Ba diễn giả của chương trình là ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh - Đại học Ngoại thương Hà Nội và bà Bùi Trà My - Thạc sĩ phân tích sáng tạo phê bình. Ba diễn giả đã cùng nhau bàn về xu hướng hình thành các cộng đồng đọc sách, vai trò, ý nghĩa và cách tạo dựng những cộng đồng đọc hữu ích ở Việt Nam.
Ba diễn giả của tọa đàm, từ trái qua: Bà Bùi Trà My, ông Cảnh Bình, bà Hoàng Ánh. |
Ông Nguyễn Cảnh Bình tham gia tọa đàm với tư cách một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xuất bản. Theo ông, thói quen đọc có cộng đồng đang trỗi dậy ở nước ngoài và bắt đầu lan sang Việt Nam.
“Việc thành lập các cộng đồng sách là tất yếu” – ông Bình nói. “Bất cứ một sở thích chung nào đều thúc đẩy con người tạo thành cộng đồng. Đọc sách, từ một nhu cầu cá nhân, sẽ dần dần tiến đến nhu cầu thành lập cộng đồng để chia sẻ, trao đổi với những người cùng sở thích. Không ai có thể đọc tất cả, biết tất cả. Sự giao lưu, bàn luận sẽ mang lại nhiều lợi ích cho từng thành viên. Do đó, một cộng đồng sách sẽ hữu ích hơn rất nhiều, giúp tăng tính chia sẻ, hợp tác trong xã hội văn minh” – ông Nguyễn Cảnh Bình thể hiện niềm tin ở những cộng đồng đọc.
Thạc sĩ Bùi Trà My – người thực hiện dự án “Đọc báo tỉnh táo” – tỏ ra lạc quan với các cộng đồng đọc nói riêng, văn hóa đọc nói chung ở Việt Nam ngày nay: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất hơn xưa rất nhiều: nhiều nhà xuất bản hơn, nhiều sách hơn, tiếp cận sách dễ dàng, nhiều dịch giả hơn, nhiều thư viện hơn, nhiều cộng đồng đọc trên mạng lẫn ngoài đời. Chúng ta có Reading Cirlcle hay Let’s Read và Read Station, có internet để tiếp cận những cộng đồng nước ngoài như Goodreads… Không có lý do gì để văn hóa đọc đi xuống khi ngày càng có nhiều người có thói quen đọc hơn”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Tiến sĩ Nguyễn Hoáng Ánh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Đại học Ngoại thương – đưa ra ba cấp độ phát triển văn hóa đọc. Đầu tiên phải tác động được đến các đối tượng công chúng, đặc biệt là giới trẻ: “làm việc với công chúng là phải hiểu họ và làm họ thích, chứ lựa chọn của họ không sai”. Thứ hai là trả lời câu hỏi “Đọc gì?” – có những cuốn sách phù hợp để đọc khi cần thư giãn và có những cuốn phù hợp để đọc khi cần tư duy. Cấp độ thứ ba là sử dụng những điều ta đọc như thế nào. Trải qua cả ba cấp độ đó sẽ khiến người ta nghĩ rằng việc đọc thực sự quan trọng và sẽ xây dựng được văn hóa đọc.
- Dự án Cùng đọc sách (Let’s Read): được khởi xướng bởi nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Tạ Bích Loan, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Quang Thạch và doanh nhân - nhà nghiên cứu Nguyễn Cảnh Bình. Dự án thành lập với mục đích truyền cảm hứng và khuyến khích rộng rãi thói quen đọc sách với nhiều đối tượng độc giả khác nhau ở khắp các địa phương, không chỉ là thành thị. Tương lai, Let’s Read sẽ mở rộng hoạt động đến các địa phương nhỏ và vùng nông thôn.
- Read Station tiếp cận nhóm đối tượng độc giả say mê tri thức. Trang web readstation.vn ra đời chuyên giới thiệu sách hay, đánh giá, phân tích, bàn luận về sách, cũng là nơi thực hiện các bảng xếp hạng sách hay theo từng loại, chủ đề, dựa trên đánh giá chung của cộng đồng.