Theo tạp chí National Interest, những năm 1970, Ấn Độ khởi động dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực mới nhằm đáp ứng nhu cầu của lực lượng tăng thiết giáp nước này. Xe tăng mới mang tên Arjun, nó là sự kết hợp ấn tượng giữa hỏa lực mạnh, giáp bảo vệ và khả năng cơ động.
Arjun là xe tăng phát triển nội địa đầu tiên của Ấn Độ và dự kiến sẽ là một trong những phương tiện chiến đấu bọc thép tiên tiến nhất thế giới. Quá trình phát triển sơ bộ bắt đầu vào năm 1974, dự định đưa vào sản xuất và trang bị từ năm 1985.
35 năm phát triển
Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) được giao nhiệm vụ phụ trách dự án. Theo bản kế hoạch phát triển, xe tăng Arjun có trọng lượng chiến đấu khoảng 40 tấn, được trang bị pháo chính 105 mm.
Thiết kế như vậy sẽ đủ nhỏ và nhẹ để phù hợp với các tuyến đường trong nước, cũng như dọc theo biên giới với Pakistan. Pháo chính và động cơ sẽ nhập khẩu từ nước ngoài, các phần còn lại sẽ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện dự án Arjun, các kỹ sư Ấn Độ phải đối mặt với vô số thách thức. New Delhi không có nền tảng công nghệ hoặc sự trợ giúp từ nước ngoài nên mọi thứ gần như phải xuất phát từ con số 0.
Xe tăng Arjun trong một cuộc diễu hành. Ảnh: Times of India. |
Quá trình phát triển kéo dài hơn dự kiến ban đầu dẫn đến bản thiết kế trở nên lạc hậu và không còn phù hợp với thời đại. Vũ khí, hệ thống điện tử phải thiết kế lại hoặc nâng cấp để phù hợp với thời đại, dẫn đến mất thời gian và tăng chi phí.
Mãi đến năm 2009, 35 năm từ khi bắt đầu phát triển, xe tăng Arjun mới được chấp nhận đưa vào sản xuất và sử dụng trong quân đội Ấn Độ. Arjun là dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực kéo dài nhất thế giới.
Xe tăng Arjun được trang bị giáp Kanchan, một loại giáp hỗn hợp được chế tạo trong nước. Giáp Kanchan được đồn đại là có khả năng chịu được đạn 125 mm bắn ra từ xe tăng T-72 của Liên Xô.
Giáp Kanchan được đánh giá khá cao, nhưng khiến trọng lượng xe tăng vọt từ 40 tấn ban đầu lên đến 62 tấn. Trong khi đó, công suất động cơ vẫn không thay đổi dẫn đến khả năng cơ động kém.
Khối lượng chiến đấu nặng nề khiến Arjun không thể hoạt động ở khu vực sa mạc phía bắc Ấn Độ. Việc vận chuyển ra chiến trường cũng hết sức khó khăn.
Đặc tính tầm thường
Phiên bản đầu tiên được chỉ định Arjun Mk1 có đến 50% các công nghệ cơ bản phải nhập khẩu từ nước ngoài bao gồm, động cơ, hộp số, pháo chính, hệ thống truyền động và điều khiển hỏa lực. Nếu nhìn vào thông số kỹ thuật, Arjun Mk1 là xe tăng đáng gờm với pháo chính 120 mm, động cơ tăng áp công suất 1.400 mã lực, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Khối lượng chiến đấu tới 62 tấn khiến xe tăng Arjun trở nên cơ động kém. Ảnh: Military Today. |
Tuy nhiên, việc tích hợp các thành phần nhập khẩu không hề đơn giản. Arjun thường xuyên gặp các vấn đề kỹ thuật. Tính đến giữa năm 2015, 75% số xe tăng Arjun đưa vào trang bị không thể hoạt động do các vấn đề kỹ thuật.
DRDO đang tích cực phát triển phiên bản Arjun Mk II được giới thiệu là có nhiều cải tiến quan trọng so với Arjun MkI. Tuy nhiên, quân đội Ấn Độ không mặn mà với kế hoạch Arjun MkII.
Tháng 8/2015, Times of India từng đưa tin, quân đội Ấn Độ đã từ chối đặt hàng phiên bản MkII cho đến khi nguyên mẫu vượt qua các bài kiểm tra theo yêu cầu của quân đội. Ngoài ra, lục quân Ấn Độ thích xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới siêu tăng T-14 Armata của Nga hơn xe tăng trong nước.
Dự án xe tăng kéo dài nhất thế giới đang đối mặt với tương lai không thực sự rõ ràng. DRDO thừa nhận họ không thể phát triển xe tăng nội địa theo kịp tiến độ cam kết với quân đội. Arjun mắc kẹt trong vòng xoáy phát triển kéo dài nhiều thế kỷ và sản phẩm cuối cùng chỉ đạt tính năng tầm thường.