Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường mắc phải trong quá trình tuyển dụng, khiến việc tìm ứng viên phù hợp trở nên khó khăn.
Tuyển dụng gấp gáp
Bộ phận tuyển dụng tại các daonh nghiệp nhỏ và vừa không lạ với những yêu cầu tuyển dụng trong thời gian eo hẹp. Việc nhanh chóng tìm được nhân sự cho vị trí đang trống là cần thiết. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên vì vậy mà đốt cháy giai đoạn tuyển dụng. Công việc tuyển dụng gồm nhiều khâu như lọc đơn, phỏng vấn, đánh giá… Mỗi khâu đều cần một khoảng thời gian nhất định, nếu quá gấp gáp và tuyển người không phù hợp, doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian hơn.
Tuyển dụng gấp gáp là một trong những lỗi phổ biến tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. |
Bộ phận tuyển dụng cần trao đổi với ban lãnh đạo để đặt ra những mốc thời gian cho việc tuyển dụng, đồng thời thuyết phục ban lãnh đạo cho thêm thời gian để lựa chọn được ứng viên tốt.
Tìm kiếm ứng viên hoàn hảo
Trái với lỗi tuyển dụng gấp gáp ở trên, nhiều doanh nghiệp lại dành quá nhiều thời gian để cố gắng tìm một ứng viên hoàn hảo. Dù đánh giá kỹ đến đâu, doanh nghiệp cũng chỉ có thể biết được ứng viên có phù hợp hay không sau khi thử việc một vài tháng. Việc quá cầu toàn có thể khiến cho doanh nghiệp đánh mất những ứng viên tiềm năng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng lao động của mình và cân nhắc các yêu cầu khi tuyển dụng, tập trung vào những yêu cầu trọng yếu. Doanh nghiệp cũng nên đặt ra giới hạn thời gian cho việc tuyển dụng tùy theo mức độ quan trọng của vị trí cần tuyển.
Tuyển người có năng lực kém để tiết kiệm chi phí
Nhiều doanh nghiệp thường lựa chọn những ứng viên ít kinh nghiệm, hài lòng với mức lương thấp để tiết kiệm chi phí nhân sự. Tuy nhiên, những nhân viên như vậy khó đem lại nhiều giá trị, đồng thời trở thành chướng ngại ngăn cản sự phát triển của công ty. Với những vị trí quan trọng, doanh nghiệp không nên vì yếu tố chi phí mà lựa chọn ứng viên không đạt yêu cầu.
Không “bán” công ty cho ứng viên
Đây là thời điểm nhà tuyển dụng cần ứng viên chứ không phải ứng viên cần nhà tuyển dụng. Những ứng viên giỏi luôn có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn và doanh nghiệp cần cung cấp cho họ thông tin chi tiết về những lợi ích họ sẽ nhận được, cũng như lợi thế của công ty. Nếu ứng viên có thiện cảm với doanh nghiệp, việc thương lượng về quyền lợi trở nên dễ dàng hơn.
Doanh nghiệp cần cung cấp cho ứng viên thông tin chi tiết về những lợi ích họ sẽ nhận được cũng như lợi thế của công ty. |
Kém linh hoạt trong tuyển dụng
Trong kỷ nguyên số, người lao động có nhiều sự lựa chọn. Nếu vẫn giữ những nề nếp quan liêu trong tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ mất đi nhiều ứng viên tiềm năng. Ví dụ, người lao động hiện nay quen với việc ứng tuyển trực tuyến, nếu doanh nghiệp bắt buộc nộp hồ sơ trực tiếp, nhiều ứng viên sẽ không ứng tuyển. Doanh nghiệp nên xem ứng viên như khách hàng và cố gắng tạo điều kiện để việc ứng tuyển trở nên dễ dàng nhất có thể.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc yêu cầu về bằng cấp vì đây không phải là yếu tố quan trọng nói lên năng lực của ứng viên. Kỹ năng, kinh nghiệm và thái độ làm việc mới là những tiêu chí quan trọng quyết định ứng viên có phù hợp với công việc hay không.
“Quản trị nhân sự chuyên nghiệp” là một trong 15 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hướng dẫn bởi giảng viên Lê Hà Mai Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn TTC Group. Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Độc giả tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây.