Theo Guardian, các nhà bảo tồn đã cảnh báo từ lâu rằng đại dịch Covid-19 có thể làm gia tăng tình trạng ô nhiễm ở các đại dương - vốn đang tràn ngập rác thải nhựa đe doạ sinh vật biển. Mặt nạ và khẩu trang y tế dùng một lần hiện đã xuất hiện trên bờ và dưới đáy biển tại nhiều nơi trên thế giới.
Operation Mer Propre - tổ chức phi chính phủ của Pháp điều phối các hoạt động nhặt rác dọc theo vùng biển phía nam nước này, bắt đầu gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng trước, khi các thợ lặn phát hiện "rác thải Covid-19" bao gồm găng tay, khẩu trang và chai nước rửa tay bên dưới đáy biển Địa Trung Hải, bên cạnh những chiếc cốc và chai nhựa dùng một lần.
Số lượng khẩu trang và găng tay không phải là quá lớn, nhưng ông Joffrey Peltier đến từ tổ chức này cho rằng mối quan ngại bây giờ là một loại rác thải mới - nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh mọi người trên khắp thế giới phải sử dụng các loại trang bị y tế dùng một lần để đối phó với virus corona.
Khẩu trang được phát hiện dưới đáy biển Địa Trung Hải. Ảnh: Guardian. |
"Nếu không có gì được thực hiện, rác thải loại này sẽ tràn ngập", ông Peltier nói.
Chỉ riêng tại Pháp, giới chức nước này đã đặt mua 2 tỷ khẩu trang dùng một lần, theo ông Laurent Lombard đến từ Operation Mer Propre.
"Có lẽ sớm thôi chúng ta sẽ có nguy cơ nhìn thấy nhiều khẩu trang hơn là sứa ở Địa Trung Hải", ông Lombard nhận định khi đăng tải đoạn băng cho thấy một thợ lặn phát hiện nhiều khẩu trang và găng tay cao su dưới đáy biển gần Antes.
Nhóm hy vọng những hình ảnh này sẽ khiến mọi người chuyển sang dùng khẩu trang có thể tái sử dụng, và rửa tay thường xuyên hơn thay vì đeo găng tay.
"Với tất cả các giải pháp thay thế, nhựa không phải là thứ duy nhất bảo vệ chúng ta khỏi Covid-19. Đó là thông điệp của chúng tôi", ông Peltier chia sẻ.
Trong những năm trước khi đại dịch diễn ra, các nhà môi trường đã cảnh báo về mối đe doạ của rác thải nhựa đối với đại dương và các sinh vật biển. Theo ước tính năm 2018 của Liên Hợp Quốc, có tới 13 triệu tấn nhựa đi xuống đại dương mỗi năm. Riêng ở khu vực Địa Trung Hải, khoảng 570.000 tấn nhựa được thải xuống đây mỗi năm, con số mà WWF mô tả là tương đương với việc vứt 33.800 chai nhựa xuống biển mỗi phút.