Ngày 26/6, có phản ánh của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khuyến nghị để điện gió phát triển xứng tầm, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, rất cần thiết phải xem xét có chính sách ưu tiên phát triển điện gió dài hạn.
Đồng thời, có thêm ưu đãi để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung, điện gió nói riêng.
Về thông tin trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình tham mưu, quản lý phát triển điện gió và các dạng năng lượng tái tạo khác.
Hiện tại, nhiều địa phương đang đề xuất nhiều dự án điện gió vào quy hoạch.
UBND tỉnh Cà Mau đề xuất 2 dự án nhà máy điện gió Khánh Tiến (tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh) và nhà máy điện Cà Mau 3 (tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Hà Tĩnh đề xuất Chính phủ bổ sung quy hoạch 4 nhà máy điện gió hơn 16.200 tỷ đồng, công suất 403,2 MW vào quy hoạch điện VII. Bạc Liêu cũng đề xuất bổ sung 470 MW điện gió.
Theo Bộ Công Thương, tính đến ngày 15/3, Bộ nhận được đề xuất của các địa phương đề nghị bổ sung quy hoạch gần 250 dự án điện gió.
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cơ cấu điện phải đảm bảo an toàn hệ thống vận hành và hiệu quả, nên không thể tăng quy hoạch đột ngột lớn được. “Các địa phương phải hết sức thông cảm”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục rà soát tiếp tục bổ sung thêm một số ít dự án nữa. Trong khi đó, các dự án điện gió, điện mặt trời công suất lớn nhưng số giờ sử dụng thấp.
Ông nhấn mạnh các dự án điện khí hóa lỏng không thể làm thừa. Nhu cầu điện khí đang thấp hơn nhiều khả năng đầu tư của các địa phương đề nghị đầu tư (gần 100.000 MW). Do đó, ông nhấn mạnh Bộ Công Thương phải sớm có quy hoạch điện khí hóa lỏng, quy hoạch mạng lưới phân phối khí.