Trong những năm gần đây, cụm từ “văn hóa đọc” được nhắc đến với mật độ dày đặc trên các phương tiện thông tin truyền thông. Là một người làm sách, chúng tôi hiểu rằng chúng ta mới đang đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình xây dựng văn hóa đọc ở Việt Nam. Từ quá trình tìm hiểu các hoạt động đọc sách ở các quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật, Singapore và Phần Lan… tôi cho rằng, chúng ta không thể xây dựng văn hóa đọc nếu không bắt đầu từ trẻ em. Tiếp nối sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong năm 2015, nhân dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo có tân Bộ trưởng, tôi đề xuất 6 nội dung sau:
Thứ nhất, phát động Dự án “Khởi động đọc sách” (Bookstart). Dự án này được triển khai đầu tiên tại Birmingham Vương quốc Anh năm 1992, sau đó được mở rộng tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.
Ông Trịnh Minh Tuấn đưa ra 6 đề xuất để xâu dựng văn hóa đọc cho trẻ em. |
Thứ hai, tổ chức hoạt động “Đọc sách buổi sáng tại trường học”. Hoạt động này do một giáo viên ở trường trung học tại quận Chiba (Nhật Bản) khởi xướng năm 1998. Ngày nay, hàng vạn trường học, bao gồm cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Nhật thực hiện các hoạt động này với sự tham gia của 7,4 triệu học sinh. Hàng ngày học sinh chỉ đọc sách do chúng tự chọn trong vòng 10 phút trước giờ học. Hoạt động này giúp học sinh thoải mái và tập trung vào việc học hành trong cả ngày.
Thứ ba, tổ chức “Tuần đoc sách cho trẻ em”. Đây là hoạt động bắt buộc, được tổ chức vào Ngày thiếu nhi. Ở Nhật, Tuần đọc sách cho trẻ em được thực hiện lần đầu vào năm 1959.
Cần tổ chức những hoạt động, dự án để trẻ em sớm có thói quen đọc sách. Ảnh: Mạnh Thắng |
Thứ tư, tổ chức “Năm đọc sách cho trẻ em”. Năm 1999, Quốc hội Nhật quy định năm 2000 là Năm đọc sách cho trẻ em nhằm khuyến khích hoạt động đọc sách cho trẻ, công nhận giá trị không thể thay thế của thói quen này.
Thứ năm, cần luật hóa quyền được đọc sách của trẻ em. Tháng 12/2001, Quốc hội Nhật thông qua Đạo luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em. Tiếp đó, tháng 7/2005, Quốc hội Nhật thông qua Luật chấn hưng văn hóa đọc. Đạo luật này nhấn mạnh “văn hóa đọc là sự cần thiết cho sự phát triển của một xã hội dân chủ trong đó kiến thức và tri thức có tầm quan trọng tối cao”.
Thứ sáu, công nhận và hỗ trợ các dự án dân sự về khuyến đọc. Kinh nghiệm thành công từ các mô hình khuyến đọc của các tổ chức dân sự như: Reading House triển khai ở các nước châu Á và châu Phi, BookTrust ở Vương quốc Anh, Read Aloud ở Mỹ… là bài học vô cùng hữu ích cho Việt Nam.