Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), cùng hai tổ chức Hòa bình xanh Đông Nam Á và IQAir AirVisual vừa khởi động một công cụ trực tuyến để "đo không khí sạch".
Công cụ này đo lượng khí thải ô nhiễm tại 28 thành phố lớn trên toàn thế giới, sau đó áp dụng các mô hình của chương trình nghiên cứu "Global Burden of Disease" (Tạm dịch: Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu) để ước tính tác động ô nhiễm lên sức khỏe người dân, theo South China Morning Post.
Theo ước tính trên công cụ đo, Thượng Hải kể từ ngày 1/1/2020 đến tháng 7 có thể đã có 27.000 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí. Con số ước tính tại Bắc Kinh là 22.000 trường hợp.
Giới chuyên gia lo ngại tình hình ô nhiễm ở các đô thị Trung Quốc tăng trở lại vì các hoạt động công nghiệp và giao thông được khôi phục sau khi đã kiểm soát được dịch Covid-19. Ảnh: AFP. |
Thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm không khí ở hai thành phố rơi vào khoảng 23 tỷ USD. Ước tính về tác động kinh tế dựa trên các yếu tố như lượng lao động mất đi và bệnh tật.
Theo Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích của CREA, những con số nêu trên còn thể hiện "thực tế rằng ô nhiễm ở Thượng Hải hiện gần tệ như ở Bắc Kinh, còn riêng Bắc Kinh đã cải thiện rất nhanh".
Theo số liệu do Trung Quốc công bố chính thức, chỉ số ô nhiễm bụi mịn độc hại PM2.5 trong nửa đầu năm 2020 ở Bắc Kinh cao hơn Thượng Hải. Tuy nhiên, thành phố Thượng Hải lại có mức ô nhiễm SO2 và NO2 cao hơn thủ đô Trung Quốc.
Khói bụi ô nhiễm tại Trung Quốc nửa đầu năm 2020 đã giảm đáng kể so với năm 2019, phần lớn vì đại dịch Covid-19 buộc chính phủ áp dụng các biện pháp phong tỏa. Trong nhiều tháng chống dịch, giao thông và hoạt động công nghiệp tại nước này giảm mạnh khiến lượng khí thải được cắt giảm đáng kể.
Ô nhiễm không khí có liên quan đến nhiều bệnh lý như rối loạn nghẽn hô hấp mạn tính, tim mạch, đột quỵ và ung thư phổi. New Delhi được đánh giá là đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ ô nhiễm không khí, với khoảng 25.000 trường hợp tử vong và thiệt hại tương đương 5,8% GDP.