Thấu hiểu những khó khăn trong việc tiếp cận sách ở vùng sâu vùng xa, nhóm bạn trẻ The Viet Projects đã ấp ủ và triển khai các dự án nhằm đưa sách tới gần hơn các em nhỏ. “Trạm đọc cho em” là một dự án như thế.
Dự án Trạm đọc cho em ra đời nhằm thu thập sách góp vào thư viện sách dành cho trẻ em vùng cao |
Cuối tháng 8/2024, thầy giáo Đỗ Tuấn Sơn và các đồng nghiệp cùng hơn 300 học sinh trường tiểu học-trung học cơ sở Mường Men (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã tiếp nhận những cuốn sách và phần quà vô cùng thiết thực từ phía dự án “Trạm đọc cho em”.
Đây là trường học đặc biệt khó khăn thuộc vùng 3 - một trong những vùng sâu vùng xa, khó khăn nhất của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Thầy giáo Đỗ Tuấn Sơn chia sẻ cảm nhận về dự án từ nhóm The Viet Projects: “Nhân đợt về nhận công tác, tôi cũng được tiếp xúc và đón đoàn công tác của dự án Trạm đọc cho em về nhà trường. Tôi thấy đây là chương trình rất ý nghĩa, đã tặng được cho các học trò và thư viện của nhà trường rất nhiều đầu sách tốt.
Trẻ em ở đây rất khó khăn, văn hóa đọc cũng thiếu thốn, sách thì ít được tiếp cận như trẻ em ở thành phố. Nhận được những cuốn sách thế này, các em rất hào hứng, vui mừng. Hy vọng những cuốn sách đi vào hoạt động sẽ giúp ích nhiều cho học trò”.
45 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 - lớp 9; 900 quyển sách thuộc nhiều thể loại; 600 quyển vở; 20 bộ tai nghe phòng học máy tính; 6 kệ sách thư viện; 1 TV 55 inch; 324 phần bánh, sữa cho toàn bộ học sinh 2 cấp và 7 triệu tiền mặt đóng góp vào quỹ xây dựng bồn rửa tay tại trường học… Đó là kết quả của chuyến đi về Mường Men, Sơn La được chị Vũ Quỳnh Anh, nhà sáng lập dự án “Trạm đọc cho em” chia sẻ.
Vũ Quỳnh Anh, sáng lập dự án Trạm đọc cho em, gửi tặng sách và thiết bị học tập cho trường tiểu học và trung học cơ sở Mường Men, huyện Vân Hồ, Sơn La |
Trạm đọc cho em là dự án đầu tiên của The Viet Projects, một nhóm các bạn trẻ thực hiện các dự án miễn phí hướng tới cộng đồng:
“Dự án Trạm đọc cho em ra đời với mong muốn mang đến cơ hội tiếp cận sách vở cho các trẻ em ở vùng cao, đặc biệt là những vùng du lịch chưa phát triển, chưa được khai thác và ít chú ý tới. Mục tiêu chính là tạo ra các trạm đọc cung cấp sách vở miễn phí, nơi trẻ em vùng sâu vùng xa có thể tìm thấy niềm vui thông qua đọc sách, mở rộng kiến thức. Dự án cũng có mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của đọc sách và giáo dục”.
Theo chị Vũ Quỳnh Anh, các tình nguyện viên của dự án “Trạm đọc cho em” chủ yếu là học sinh, sinh viên – Những người thấu hiểu rõ nhất tầm quan trọng của văn hóa đọc. Bên cạnh đó, với sự năng động và sáng tạo, họ đã triển khai cách thức thu thập sách cho trạm đọc rất thú vị:
“Bên cạnh việc kêu gọi tài trợ từ nhà sách, các nhà hảo tâm, dự án có thực hiện một chiến dịch ‘5 lời nhắn đổi 1 cuốn sách gửi tới các em’, với mục tiêu nâng cao hiểu biết của mọi người về tình trạng thiếu sách ở các vùng cao, cũng như kết nối nhiều bạn học sinh đến dự án. Mỗi 5 lời nhắn của các bạn học sinh sẽ được gửi đến nhà xuất bản, họ đồng ý sẽ đóng góp 1 cuốn sách cho dự án. Dự án cũng nhận được thành công nhất định trong việc thu thập sách, tăng độ nhận biết về dự án”.
Cứ 5 lời nhắn gửi yêu thương được chia sẻ sẽ đổi 1 quyển sách góp vào trạm đọc. Đó là cách các thành viên The Viet Projects lan tỏa thông điệp dự án cũng như thu thập được tặng phẩm cho trẻ em. |
Là đồng sáng lập và cũng trực tiếp cùng các tình nguyện viên lên vùng sâu Mường Men, Lê Quỳnh Anh ấn tượng với kỷ niệm khi tổ chức chơi trò chơi “bảng tương tác” cùng các em nhỏ vùng cao. Ở đó, các em học sinh viết lên những ước mơ trong tương lai của mình. Có em muốn được đi du học, có em muốn làm giáo viên, trở thành bác sĩ…
Những dòng chữ nhỏ nhắn, trong trẻo ấy khiến Lê Quỳnh Anh như được tiếp thêm động lực để cố gắng hơn trong hành trình vì cộng đồng: “Em nhớ về những hồi nhỏ, em cảm nhận được sâu sắc, khi các em nhỏ cũng chung ước mơ, nhưng ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện thiếu thốn như thế thì chắc chắn, hành trình chạm đến ước mơ sẽ khó khăn hơn. Sau hôm đấy, cảm nhận, giao lưu, thấy ước mơ của các em, em tự nhủ bản thân sau này càng phải góp sức vào các hoạt động như thế, cũng như tận dụng cơ hội học hành mình đang có, giúp được nhiều người hơn, tạo được nhiều cơ hội cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn”.
Những cuốn sách giáo khoa, những cuốn sách văn học, khoa học, tự nhiên được dự án “Trạm đọc cho em” chuyển về vùng sâu vùng xa cũng mang theo hàng trăm lời nhắn gửi từ cộng đồng chuyển đến những trẻ em vùng cao. Khi yêu thương được lan tỏa, bản thân những người tình nguyện viên cũng cảm nhận được chân thực giá trị của những việc làm tử tế, hữu ích cho xã hội: “Có bạn chia sẻ rằng, đã yêu trẻ con hơn rất nhiều. Có bạn nói rằng, sau dự án thì kinh nghiệm thực hiện các chương trình đã tăng. Hầu hết đều đọng lại cảm xúc biết ơn, khi có được trải nghiệm đáng quý. Hành trình ấy kích hoạt những suy nghĩ, giác quan để lại ký ức rất sâu trong tiềm thức mỗi người”.
Trẻ em Mường Men nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu thốn về điều kiện tiếp cận với sách. Đọc sách là cách đơn giản để mở ra thế giới tri thức và tương lai cho các em. |
“Mỗi cuốn sách mở ra một thế giới mới” - Đó cũng là thông điệp Vũ Quỳnh Anh, Lê Quỳnh Anh và các cộng sự ở The Viet Projects muốn gửi gắm thông qua những trạm đọc sách miễn phí, với hy vọng, đó sẽ là điểm tựa cho những ước mơ, tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
---
Các bạn thân mến.
Nếu trong những phút giây của cuộc sống thường ngày hay trên những con đường mà các bạn đi qua, có những câu chuyện khiến các bạn nhớ mãi về tình người, tình yêu cuộc sống, rất mong các bạn hãy chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: thienlyhuutinhfm91@gmail.com.
Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông. Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); Google Podcast (trên hệ điều hành Android); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình.