức nhìn thấy cơ hội tấn công đội tàu vận tải của Mỹ ở Đại Tây Dương. Mỹ đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi không chuẩn bị phòng thủ trước cuộc tấn công của các tàu ngầm loại U-boat.
Hải quân và không quân Mỹ đùn đẩy trách nhiệm hộ tống các tàu vận tải. Kết quả của sự thiếu trách nhiệm này là đội tàu vận tải của lực lượng Đồng minh đã bị thiệt hại vô cùng to lớn. Người Anh đã cử chuyên gia sang giúp Mỹ xây dựng lực lượng chống tàu ngầm song hải quân Mỹ không mấy mặn mà.
Chỉ đến khi phải chịu những tổn thất quá lớn người Mỹ mới nhận ra giá trị của chiến tranh chống ngầm để biến sai lầm thành chiến thắng trong cuộc chiến với hải quân Nhật Bản tại Thái Bình Dương.
Nỗ lực tiêu diệt Bình Nhưỡng
Sự ảo tưởng và hiếu thắng của tướng Douglas MacArthur khi đưa quân vượt qua vĩ tuyến 38 khiến lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc phải chịu tổn thất nặng. Ảnh: Thehistoryreader |
Sau khi bảo vệ thành công Pusan và chiếm được Incheon ở miền nam bán đảo Triều Tiên, liên quân Mỹ - Hàn nhận thấy có cơ hội tiêu diệt Bình Nhưỡng, giành quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo. Tướng Douglas MacArthur đưa quân vượt qua vĩ tuyến 38 tiến gần biên giới Trung Quốc và phớt lờ những cảnh báo từ phía Bắc Kinh.
Tướng MacArthur cho rằng, Trung Quốc đang vật lộn với các vấn đề trong nước sau cuộc cách mạng năm 1949, Liên Xô không cho thấy ý định can thiệp vào cuộc chiến. Đây là cơ hội để ông "trừng phạt Cộng sản" trong cuộc xâm lược bán đảo Triều Tiên.
Cuộc phản công của quân đội Trung Quốc cùng với quân đội Triều Tiên đã khiến lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc phải chịu những tổn thất nặng nề. Nếu Trung Quốc đánh mạnh hơn, quân đội Mỹ có thể phải tổn thất nhiều hơn. Cuộc chiến kết thúc bằng việc phân định khu phi quân sự DMZ cho đến ngày nay.
Giải tán quân đội Iraq
Nước Mỹ đã phải trả giá đắt cho cuộc phiêu lưu quân sự tại Iraq. Quân đội Iraq non trẻ do Mỹ thành lập sau năm 2003 luôn phải chịu thất bại trong các cuộc chiến nếu không có quân đội Mỹ chống lưng. Ảnh: Washingtonpost |
Ngày 23/05/2003, Paul Bremer, người đứng đầu nhà nước lâm thời ở Iraq đã ra một quyết định tai hại khi tuyên bố giải tán quân đội Iraq. Chỉ trong một khoảnh khắc, toàn bộ lịch sử quân sự Iraq bị xóa sổ hoàn toàn bao gồm cả truyền thống và tinh thần của các thành viên quân đội.
Lực lượng quân đội mới trở thành những kẻ non nớt trong các cuộc chiến chống lực lượng nỗi dậy. Đặc biệt gần đây sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã biến quân đội Iraq thành trò cười. Họ liên tục thất bại nếu không nhận được sự hỗ trợ của Mỹ. Quyết định giải tán quân đội Iraq đã khiến Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến vô cùng tốn kém ở nước này hơn 10 năm.