Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

40% lao động có thể không đáp ứng được yêu cầu trong 5 năm tới

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết theo dự báo, 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu khi kỹ năng lao động không được nâng lên.

  • Sáng 11/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 50 phút đăng đàn còn lại của Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Sau ông Dung, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn là thành viên Chính phủ tiếp theo trả lời chất vấn.
  • Cùng giải trình thêm với Bộ trưởng Dung có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Lao động, Bộ trưởng Giáo dục trả lời chất vấn Sáng 11/11, Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
  • 4 đại biểu đặt câu hỏi thêm

    Cuối giờ chiều 10/11, có thêm 4 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

    Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) chất vấn về giải pháp cho tình trạng làn sóng người lao động về quê và vấn đề đào tạo nghề.

    Đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa muốn bộ trưởng chia sẻ về gánh nặng của doanh nghiệp trong việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến" và những bất cập trong thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ khiến nhiều lao động tự do chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ.

    Việc cơ cấu lại địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo lao động để người lao động hạn chế di cư, để "ly nông mà không ly hương" là vấn đề đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt ra. Ông cũng chất vấn về giải pháp tăng cường vốn vay giải quyết việc làm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.

    Nữ đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng về chính sách chuẩn bị lực lượng lao động và chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 1

  • Giải pháp cho việc thiếu hụt lao động ở TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam

    Điều hành phiên chất vấn chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ra vấn đề về việc nhiều lần làn sóng lao động rời bỏ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về địa phương. Ông đề nghị cho đến khi kết thúc phiên chất vấn vào trưa 12/11, các thành viên Chính phủ tranh thủ báo cáo giải trình làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và cử tri.

    Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề không chỉ là xác định nguyên nhân, trách nhiệm mà quan trọng là đưa ra giải pháp cho tình trạng thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh.

    "Quan trọng hơn nữa là qua việc này, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo và chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi và lưu ý tình hình dịch bệnh còn đang rất khó lường nên không được chủ quan.

  • 40% lao động có khả năng không đáp ứng yêu cầu mới trong 5 năm tới

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định chúng ta có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc chúng ta phải giải quyết 2 bài toán. Một là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung. Hai là các xu hướng tác động của cuộc cách công nghệ lần thứ 4 sẽ làm thay đổi bản chất công việc.

    Theo dự báo, 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu khi kỹ năng lao động không được nâng lên.

    “Mục tiêu chúng ta đặt ra là đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Và đến 2030 phấn đấu 40-45%”, ông Dung nói và cho biết đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn. Ông đưa ra giải pháp đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng nhu cầu mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

    Theo Bộ trưởng Lao động, Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Chính phủ đã và đang chỉ đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cũng cho phép hình thành 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm mà ta còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.

    “Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó”, ông Dung thông tin.

    Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quốc hội.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 2

  • Hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp là động lực quan trọng

    Trả lời câu hỏi về hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh thị trường lao động là một trong các thị trường quan trọng của nền kinh tế. Hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp được coi là nguồn lực quan trọng trong phát triển, nhất là khi ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.

    Ông cho biết tới đây sẽ soát toàn bộ cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng; chú trọng đến các chính sách về vốn, thuế.

    “Một số lĩnh vực ngân sách Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn toàn, nhưng có những lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, vốn mồi là chủ yếu và huy động nguồn lực toàn xã hội”, ông Dung nói.

    Cùng với đó, ông cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một số vấn đề như năng lực đào tạo, dự báo, triển khai nền tảng số về thông tin và thị trường lao động để doanh nghiệp chủ động phương án đào tạo…

    “Theo hướng đó, ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới phải có sự lột xác trong vấn đề này”, ông Dung nói.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 3

  • Hỗ trợ vốn vay cho lao động phi chính thức

    Đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc tạo điều kiện cho người lao động phi chính thức, các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay.

    Trả lời, ông Đào Ngọc Dung bày tỏ đồng tình cho biết trong chương trình phục hồi của ngành lao động sẽ đề nghị tăng cường vốn vay cho người lao động. Ông cũng cho biết việc tiếp cận vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm rất có hiệu quả, hiện nợ đọng rất thấp.

    Thứ hai, Bộ trưởng cho biết trong Quyết định 2086 của Thủ tướng về giải quyết đất ở, nước sinh hoạt… có thể áp dụng những tiêu chí này để hỗ trợ. Đồng thời, ông cũng cho biết có thể căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các trường hợp đủ điều kiện.

  • Đào tạo lao động đáp ứng đòi hỏi cách mạng công nghiệp 4.0

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) về chính sách trọng tâm và chương trình chuẩn bị cho lực lượng lao động chuyển đổi theo đào tạo 4.0, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết ngành lao động quan niệm chuyển đổi số có thể làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng có thể mở ra những cơ hội mới nếu biết tận dụng. Do đó, Bộ tập trung vào 5 giải pháp cơ bản.

    Thứ nhất, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nhân lực làm cơ sở để chúng ta điều tiết và đào tạo, bồi dưỡng.

    Thứ hai, bổ sung các quan sát đánh giá cụ thể theo từng ngành nghề lĩnh vực, sự khác biệt cần thiết trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0.

    Thứ ba, đẩy mạnh thu hút tập trung nguồn lực, thúc đẩy đào tạo và đào tạo lại nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động. Đồng thời, Bộ sẽ hoàn thiện rà soát lại cơ chế chính sách, trong phát triển giáo dục nghề nghiệp nhất là chính sách liên kết doanh nghiệp và nhà trường.

    Thứ tư, nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi gồm kỹ năng mềm, kỹ năng số, ngoại ngữ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thể hiện ngay từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, kiểm tra đánh giá. 

    Thứ năm, đổi mới chính sách hỗ trợ cơ sở đào tạo doanh nghiệp và người lao động, đào tạo nâng cao chuyên môn, công việc và người lao động đẩy mạnh đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mở rộng đối tượng bao gồm cả người lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ thất nghiệp cao từ các nguồn kinh phí, quỹ hợp pháp và nguồn vốn sự nghiệp cho phép.

    Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh. Ảnh: Quốc hội.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 4

  • Mô hình “3 tại chỗ” chỉ đúng với doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Trả lời chất vấn về vấn đề mô hình “3 tại chỗ” của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong phòng chống dịch, trước Việt Nam, Singapore, Malaysia đã áp dụng.

    Ở Việt Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang là các địa phương đầu tiên áp dụng mô hình này, sau đó đến một số địa phương khác. Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc "an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế.

    “Quả thật mô hình này chỉ đúng với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan điểm cá nhân của tôi là không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí để vận hành rất lớn”, ông Dung nói.

  • Làm thế nào để lao động ly nông, không ly hương?

    Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư được chủ tọa mời giải trình thêm về vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm ở nông thôn, để người dân có thể “ly nông mà không ly hương”.

    Về vấn đề giải quyết lao động nông nghiệp và thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng liên quan đến quy hoạch, hạ tầng, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, thủ tục hành chính môi trường đầu tư, định hướng thu hút đầu tư, chính sách tại Nghị định 57…

    Ví dụ về thu hút đầu tư, đối với các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, đến nay không nên tiếp cận những dự án có hàm lượng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp nữa; nên tập trung chuyển sang lĩnh vực dịch vụ, tài chính. Nếu không làm vậy, các địa phương khác khó có cơ hội tiếp cận các khoản đầu tư.

    “Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo điều chỉnh lại Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng, nguồn để hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 5

  • Nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí đưa người lao động trở lại

    Giải trình thêm về làn sóng người lao động rời bỏ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về các địa phương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trước hết cần xác định 1,3 triệu lao động đã rời đi gồm những đối tượng nào.

    Ngoài những lao động làm việc trong các doanh nghiệp lớn, có hợp đồng ổn định, Phó thủ tướng lưu ý phải đặc biệt quan tâm đến những người lao động, công nhân làm việc ở xí nghiệp nhỏ, công trường, người lao động tự do.

    Trước hết, ông cho rằng phải kiểm soát tốt dịch với kế hoạch cụ thể, chi tiết. Đặc biệt, ông Đam cho rằng cần mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.

    Phó thủ tướng cho biết tới đây Trung ương cần rà soát tất cả quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

    “Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải lo cho công nhân chứ đừng đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền”, ông Đam nói.

    Cùng với đó, ông nhấn mạnh các địa phương cần chủ động kết nối để giúp người dân quay lại làm việc, bằng cách hỗ trợ đưa đón, chủ động cung cấp thông tin hoặc tiêm vaccine cho người lao động. Ông cho biết nhiều lãnh đạo tỉnh không ngại bỏ chi phí ra đưa người lao động quay trở lại.

    Ông Đam đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét phối hợp với các địa phương có gói hỗ trợ cho người lao động quay lại làm việc và với người nhà đi theo, như vậy người lao động mới có thể yên tâm làm việc.

    Về lâu dài, ông nhấn mạnh phải có chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, từng bước cơ cấu lại sản xuất và lao động, từ bỏ dần lao động giá rẻ để đi vào chuỗi có giá trị gia tăng cao hơn.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 6

  • Chi phí rất lớn duy trì “3 tại chỗ”

    Giơ biển xin tranh luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói cơ chế thực hiện chính sách “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến” đang rất khó khăn với doanh nghiệp.

    Theo đó, doanh nghiệp kêu chi phí thực hiện việc này mất đến 1/3 chi phí sản xuất, còn tốn kém hơn nếu họ hoạt động cầm chừng. Ông Hòa đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp cũng như đề xuất với Chính phủ trong việc này.

  • Doanh nghiệp sẽ quyết định thang, bảng lương thay vì Nhà nước

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) về vấn đề chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tình hình dịch bệnh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép lùi việc thực hiện chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp chậm lại. Hiện nay, chính sách đang được tiến hành thí điểm ở một số tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô cả nước.

    “Thời gian tới, lương sẽ được xác định là giá cả của sức lao động. Chính vì vậy, chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở có sự can thiệp nhất định của Nhà nước, nhưng trong chừng mực, cho phép và đề cao vai trò của người sử dụng lao động”, Bộ trưởng Dung nói.

    Trong đó, lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ quyết định thang, bảng lương, thay vì Nhà nước. Thứ hai, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về nguyên tắc mức lương, thu nhập dựa trên sự phát triển của doanh nghiệp, phúc lợi của người lao động và mức lương tối thiểu vùng.

    Để xác định được mức lương tối thiểu vùng, Nhà nước dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hòa lợi ích.

  • Làm rõ nguyên nhân chủ quan để 1,3 triệu người dân về quê

    Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có phần trách nhiệm của quản lý Nhà nước, 1,3 triệu người dân đã nhiều đợt rời bỏ TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam để về quê.

    Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ phân tích, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đồng thời có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động cả nước, chú trọng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm và giải quyết việc làm, sinh kế cho lao động ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước khi mà người lao động đã trở về quê.

    Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động đảm bảo mọi người tiếp cận thuận lợi nhất, nhanh nhất; tăng cường kiểm tra xử lý những hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các gói hỗ trợ thiết thực, khả thi, đặt trong tổng thể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong và hậu đại dịch.

    Về việc nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công an, địa phương khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm, đề nghị xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu có sai phạm và tiêu cực trong lĩnh vực này.

    Bo truong Dao Ngoc Dung tra loi chat van anh 7

Cách chức cán bộ vì để người nhà vào danh sách hộ nghèo

Chiều 10/11, sau Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Nhóm phóng viên

Ảnh: Hồng Phong

Bạn có thể quan tâm