Hàng trăm con cá voi hoa tiêu (pilot whale) được phát hiện đã chết hoặc kiệt sức vì bị mắc cạn hôm 21/9. Một ngày sau, trực thăng tiếp tục phát hiện thêm 200 xác cá voi khác ở cách đó khoảng 10 km.
Đến nay, lực lượng cứu hộ đã giải cứu khoảng 50 con cá voi khỏi các bãi biển và bãi cát ở Tasmania, một đảo ở phía nam Australia, theo Washington Post.
Hiện còn khoảng 30 con bị mắc cạn còn sống, nhưng cơ hội sống sót giảm đi nhanh chóng vào ngày 23/9.
Đội cứu hộ và các chuyên gia trong chiến dịch cảnh báo một số con cá có thể quay trở lại vùng nước nông trong đêm và một lần nữa bị mắc cạn do biển động.
Mối liên hệ bầy đàn của cá voi hoa tiêu đặt ra thách thức lớn cho hoạt động cứu hộ, Karen Stockin, nhà nghiên cứu sinh vật biển tại Đại học Massey (New Zealand), người có kinh nghiệm giải cứu cá voi, cho biết.
Một con cá voi hoa tiêu bị mắc cạn tại cảng Macquarie ở Tasmania, Australia. Ảnh: Reuters. |
“Chúng không ngừng giao tiếp, chẳng hạn, phát đi tín hiệu khi hấp hối”, bà Karen nói. “Bởi vậy, ngay cả khi đã đưa chúng trở lại vùng nước sâu hơn thành công, không có gì lạ khi chúng quay đuôi và bơi trở lại”.
“Rất khó để thả lại tất cả khi số lượng cá cần giải cứu quá đông”, nhà nghiên cứu nói thêm.
Chính vì vậy, đội cứu hộ phải ưu tiên giải cứu những con cá voi có cơ hội sống sót cao hơn. Nhưng đây là quyết định rất khó khăn vì cá voi có thể đã bị thương nội tạng.
Các quan chức Australia cho biết các hoạt động cứu hộ sẽ tiếp diễn “chừng nào còn động vật còn sống”, theo BBC. “Chúng chưa đến giai đoạn mà chúng tôi cần can thiệp bằng phương pháp trợ tử”, nhà sinh vật học Kris Carlyon nói với ABC.
Nhiệt độ lạnh ở vùng biển ngoài khơi Tasmania trong tuần này có thể giúp cá voi mắc cạn sống sót lâu hơn so với nhiệt độ trung bình của mùa hè ở Nam bán cầu.
Nhưng điều kiện thời tiết này đã cản trở hoạt động cứu hộ. Để giải cứu một con cá voi cần tới 5 người, những người sẽ dùng sức đẩy chúng khỏi bãi cát xuống vùng nước sâu hơn.
Cá voi hoa tiêu, loài cá đại dương khổng lồ, có thể dài tới 7 m và nặng khoảng 3 tấn. Một khi chúng bị mắc cạn hoặc chết, rất khó để có thể di chuyển. Do trọng lượng của chúng, nhiều con “bị đè đến mức hỏng nội tạng”.