Bất kỳ công việc nào cũng có những đòi hỏi về trình độ ở một ngưỡng nhất định. Đối với blockchain, kiến thức và hiểu biết về lĩnh vực này càng quan trọng vì đây là một nhánh của công nghệ.
Đặc tính của ngành công nghệ là thông tin và dự án mới liên tục được ra mắt. Do đó việc nghiên cứu và trực tiếp sử dụng các sản phẩm tiền mã hóa, blockchain không ngừng là điều tiên quyết để gia nhập sân chơi này.
Trải nghiệm gần gũi nhất có lẽ là tham gia giao dịch tiền mã hóa. Để thúc đẩy động lực đọc hiểu tin tức, các thông báo, cập nhật của những dự án yêu thích mỗi ngày, không gì hay hơn việc bỏ tiền đầu tư. Từ luồng thông tin tìm hiểu, việc lựa chọn được các sản phẩm blockchain chất lượng giữa muôn vàn giải pháp trên thị trường trở nên dễ dàng hơn.
Giao dịch tiền số đem lại nhiều lợi ích bất ngờ. Ảnh: CoinMarketCap. |
Sử dụng các phần mềm blockchain giúp nắm rõ quy trình hoạt động, cách sản phẩm vận hành, từ đó đưa ra quyết định đầu tư. Không dừng tại đó, trong quá trình trải nghiệm, nếu thấy có những ưu điểm hay hạn chế gì, việc góp ý trực tiếp cho các nhà phát triển cũng là một cách để hỗ trợ dự án và tạo dựng mối quan hệ.
Mạng lưới bạn bè rộng trong lĩnh vực blockchain giúp tăng khả năng tìm được việc. Đăng ký tham dự hội nghị, seminar chia sẻ kiến thức về blockchain bên cạnh mục tiêu nâng cao kiến thức, đây còn là cơ hội được làm quen, giao lưu với các lãnh đạo, nhà sáng lập, các chuyên gia đầu ngành.
Xác định hướng đi
Nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực blockchain không dừng lại ở kỹ sư hoặc lập trình viên. Một dự án công nghệ thành công là sự kết hợp của nhiều nhân sự ở các phòng ban. Mỗi hướng nghề có những yêu cầu kiến thức, giai đoạn thử việc và điều kiện khác nhau để tuyển dụng.
Lập trình viên là nghề nghiệp đầu tiên mà hầu hết mọi người nghĩ đến khi nhắc tới blockchain. Nắm được cú pháp của các ngôn ngữ lập trình như C++, Solidity, Go, Javascript là yêu cầu để tham gia ứng tuyển vào vị trí này. Đôi khi các lập trình viên phải học một ngôn ngữ khác tùy theo đặc thù dự án nhưng những cái tên kể trên là thông dụng nhất.
Blockchain Hackathon nơi các lập trình viên thể hiện kỹ năng. Ảnh: SERN. |
Để có những thông tin nóng hổi về thị trường tiền mã hóa thì không thể không nhắc đến vai trò của các nhà báo, phóng viên. Có thể kết hợp kiến thức tiền mã hóa và blockchain, từ đó viết ra một câu chuyện lôi cuốn là yêu cầu của bất kỳ một tòa soạn hay các kênh truyền thông nào.
Các dự án tiền mã hóa luôn có nhu cầu tuyển dụng các phân tích viên nhằm giúp họ xây dựng quy trình hoạt động cũng như đưa ra các đánh giá về xu hướng sắp tới. Nắm vững các bước để phát triển một dự án công nghệ và có kiến thức nền ở lĩnh vực kinh doanh, tài chính là điều kiện để ứng tuyển cho vị trí phân tích viên.
Xu hướng vũ trụ ảo (metaverse) và Token không thể thay thế (NFT) đang tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho các nghệ sĩ, họa sĩ sớm dấn thân tìm hiểu về công nghệ. Bên cạnh việc bán các tác phẩm do bản thân vẽ nên, các họa sĩ có thể tham gia thiết kế cho nhiều dự án game blockchain hay metaverse đang hoạt động.
Mức lương cụ thể
Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng chính là thu nhập. Mặc dù giá tiền mã hóa như Bitcoin, Ethereum rất cao nhưng không đồng nghĩa với thu nhập của các nghề nghiệp trong lĩnh vực blockchain cũng như vậy. Tùy vào công ty, mật độ công việc và cấp bậc mà mức lương có sự biến động theo.
Lập trình viên thường có thu nhập cao hơn các hướng nghề khác do đây là công việc có tính đặc thù cao. Mức lương trung bình của kỹ sư lập trình blockchain tại Việt Nam là 2.033 USD, theo báo cáo từ VietnamWorks.
Đối với các công việc còn lại, mức thu nhập thường đi theo khung lương trung bình của thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh tiền lương, các lợi ích đi kèm như được tham gia đầu tư vào các dự án đang làm việc đôi khi lớn hơn cả thu nhập cứng.
Họa sĩ trẻ Xèo Chu và bức tranh NFT trị giá 23.000 USD. Ảnh: Internet. |
Trong thời gian tới khi ngày càng nhiều dự án về blockchain được công bố, nhu cầu tuyển dụng cho lĩnh vực này sẽ tăng chóng mặt. Không ngừng tìm hiểu nhằm chuẩn bị cho tương lai với nhiều thay đổi là điều nên thực hiện.