Hơn 1,5 năm kể từ khi Covid-19 tấn công, giờ đây thế giới đang chứng kiến hai khung cảnh đối nghịch. Ở một số nước, như Anh và Mỹ, nhiều người sau khi tiêm vaccine vui mừng ôm chầm người thân sau thời gian dài xa cách.
Ở Ấn Độ, Brazil, và hầu hết quốc gia Nam Mỹ, hàng nghìn người tuyệt vọng đếm ngược thời gian của mình, các gia đình đau khổ nhìn người thân ra đi.
Chủ quan là lý do lớn nhất
Theo Tiến sĩ William Schaffner, cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), dù đại dịch diễn ra gần 1,5 năm và thế giới đã nỗ lực về mọi mặt để đẩy lùi dịch bệnh, Covid-19 vẫn còn là một thách thức lớn.
Ông Schaffner nói với Zing có 4 nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này.
Đầu tiên là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các biến chủng mới, có khả năng lây lan dễ dàng và nhanh chóng hơn. Kế đến, hệ thống y tế ở nhiều quốc gia còn yếu kém hoặc chưa đủ lực để chăm sóc và cứu chữa cho bệnh nhân.
Lý do kế tiếp là nguồn cung vaccine không đủ. Nguyên nhân cuối cùng nằm ở cách mỗi chính phủ ứng phó với dịch, và ý thức của người dân.
Tuy nhiên, ông cho rằng lý do chính khiến dịch bệnh ở nhiều nơi chẳng những không lắng xuống mà còn diễn biến phức tạp hơn, là sự thiếu cẩn trọng của chính con người.
“Chủ quan là lý do lớn nhất cho sự lây lan của virus hiện nay ở hầu hết quốc gia trên thế giới”, Tiến sĩ Schaffner nói với Zing.
Giáo sư Andrew Easton, Đại học Warwick, Anh cũng đồng quan điểm. Ông nói: “Chúng ta thường khá cảnh giác vào một khoảng thời gian, sau đó lơ là, chủ quan và buông lỏng, đặc biệt là khi không có sự việc gì nghiêm trọng”.
Italy là nước hứng chịu đại dịch đầu tiên ở châu Âu, với làn sóng Covid-19 thứ nhất là vào tháng 3/2020. Tuy tổn thất nặng nề về người và kinh tế, nước này nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và được ca ngợi như một hình mẫu để quốc tế học hỏi.
Lệnh cấm nhanh chóng được dỡ bỏ hoặc nới lỏng ở nhiều nơi. Các bãi biển, quán cà phê, hộp đêm, sàn nhảy trở nên đông đúc. Rất nhiều người không đeo khẩu trang bất kể là đi ngoài đường hay đến những tụ điểm này.
Đến tháng 11/2020 số ca nhiễm ở nước này bắt đầu tăng mạnh. Có lúc Italy vượt Anh trở thành quốc gia có số ca tử vong cao nhất vì Covid-19 ở châu Âu.
Tính đến hết ngày 5/5, Italy đã ghi nhận tổng cộng trên 4,06 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có trên 122.000 ca tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (JHU), Mỹ.
Tại Brazil, trong suốt đại dịch, Tổng thống Jair Bolsonaro luôn đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của virus. Ông thường xuyên kêu gọi dỡ bỏ các quy định hạn chế và lệnh phong tỏa, bất chấp số ca nhiễm mới và tử vong của nước này tăng liên tục.
Peru, Mexico, và nhiều quốc gia Mỹ Latin khác cũng có kịch bản tương tự: Bùng dịch - kiểm soát - dỡ bỏ lệnh cấm và người dân tụ họp - bùng dịch nghiêm trọng hơn.
Ấn Độ đang nổi lên như cụm dịch nghiêm trọng nhất thế giới hiện nay.
Chỉ ba tháng trước, các nhà lãnh đạo Ấn Độ còn vui mừng thông báo họ đã vượt qua được giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch. Thủ tướng Narendra Modi thậm chí tuyên bố đánh bại Covid-19, khẳng định khó có nước nào có thể sánh được với thành công của Ấn Độ.
Cuối tháng 3, chính phủ cho phép hàng triệu tín đồ Hindu giáo tham gia lễ hội lớn của tôn giáo này. Các biện pháp giãn cách xã hội hiếm khi được thực hiện và rất ít người đeo khẩu trang.
Đầu tháng 4, hàng triệu người cũng đến sông Hằng để thực hiện các nghi thức cầu nguyện của Hindu giáo.
Tiến sĩ Vineeta Bal, nhà nghiên cứu hệ thống miễn dịch tại Viện Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Ấn Độ ở thành phố Pune, nhận xét tình cảnh hiện tại của Ấn Độ là do “thất bại trong quản lý, thất bại trong dự đoán, thất bại trong việc lập kế hoạch, cùng với đó là suy nghĩ rằng đã chinh phục được virus".
Cuộc đua không điểm dừng
Trả lời phỏng vấn của Zing, Tiến sĩ Schaffner đồng ý rằng cuộc đua giữa vaccine và virus khó có thể có hồi kết.
“Virus sẽ không biến mất. Chúng ta có thể sẽ phải đối phó với nó trong nhiều năm tới. Giống như bệnh cúm, Covid-19 sẽ sống với chúng ta và chúng ta sẽ phải đương đầu với chúng”, ông nói.
Với khởi đầu khả quan, các loại vaccine từng mang đến cho thế giới nhiều hy vọng trong việc nhanh chóng đẩy lùi đại dịch.
Thế nhưng, song song với quá trình phát triển vaccine, các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm và “khôn ngoan hơn” bắt đầu xuất hiện ở khắp nơi. Đáng chú ý nhất là biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện ở Anh và biến chủng P.1 ở Brazil.
Chúng đều được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn, và đã có mặt tại hàng chục quốc gia khác trên thế giới. Thậm chí, chủng P.1 ở Brazil còn được cho là có thể “trốn tránh” kháng thể từ vaccine và có khả năng gây tái nhiễm.
Biến chủng B.1.617 ở Ấn Độ đã xuất hiện tại ít nhất 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến chủng này mang đột biến kép; trong đó, một đột biến khiến cho virus dễ lây lan hơn, và đột biến còn lại giúp nó kháng lại một phần vaccine.
“Các biến chủng của virus SARS-CoV-2 đang gây ra những thách thức nghiêm trọng trong việc chống lại Covid-19. Ngày càng có nhiều biến chủng mới xuất hiện, có khả năng lây lan nhanh và dễ dàng hơn, gây ra các đợt bùng phát nhanh chóng và rộng rãi", Tiến sĩ Schaffner nói với Zing.
Cho đến nay, theo quan sát của Tiến sĩ Schaffner, các loại vaccine hiện hành dường như có hiệu quả hoàn toàn hoặc một phần đối với các biến chủng mới.
"Tuy nhiên, nếu có thêm dòng mới phát sinh, chúng (biến chủng) rất có thể chống lại được vaccine hiện tại. Khi đó, chúng ta sẽ lại cần đến vaccine mới”, Tiến sĩ Schaffner nói.
Ông cho biết các nhà khoa học hiện nay đang nghiên cứu sản xuất vaccine thế hệ thứ hai nhắm vào các biến chủng hiện tại. Chúng sẵn sàng được sử dụng khi cần.
Tuy nhiên, ông cảnh báo việc nghiên cứu vaccine mới sẽ là công việc lâu dài và liên tục.
“Chúng ta sẽ phải duy trì hoạt động của các hệ thống phát hiện biến chủng. Chúng ta có thể sẽ phải liên tục tạo ra vaccine mới, và con người sẽ phải tiêm lại mỗi năm để đối phó với các chủng virus mới”, Tiến sĩ Schaffner nói với Zing.
Tai họa của một quốc gia là hiểm họa của toàn cầu
Theo Tiến sĩ Schaffner, con người đang sống trong một thế giới kết nối. Vì vậy, một biến chủng mới ở bất kỳ đâu cũng đều đe dọa đến tất cả quốc gia. "Đó là lý do mà toàn cầu cần phải chung tay mới có thể khuất phục được đại dịch này”, Tiến sĩ Schaffner nhận định.
Tính đến cuối tháng 1/2021, biến chủng lần đầu phát hiện ở Anh đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các con số này với biến chủng ở Nam Phi và biến chủng ở Brazil lần lượt là 31 và 37, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Điều này cho thấy các biến chủng mới của virus, dù xuất hiện lần đầu ở bất cứ đâu, cũng có thể nhanh chóng xâm lấn phần còn lại của thế giới, đe dọa đến an ninh sức khỏe toàn cầu.
Tiến sĩ Ashish Jha, Trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói: “Mọi quốc gia nên dự liệu về những đợt bùng phát lớn vượt ngoài tầm kiểm soát. Các nước như Anh và Mỹ đang thực hiện rất tốt việc tiêm chủng. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ đối phó được với những biến chủng hiện tại mà thôi”.
Dẫu vậy, Tiến sĩ Schaffner cho rằng hy vọng lớn nhất lúc này trong việc đối phó với đại dịch trước mắt là phân phối vaccine một cách cân bằng và hiệu quả cho toàn thế giới.
"Tất cả quốc gia cần phải hợp tác cùng cố gắng nếu muốn thành công”, ông Schaffner nhấn mạnh.
Điểm nóng Covid-19 Nam Mỹ gây hiểm họa cho toàn cầu
Cuộc khủng hoảng y tế ở Mỹ Latin, đặc biệt là ở Nam Mỹ, đang diễn biến ngày càng trầm trọng, thậm chí có khả năng vượt ra khỏi biên giới khu vực và đe dọa đến toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng oxy ở Ấn Độ 'ngày càng tồi tệ'
Các bệnh viện ở New Delhi bắt đầu thiếu hụt oxy từ gần hai tuần trước. Đến nay, dù đã nhận được sự trợ giúp của quốc tế, cuộc khủng hoảng vẫn chưa thuyên giảm.
Lỗ hổng lớn trong dữ liệu Covid-19 của Ấn Độ là vì đâu?
Các chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực tế ở Ấn Độ cao gấp 10 lần so với báo cáo. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chính xác trong thu thập dữ liệu Covid-19 ở nước này?