Nồng độ khí Nitrogen dioxide (NO2), khí sinh ra từ hoạt động của động cơ đốt và việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, đã giảm xuống ở Vũ Hán trong giai đoạn 20 ngày bắt đầu từ ngày 21/1, theo số liệu từ Cục Môi trường châu Âu (EEB).
Nhưng sau khi Vũ Hán gỡ bỏ lệnh phong tỏa và Bắc Kinh hạ mức phản ứng khẩn cấp vào tháng 4, nồng độ NO2 đã tăng trở lại.
Cụ thể, trong khoảng thời gian Vũ Hán bị phong tỏa từ ngày 23/1 đến cuối tháng 3, nồng độ NO2 vẫn ở mức thấp hơn (dưới 150 micromole/m2). Nhưng trong khoảng thời gian 20 ngày sau đó cho đến ngày 9/4, tức một ngày sau khi dỡ lệnh phong tỏa, nồng độ NO2 tăng vọt trở lại, vào khoảng 300 micromole/m2 tại các khu vực ô nhiễm nhất của thành phố.
Khu vực trung tâm Bắc Kinh bị bao phủ bởi sương mù vì ô nhiễm. Ảnh: AFP. |
Bản đồ của EEB cũng cho thấy nồng độ NO2 gia tăng tương tự ở các khu vực xung quanh Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, theo South China Morning Post.
Vào tháng 1, khi Covid-19 mới chỉ bắt đầu bùng phát, nồng độ các hạt bụi mịn có hại nhất trong khí quyển (được gọi là PM2.5) tương đối cao hơn so với ba tháng sau đó.
Vào tháng 2, mức PM2.5 tại Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong 7 ngày đầu tiên của tháng 5, khi nhịp sống trở lại bình thường và người dân nghỉ lễ Quốc tế Lao động, không có ngày nào chất lượng không khí đạt mức "tốt".
"Trong thời kỳ đại dịch này, những gì xảy ra ở Trung Quốc thường là ví dụ đi đầu cho diễn biến ở các quốc gia khác tiếp sau đó", Margherita Tolotto, cán bộ chính sách của EEB, nói và cảnh báo các khu vực khác như châu Âu có thể sẽ lặp lại kịch bản tại Trung Quốc.
Tại Milan, Italy - một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ở châu Âu - nồng độ PM2.5 từ giữa tháng 3 đến tháng 5 cũng thấp hơn nhiều so với hai tháng đầu năm, theo dữ liệu của aqicn.org.