Trong một cuộc khảo sát thực địa tại 11 khu vực ở phía Tây nước Mỹ, bao gồm các lưu vực sông, miệng núi lửa hay các công viên quốc gia, một nhóm nghiên cứu đã phát hiện được hơn 1.000 tấn hạt vi nhựa có trong bầu khí quyển, theo The Guardian.
Các hạt vi nhựa thường có kích thước nhỏ hơn 1mm và được sản sinh từ các mảnh rác thải nhựa lớn hơn. Vì nhựa không thể phân huỷ nên các hạt vi nhựa thường len lỏi trong bầu khí quyển, đất và nước.
Hạt vi nhựa có thể gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa. Ảnh: Getty Images. |
Hạt vi nhựa có thể gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa, đe doạ môi trường sống của các loài động vật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.
Janice Brahney, người đứng đầu nhóm nghiên cứu từ Đại học bang Utah cho biết các hạt vi nhựa tồn tại trong hệ sinh thái trong một khoảng thời gian dài.
“Nhựa có thể bị lắng đọng rồi được bầu khí quyển hấp thụ và vận chuyển đến nhiều nơi khác”, chuyên gia Brahney cho biết. “Chúng ta không biết các hạt vi nhựa này có thể di chuyển bao xa”.
Nhóm nghiên cứu này cũng cho rằng các hạt vi nhựa ướt, thường có trong bầu khí quyển ở điều kiện ẩm ướt, có thể bị các cơn bão đưa đến những khu vực thành thị, nơi con người tập trung sinh sống.
Các phát hiện mới gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm vi nhựa. Ảnh: National Geographic. |
Ngược lại, những hạt vi nhựa khô phân tán trong không khí theo mô hình tương tự hạt bụi. Với khả năng phân tán xa, các hạt vi nhựa khô thường di chuyển xuyên lục địa.
Theo nhà nghiên cứu Brahney, các phát hiện mới gióng lên hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm vi nhựa, đồng thời khuyến cáo con người nên cắt giảm việc sử dụng nhựa.
Giới khoa học từng cho biết hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào các mô phổi, gây ra tổn thương đáng kể. Những trường hợp thường xuyên hít phải hạt vi nhựa còn có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và ung thư.