Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

5 sự cố khó tin của hàng không Việt Nam 2014

Mất điện khiến hàng loạt máy bay lơ lửng, phi công bấm nhầm nút báo không tặc, hai máy bay suýt va chạm... là những sự cố nghiêm trọng, hi hữu của hàng không Việt Nam năm 2014.

5. Trên trời: 2 máy bay suýt đụng nhau

Sự cố xảy ra vào ngày 29/10, hai máy bay (một dân sự, một quân sự) suýt đụng nhau trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Lúc này hai máy bay chỉ cách nhau 60 m. Vận tốc tối thiểu của 1 máy bay lúc cất cánh là 240 km/h tức khoảng 67m/s, với khoảng cách 60 m tức chỉ nhanh hơn 2 s thì có thảm họa có thể xảy ra.

Cụ thể, theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, khi chuyến bay HVN 1376, máy bay Airbus A321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) khởi hành từ TP.HCM đi Huế, sau khi cất cánh tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang độ cao 1.000 feet (304,8m) gây uy hiếp an toàn bay.

Vụ máy bay suýt đụng nhau diễn ra thế nào?

Ít giây sau khi cất cánh, chiếc Airbus A321 của Vietnam Airlines bị trực thăng quân sự bay cắt mặt. Tình huống nguy hiểm được nhận định có thể do chỉ huy quân sự thiếu quan sát.

Theo đánh giá, kiểm soát viên không lưu quân sự đã không thực hiện đúng quy trình an toàn, không phối hợp hiệp đồng đúng theo quy trình. Nếu muốn để máy bay cắt ngang đường cất hạ cánh, phía quân sự phải thông báo trước với phía kiểm soát viên dân sự rồi mới được thực hiện. Trong trường hợp này phía quân sự đã không báo trước cho kiểm soát viên không lưu dân sự nên đã để xảy ra sự cố trên.

4. Dưới đất: máy bay Vietnam Airlines và Jetstar suýt va chạm

Do sơ suất của một thực tập sinh ở bộ phận kiểm soát không lưu không quan sát kỹ, máy bay của Jetstar Pacific đi TP.HCM có nguy cơ suýt va chạm với một máy bay của Vietnam Airlines tại sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Nếu máy bay cất cánh sự cố sẽ là thảm họa của hàng không năm nay
Nếu máy bay cất cánh sự cố sẽ là thảm họa của hàng không năm nay

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sự việc xảy ra trong vòng 7 phút, trong khoảng thời gian từ 20h41 đến 20h48 ngày 27/6. Cụ thể, tại thời điểm xảy ra sự việc lúc này, sân bay quốc tế Đà Nẵng tiếp nhận chuyến bay HVN130 của Vietnam Airlines từ TP.HCM hạ cánh xuống và chuẩn bị cho chuyến bay PIC595 của Jetstar Pacific cất cánh đi TP.HCM. 

Đề nghị kỷ luật lãnh đạo vụ máy bay suýt đâm nhau

Cục Hàng không kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng phê bình nhiều lãnh đạo vụ phi công máy bay PIC 595 "xém chết" vì máy bay suýt đâm nhau trên đường băng.

Trong tình huống nguy hiểm này, kiểm soát viên không lưu đã không quan sát nên cấp huấn lệnh cho máy bay Jetstar Pacific cất cánh trên đường băng 17 trong khi máy bay của Vietnam Airlines vẫn chưa ra khỏi đường băng.

Trong cuộc điện đàm được ghi âm lại sau đó, một phi công đã nói lại với nữ nhân viên không lưu: “Lần sau cẩn thận chút nghe chị, bọn em xém chết rồi đấy”. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đánh giá: “Nếu máy bay cất cánh thật sẽ là thảm họa”.

3. Hàng khách đi Đà Lạt được chở đến Nha Trang

Sự cố xảy ra vào chiều 19/6, chuyến bay VJ8861 của Vietjet Air từ Hà Nội đi sân bay Liên Khương - Đà Lạt nhưng lại đáp xuống sân bay Cam Ranh - Nha Trang.

Giải thích về sự cố “hạ cánh nhầm” hy hữu này, ban đầu hãng này lý giải do thời tiết. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành hãng hàng không VietJet lạ lên tiếng xin lỗi hành khách và khẳng định sự cố do lỗi trong sự phối hợp của nhân viên điều phái bay và tổ bay. Cụ thể, nhân viên điều phối bay, tổ bay và tổ tiếp viên của Vietjet Air không thực hiện đúng quy trình khai thác.

Vì sao có chuyện hi hữu: Máy bay đáp nhầm sân bay?

“Đây là vụ việc hi hữu đầu tiên xảy ra ở Việt Nam” - ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không nói về vụ việc máy bay của VietJet Air hạ cánh nhầm sân bay.

Khẳng định đây là sự cố hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Bộ trưởng Thăng đã xin lỗi người dân và yêu cầu khiển trách Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Thanh tra Hàng không sau đó cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với Vietjet Air 40 triệu đồng và 9 cá nhân liên quan với mức phạt từ 7,5 đến 20 triệu đồng.

2. Phi công bấm nhầm nút báo động

Tối 16/12, chuyến bay của hãng mang số hiệu VN1266, xuất phát từ TP HCM đến Vinh khởi hành lúc 17h12 phút, khi đến gần sân bay Vinh đã gặp trục trặc kỹ thuật: áp suất trong khoang giảm đột ngột, máy bay phải hạ độ cao khẩn cấp từ 35.000 feet (khoảng 11.000 m) xuống 13.000 feet (khoảng 4.000 m). Tổ bay đã xin hạ cánh khẩn cấp tại Nội Bài để có điều kiện trợ giúp tốt nhất.

Hàng khách trên chuyến bay đã phải sử dụng dụng cụ thở oxy trợ giúp - ảnh Nguyễn Cảnh Hải
Hàng khách trên chuyến bay đã phải sử dụng dụng cụ thở oxy trợ giúp - ảnh Nguyễn Cảnh Hải

Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, nhầm lẫn xảy ra khi phi công gửi nhầm tín hiệu báo khủng bố (7500) thay vì tín hiệu khẩn nguy (7700) và vô tình đặt máy bay vào tình trạng khẩn cấp. Vì sơ suất này, nhân viên mặt đất đã lên kế hoạch triển khai đối phó với một vụ khủng bố.

Vì sao có báo động khẩn khi máy bay hạ cánh ở Nội Bài?

Cơ trưởng chuyến bay TP HCM - Vinh chiều tối 16/12 đã nhập mã thông báo máy bay gặp sự cố khiến sân bay Nội Bài phải triển khai ứng phó theo các phương án có sẵn.

Cuối ngày 16/12, Vietnam Airlines thông báo khẳng định việc máy bay hạ cánh khẩn cấp hoàn toàn không phải vì không tặc. Các quan chức Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đã đến sân bay và yêu cầu điều tra sự việc.

1. Hàng loạt máy bay lơ lửng không đáp được vì mất điện

Trưa ngày 20/11, tại nhà ga sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã xảy ra sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (ACC HCM).

Hàng chục máy bay đã phải lơ lửng trên bầu trời gần 1h đồng hồ chờ hạ cánh
Hàng chục máy bay đã phải lơ lửng trên bầu trời gần 1h đồng hồ chờ hạ cánh.

Sự cố đã làm đơn vị này mất điều hành bay trong thời gian khoảng 1h15’. Tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC HCM và trong thời gian xảy ra sự cố có tổng số  92 máy bay bị ảnh hưởng. Nhiều máy bay trong Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh và các FIR Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.

Công bố nhiều tình tiết mới vụ sự cố mất điện hàng không

"Đằng sau sự cố có nhiều dấu hiệu đang được làm rõ. Khi sự cố xảy ra, cách kết nối với các sân bay, các quốc gia hiệp đồng điều hành máy bay được coi chưa từng có tiền lệ..."

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không Việt Nam đánh giá đây là sự cố kỹ thuật nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử ngành hàng không Việt Nam. Nguyên nhân trực tiếp của sự cố là do mất điện cung cấp do hỏng bộ lưu điện (UPS).

Sự cố hàng không tại Việt Nam tăng hơn gấp đôi năm 2013

Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2014 có 71 sự cố hàng không đã xảy ra, trong đó 3 sự cố nghiêm trọng, 8 sự cố uy hiếp an toàn cao và 60 sự cố uy hiếp an toàn. Nếu tính cả các vụ không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, tổng các sự cố hàng không trong cả năm 2014 lên đến 311 vụ, tăng 129 vụ so với cả năm 2013.

Báo cáo của Cục Hàng không cũng cho thấy, 37 sự cố do chim va vào máy bay trong năm 2014, tăng 23 vụ so với cả năm 2013; sự cố do con người, hành khách tăng gần 4 lần so với năm 2013 (tổng số vụ của năm 2014 là 27 vụ, trong khi năm 2013 chỉ có 3 vụ); sự cố do hỏng hóc kỹ thuật cũng tăng 60 vụ so với năm 2013 (cả năm 2013 chỉ có 83 vụ, năm 2014 là 143 vụ).


Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm