Ngày 10/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức giới thiệu Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, Luật Doanh nghiệp cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường.
Cụ thể, luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”; thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay.
Bên cạnh đó, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sửa hữu Nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuấ, đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường. Ảnh: Việt Linh. |
Với Luật Đầu tư, bổ sung 10 nhóm quy định trong Luật Đầu tư 2014 để bảo đảm tính thống nhất với các Luật liên quan đến đất đai, thuế, đồng thời sửa đổi 6 Luật khác để đồng bộ với quy định của Luật Đầu tư 2020, bao gồm: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Điện ảnh.
Bổ sung, sửa đổi các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (các Điều 6, 7, 8 và 9); về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện dự án đầu tư; Về quản lý Nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (các Điều từ 15 đến 20), luật này đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Trong khi đó, về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, cụ thể bao gồm giao thông; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả dự án PPP với tỷ lệ cố định 50-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm.
Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Về Kiểm toán Nhà nước đối với dự án PPP, luật quy định cụ thể phạm vi, nội dung Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với dự án PPP, bao gồm việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
Về Dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.