4 kịch bản tiềm năng nhất cho Syria
Chiến sự vẫn tiếp diễn ở Syria. Có 4 kịch bản tiềm năng nhất cho cuộc khủng hoảng tại đất nước Arab và đáng ngại là, khả năng nào cũng đe dọa khu vực.
1. Syria bị xé nhỏ thành các khu tự trị của các sắc tộc, tôn giáo hoặc các tộc người thiểu số
Người Syria phẫn nộ kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. |
Với sự phức tạp và đa dạng về thành phần dân tộc và tôn giáo, đây là kết quả dễ xảy ra nhất cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Ở Syria, dân tộc Alawite của Tổng thống Assad chiếm ưu thế vượt trội về quân sự. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ Assad đang nỗ lực thiết lập một lãnh địa riêng biệt của người Alawite và Cơ đốc giáo ở phía Tây Syria. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hoặc các cường quốc châu Âu không can thiệp vào Syria thì liên minh của Tổng thống Assad sẽ có đủ sức mạnh để duy trì sự tồn tại độc lập.
Trong khi đó, người Kurd ở Syria cũng sẽ không thể bỏ qua cơ hội để thiết lập một khu vực tự trị riêng biệt như những người đồng tộc ở Iraq. Do đó, họ sẽ chiếm cứ vùng Đông Bắc Syria, nơi cộng đồng này tập trung nhiều nhất.
2. Các phần tử nổi dậy giành chiến thắng và thành lập một nhà nước độc tài khác
Phe Hồi giáo cực đoan, độc tài kiểm soát Syria thời hậu Tổng thống Assad (áo đen)? |
Ngay cả khi quân nổi dậy Syria giành ưu thế và duy trì quyền kiểm soát gần như toàn bộ Syria (giả thuyết này có khả năng rất lớn), Syria thời hậu Assad vẫn có thể rơi vào tay phe Hồi giáo cực đoan và độc tài hơn là phe dân chủ. Thậm chí, phe độc tài có nhiều lợi thế để giành chiến thắng trước phe dân chủ, thế tục hơn ở Iraq, Ai Cập và Libya.
Thậm chí, nhiều báo cáo của phương Tây tiết lộ, quân nổi dậy Syria dính líu tới các hoạt động mờ ám tương tự như al-Qaeda.
3. Quân đội tự do Syria lật đổ Tổng thống Assad và Syria chuyển sang nền dân chủ đa sắc tộc, đa tôn giáo
Liệu Quân đội Tự do Syria có lật đổ được Tổng thống Assad như kỳ vọng của phương Tây? |
Đây là kết quả mà Washington kỳ vọng nhất. Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra. Ngay cả khi Quân đội Tự do Syria chiếm được ưu thế quân sự và ít nhất, giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Syria, thì xây dựng nhà nước dân chủ là quá trình nỗ lực bền bỉ, kiên trì.
Lý do là, Syria thiếu các nền tảng dân chủ. Đất nước này chìm trong chế độ độc tài trong suốt một thời kỳ quá dài. Hơn nữa, nền kinh tế và xã hội dân sự ở đây rất yếu; còn tôn giáo và sắc tộc thì bị chia rẽ sâu sắc.
Trong khi đó, một nhà nước dân chủ ổn định phải dựa trên một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và xã hội dân sự. Tất cả những điều này cho thấy, sự ra đời của một nhà nước dân chủ ở Syria là rất khó.
4. Chế độ Assad dập tắt được cuộc nổi dậy
Nếu Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ hoặc các cường quốc châu Âu không can thiệp vào Syria, đây sẽ là kịch bản khả thi nhất.
Ngược lại, thời gian tồn tại của chế độ Assad chẳng còn nhiều. Quyền lực của gia đình Assad dựa trên liên minh ngầm, mong manh, giữa tộc người thiểu số Alawite và các nhóm thiểu số/tôn giáo khác như Cơ đốc giáo.
Do quân nổi dậy Syria được Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí, Mỹ và một số cường quốc châu Âu âm thầm hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, tình báo và vũ khí, rất có thể chế độ Tổng thống Assad sẽ không còn trụ lại lâu nữa.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, liệu Tổng thống Assad có đè bẹp được cuộc nổi loạn? |
Cả 4 kịch bản trên đề không đảm bảo sự ổn định cho khu vực. Syria ngày càng giống "quân tốt" trong trò chơi quyền lực của Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Dù chế độ Assad đàn áp thành công cuộc nổi dậy để tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo đất nước, khủng hoảng Syria chắc chắn vẫn không thể chấm dứt triệt để. Người Sunni sẽ không bỏ cuộc dễ dàng. Với sự hậu thuẫn chắc chắn từ Ankara và Riyadh, họ sẽ tiếp tục chống lại chính quyền.
Ngược lại, nếu chế độ Assad thất bại, cuộc nổi dậy do người Sunni lãnh đạo thành công, sau đó, Syria dù bước vào thời kỳ dân chủ hay độc tài thì Iran, Iran sẽ là đối thủ đáng gờm của họ.
Sự đối đầu này bắt nguồn từ xung đột truyền kiếp giữa người Sunni và Shiite trong khu vực, có nguyên nhân do tín ngưỡng thì ít mà chủ yếu là do sự mâu thuẫn về quyền lực và kinh tế.
Trong khi đó, một Syria bị "chia năm sẻ bảy" cũng sẽ trở thành đấu trường với những cuộc xung đột kéo dài bất tận để tranh giành quyền lực giữa các bè phái bên trong Syria cũng như giữa các cường quốc nước ngoài.
Giới học giả phương Tây vẫn rao giảng rằng, khi chế độ Assad bị lật đổ, kỷ nguyên ổn định và tự do sẽ mở ra cho Syria. Nhưng tất cả chỉ là ảo tưởng. Iraq thời hậu Saddam Hussein là ví dụ điển hình. Do đó, lời khuyên tốt nhất dành cho Washington là tránh xa khỏi cuộc xung đột Syria.
Phương Đăng
Theo Infonet.vn