Theo National Interest, chính phủ Ấn Độ đang đề xuất phương án xuất khẩu máy bay chiến đấu hạng nhẹ HAL Tejas cho các khách hàng châu Á. New Delhi hy vọng với thiết kế đơn giản, máy bay chiến đấu bản địa có chi phí bảo dưỡng thấp sẽ là một lợi thế.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết cuộc thảo luận sơ bộ đã được tổ chức với một số quốc gia có quan hệ gần gũi. Hiện nay nhà sản xuất Hindustan Aeronautics Limited (HAL) có thể sản xuất 8 chiếc Tejas mỗi năm. Sau đó sẽ tăng số lượng sản xuất 8 đến 16 chiếc/năm từ 2019 hoặc 2020.
Hiện chưa rõ khách hàng tiềm năng của Tejas nhưng New Delhi đã cố gắng giới thiệu máy bay tới khách hàng nước ngoài trong khuôn khổ triển lãm quốc phòng Bahrain đầu năm nay. Tuy nhiên, hy vọng của Ấn Độ trong việc xuất khẩu chiến đấu cơ này rất đáng ngờ.
Chặng đường 33 năm phát triển
Năm 1969, chính phủ Ấn Độ chấp thuận đề nghị của Ủy ban hàng không và tập đoàn HAL về việc phát triển máy bay chiến đấu một động cơ. Năm 1983, không quân Ấn Độ (IAF) yêu cầu một máy bay chiến đấu mới để thay thế cho MiG-21 do Liên Xô sản xuất đang dần lạc hậu.
Tejas trong một lần bay biểu diễn. Ảnh: ADA |
Chương trình được chỉ định là máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LCA) Tejas. Năm 1984, chính phủ Ấn Độ chọn Cơ quan Phát triển hàng không (ADA) quản lý chương trình LCA. ADA chịu trách nhiệm thiết kế, HAL đảm nhận vai trò nhà thầu chính.
Theo kế hoạch ban đầu, LCA Tejas sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1990, đi vào phục vụ từ năm 1995. Tuy nhiên, quá trình phát triển gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác và kéo dài hơn nhiều so với dự kiến.
Mãi đến năm 1995, mẫu thử nghiệm TD-1 mới được chế tạo xong, tuy nhiên, các trục trặc về hệ thống điều khiển bay khiến mẫu thử nghiệm không thể cất cánh. Năm 1997, chương trình LCA phải thiết kế lại.
Mãi đến năm 2001, mẫu thử nghiệm TD-1 mới thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên, chậm 11 năm so với kế hoạch. Đến tháng 7 năm nay, phi đội LCA Tejas đầu tiên mới được đưa vào phục vụ trong IAF. Kế hoạch đưa LCA vào hoạt động chậm đến 21 năm so với kế hoạch.
Linh kiện chắp vá
New Delhi tự hào quảng bá rằng, Tejas có hiệu suất tương tự như tiêm kích Rafale của Pháp. “Đây là một máy bay chiến đấu có thể cạnh tranh với bất kỳ máy bay chiến đấu trên thế giới. Nó có khả năng như Rafale, chỉ khác nó là máy bay chiến đấu hạng nhẹ”, Bộ trưởng Parrikar nói với Hindustan Times.
Mặc dù phía Ấn Độ tuyên bố rất tự tin về Tejas nhưng chiến đấu cơ này không mấy ấn tượng khi so sánh với các máy bay chiến đấu một động cơ khác như JAS-39 Gripen của Thụy Điển, F-16 của Mỹ. Hơn nữa, Tejas là một tập hợp các công nghệ từ Israel, Pháp, Mỹ và Nga.
Các thành phần lõi của Tejas phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: HAL |
New Delhi tuyên bố Tejas là máy bay chiến đấu bản địa nhưng phiên bản sản xuất Mk1 sử dụng khoảng 25% linh kiện nhập khẩu. 25% dường như là một con số thấp nhưng lại là những công nghệ lõi tạo nên một chiếc máy bay.
Các thành phần nhập khẩu trên Tejas gồm radar EL/M-2032, hệ thống mũ bay của Israel, ghế phóng Martin Baker của Anh, động cơ General Electric F404 của Mỹ, pháo 23 mm có nguồn gốc từ Nga. Vũ khí hỗn hợp của Nga và Israel.
Tejas sử dụng động cơ của Mỹ, điều đó có nghĩa Washington có quyền phủ quyết việc xuất khẩu máy bay cho bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ không mong muốn. New Delhi đang lên kế hoạch hồi sinh chương trình động cơ Kaveri thất bại trước đây với sự giúp đỡ của Pháp.
Tuy nhiên, quá trình phát triển động cơ bản địa sẽ khó hoàn thành trước năm 2018. Nhà phân tích quân sự Dave Majumdar nhận định, tham vọng xuất khẩu Tejas của Ấn Độ là một chặng đường dài phía trước, thật khó để khách hàng nước ngoài có thể tin tưởng một dự án phát triển kéo dài hơn 3 thập kỷ.