Sáng 21/4, trong không khí sôi nổi của Ngày Sách Việt Nam, lễ trao giải thưởng Sách Việt Nam năm 2015 đã diễn ra tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội. Ngay từ sớm, lãnh đạo Ban Tuyên Giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản cùng các tác giả, giới làm sách đã tề tựu đông đủ trong ngày tôn vinh những cuốn sách. Qua 11 lần trao giải, tới 2015, Giải thưởng Sách Việt Nam ngày càng mở rộng với số lượng sách được giải tăng lên, chuyên nghiệp hóa trong khâu tổ chức, tìm ra nhiều cuốn sách hay, sách đẹp giới thiệu tới bạn đọc.
Các giải Vàng của Giải thưởng sách Việt Nam được trao vào sáng 21/4. Ảnh: Việt Hùng |
Năm 2015, có bốn đầu sách được giải Vàng hạng mục Sách hay. Các tác phẩm được giải đều có giá trị cao về lý luận, nghệ thuật, khoa học và thực tiễn. Những cuốn sách tiêu biểu được giải Vàng năm nay đa phần là những bộ sách lớn nhiều tập được biên soạn công phu.
Bộ Lịch sử Việt Nam của nhà xuất bản Khoa học Xã hội gồm 15 tập là bộ Thông sử Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay. Sách có giá trị lớn về học thuật, thực tiễn và xã hội, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập hiện nay. Bộ Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên đến năm 1975 và phần tổng luận của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật gồm năm tập. Bộ sách là công trình khoa học lần đầu tiên nghiên cứu toàn diện về lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam qua suốt chặng đường dài của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Bộ sách Phạm Phú Thứ toàn tập của nhà xuất bản Đà Nẵng được biên soạn đồ sộ, công phu, giới thiệu di sản văn chương của vị đại thần triều Nguyễn, người khơi dòng duy tân, có nhiều kiến nghị làm dân giàu nước mạnh, tiến theo hướng văn minh. Bộ sách Cổ tích mới của Nhà xuất bản Trẻ gồm sáu cuốn dành cho thiếu nhi. Bộ sách của tác giả Nguyên Hương được viết dưới hình thức truyện cổ tích nhưng nội dung gần gũi với đời sống hiện đại, mang tính giáo dục cao.
Ở hạng mục Sách đẹp, sách dự giải có chất lượng đồng đều, với công nghệ ấn loát tốt, sắp chữ ngay ngắn, cân đối, kiểu chữ phù hợp nội dung. Bìa sách trình bày trang nhã, hình minh họa sáng sủa, đúng với nội dung sách. Hội đồng chấm giải Sách đẹp nhận định điểm nổi bật năm nay là “sự hình thành những bộ sách của các nhà xuất bản”. Tiêu biểu như: Nhà xuất bản Hội Nhà văn với bộ sách được giải thưởng Nhà nước năm 2014 với 75 cuốn, bộ sách 18 cuốn do Nhà nước đặt hàng. Hai bộ sách đều có bìa trình bày trang nhã, giản dị, màu sắc nhẹ nhàng. Nhà xuất bản Trẻ với Lịch triều hiến chương loại chí năm tập dày dặn, bề thế của Phan Huy Chú. Bộ phép tắc lễ nghĩa này được in bằng giấy ruột dày mà nhẹ, trình bày sáng sủa, mạch lạc. Nhà xuất bản Kim Đồng với nhiều bộ sách cho thiếu nhi sinh động, bắt mắt như bộ Tuổi thần tiên (năm cuốn), bộ của tác giả Roald Dahl (15 cuốn), bộ Cô bé thần tiên (10 tập).
Bên cạnh chín giải Vàng cho sách hay, sách đẹp, Giải thưởng Sách Việt Nam 2015 trao thêm các giải Bạc, Đồng, Khuyến khích cho 74 đầu sách hay về nội dung, đẹp về hình thức. Ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – cho biết, năm nay nhiều đầu sách gửi tới dự giải hơn mọi năm. Nhiều nhà xuất bản địa phương được nhận giải cao như nhà xuất bản Đà Nẵng, nhà xuất bản Trẻ (đơn vị của Thành Đoàn TP HCM)… Trong những năm gần đây, mảng sách về chủ quyền, biển đảo có nhiều tác phẩm đã tạo thu hút với hội đồng chấm giải.
Lễ trao giải Sách Việt Nam 2015 cũng là dịp gặp gỡ và trao đổi của những người làm xuất bản trên cả nước. Ảnh: Việt Hùng |
Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia - đánh giá về Giải thưởng Sách Việt Nam: "Điểm ý nghĩa nhất là Giải thưởng đã tìm ra những cuốn sách hay, sách đẹp. Đây là cơ sở để công chúng, bạn đọc có thể thưởng thức những đầu sách có giá trị hiện nay. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, đặc biệt giới trẻ thường có xu hướng đọc trực tuyến, đọc qua mạng internet nhiều hơn sách vở. Vì thế tôn vinh những cuốn sách giá trị, ý nghĩa cũng là cách lan tỏa tri thức trong cuộc sống".
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị có sách đoạt giải Vàng ở cả hạng mục Sách hay lẫn Sách đẹp – nói: "Tôi cảm thấy rất vui, xúc động, cảm ơn Hội đã trao giải. Đây là sự thừa nhận của các chuyên gia, các đồng nghiệp về quá trình lao động, làm nghề của mình. Chúng tôi rất trân trọng và cảm ơn, lấy đó là sự động viên với mình. Có được giải thưởng của Hội, chuyên gia là may mắn, bên cạnh đó chúng tôi còn mong muốn một giải thưởng từ những độc giả bằng việc đón nhận của họ với các đầu sách".
Từ miền Nam ra nhận giải, ông Đinh Kim Phúc – chủ biên cuốn Hoàng Sa Trường Sa trong thư tịch cổ - chia sẻ niềm vui: “Cá nhân tôi có nhiều sách đứng tên riêng chung. Tôi hơi bất ngờ khi được thông báo đi nhận giải thưởng Sách Việt Nam. Đó là sự ghi nhận cho quá trình làm việc, nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn giải thưởng không chỉ dừng lại ở lễ trao giải, mà còn đi tiếp, quảng bá tới toàn dân được biết, đọc những cuốn sách hay, sách quý, kiến thức về chủ quyền, biển đảo”.