Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

30 ngày đếm ngược, ông Trump hay bà Harris đang thắng thế?

Khi chưa đầy một tháng nữa là tới ngày bầu cử 5/11, cả hai ứng viên tổng thống Mỹ đang chạy đua từng giờ, từng phút để giành được từng lá phiếu tại 7 bang chiến trường.

bau cu tong thong my anh 1

Trong 30 ngày cuối cùng của chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng 2024, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đang chạy đua gay cấn khắp các mặt trận.

Theo New York Times, thăm dò trung bình gần đây cho thấy cả 7 bang chiến trường đang có kết quả bất phân thắng bại. Nhiều đảng viên Dân chủ tin rằng lợi thế lớn nhất của họ là đã xây dựng được một chiến dịch vận động trực tiếp trải rộng suốt một năm qua. Trong khi đó, đảng Cộng hòa cho rằng các sự kiện gần đây - xung đột leo thang ở Trung Đông và bão Helene - sẽ giúp chiến dịch của ông Trump nắm ưu thế trong những tuần cuối cùng.

Hai cách tiếp cận này, theo một số góc nhìn, khá tương đồng với chặng nước rút của cuộc đua năm 2016. Khi đó, chiến dịch của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton tự hào về hàng loạt sự kiện và vận động thực địa, còn ông Trump đánh vào tâm lý chống nhập cư và cải thiện nền kinh tế trên toàn quốc với đội ngũ nhân viên ít ỏi và gần như không có hoạt động trực tiếp nào ở các bang then chốt.

Năm 2024, đảng Dân chủ không quá tự tin đến vậy. Mặc dù ông Trump và đảng Cộng hòa thất thế sau năm 2016, nhiều đảng viên Dân chủ vẫn nghĩ đến khả năng thua trong kỳ bầu cử này.

“Kẻ ngốc mới xem thường Trump”, Julián Castro - cựu Thị trưởng San Antonio, người tranh cử tổng thống năm 2020 - chia sẻ. “Bà ấy (Harris) sẽ thắng, nhưng tôi có hoàn toàn chắc chắn với kết quả đó không? Không. Kinh nghiệm năm 2016 đã dạy chúng ta rằng không thể xem thường ông ấy”.

"Chiến tranh chiến hào" tại 7 bang dao động

Nhiều chuyên gia cho biết kỳ bầu cử 2024 khác biệt vì các sự kiện chính trị lớn dường như không tác động nhiều tới vị thế của hai ứng viên. Đại hội đảng, hai lần ông Trump bị ám sát hụt, tranh luận giữa ứng viên tổng thống và phó tổng thống, đều mang lại những cú hích trong ngắn hạn, không tạo tác động lâu dài.

Do đó, cả hai chiến dịch nhận định năm 2024 là cuộc đối đầu quyết liệt, khi chỉ vài nghìn phiếu bầu cũng có thể thay đổi toàn bộ kết quả chung cuộc.

Ralph Reed - nhà hoạt động xã hội bảo thủ ở Georgia, người đang vận động cho chiến dịch của ông Trump - cho biết kể từ năm 2000 cho tới nay mới có một kỳ bầu cử tổng thống mà nhiều bang cam go trong giai đoạn cuối như hiện tại.

“Các bang chiến trường đang chứng kiến ‘chiến tranh chiến hào’ trong Thế chiến I. Cả hai bên đào hầm, ném pháo và dùng súng máy, nhưng không bên nào tiến lên”, ông nói, ám chỉ hai chiến dịch đều liên tục tung đòn tấn công nhưng chưa bên nào chiếm được ưu thế rõ rệt.

bau cu tong thong my anh 2

Đảng Cộng hòa tin kinh tế và nhập cư sẽ trở thành ưu thế giúp ông Trump chiến thắng. Ảnh: New York Times.

Điều này đồng nghĩa cả hai chiến dịch đang chi tiêu mạnh, đặc biệt là ở các bang chiến trường Georgia, Arizona, Nevada, North Carolina, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Họ từ chối xếp hạng các bang theo thứ tự quan trọng, khi nhận định tất cả đều chủ chốt ngang nhau.

Theo AdImpact, hơn 675 triệu USD đã được chi cho quảng cáo trên truyền hình và kỹ thuật số từ ngày 1/9. Chiến dịch của bà Harris và các tổ chức bên ngoài của đảng Dân chủ dành nhiều tiền cho quảng cáo hơn so với phía ông Trump và các tổ chức bên ngoài của đảng Cộng hòa ở cả 7 bang.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa gửi thư trực tiếp cho cử tri nhiều đến nỗi ngay cả đảng Dân chủ ở các bang chiến trường cũng ngập trong thư, toàn tài liệu chỉ trích bà Harris và ca ngợi ông Trump bảo vệ quyền lợi an sinh xã hội.

Công ty Mintt phát hiện trong tháng 9, 81% thư gửi trực tiếp đều quảng bá cho ông Trump hoặc tấn công bà Harris. Trong tháng 8, con số này còn cao hơn, khi 96% thư liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ được gửi từ các nhóm ủng hộ đảng Cộng hòa.

"Các hoạt động quảng cáo và vận động thực địa đang ngập tràn tại tất cả bang chiến trường”, Nick Everhart - cố vấn toàn quốc của đảng Cộng hòa. “Mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây đều quan trọng khi ngày bầu cử đã cận kề mà chưa có bước ngoặt rõ ràng nào ở phía trước”.

Đảng Cộng hòa thừa nhận chi tiêu nhiều hơn cho truyền hình và chưa hoạt động thực địa hiệu quả ở các bang chiến địa. Tuy nhiên, họ tin rằng điểm mạnh về kinh tế và nhập cư của ông Trump sẽ giúp đảng bù đắp những thiếu sót đó.

Khảo sát chỉ ra đảng Cộng hòa vẫn nắm ưu thế trong các vấn đề kinh tế, ngay cả khi lạm phát chậm lại, giá xăng giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất lần đầu sau 4 năm. Ngoài ra, nhiều người Mỹ cũng ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Cử tri mục tiêu: Những người không định đi bỏ phiếu

Dẫu vậy, số tiền khủng này chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ trong số hàng triệu người dự kiến đi bỏ phiếu. Theo Jim Messina - chiến lược gia đảng Dân chủ, chỉ 4% cử tri thuộc các bang chiến trường còn phân vân có nên đi bỏ phiếu hay không, hoặc lựa chọn ai.

Và có lẽ mục tiêu lớn nhất của cả hai chiến dịch không phải là cử tri chưa quyết định ủng hộ ứng viên nào, mà là có nên đi bỏ phiếu hay không.

Chiến dịch của bà Harris cho rằng họ đã xây dựng được mạng lưới có thể tiếp cận được với nhóm cử tri này, với hàng trăm người và hàng chục văn phòng trên khắp 7 bang dao động. Các trợ lý chỉ ra chiến dịch năm 2024 có điểm khác biệt so với chiến dịch của bà Clinton.

Trong khi nhóm bà Clinton chủ yếu tập trung huy động nhóm cử tri trung thành của đảng Dân chủ, nhóm bà Harris lại tích cực giảm ảnh hưởng của ông Trump ở khu vực nông thôn và bảo thủ. Hoạt động thực địa của họ nhắm tới từ nhóm cử tri cốt lõi, tới cử tri Cộng hòa ôn hòa từng ủng hộ ông Trump trước đây nhưng không thể chấp nhận các hành vi của cựu tổng thống kể từ khi rời Nhà Trắng.

bau cu tong thong my anh 3

Đảng Dân chủ xây dựng được mạng lưới vận động trực tiếp mạnh. Ảnh: New York Times.

Ngược lại, các trợ lý của ông Trump lại coi những sự kiện trong nước và quốc tế gần đây sẽ củng cố thêm thông điệp chính của chiến dịch. Họ xoáy sâu vào việc bà Harris chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, yếu đuối và không thể đem lại cảm giác an tâm mà chính quyền ông Joe Biden đã cam kết khi đắc cử 4 năm trước. Phe ông Trump cũng tin rằng nước Mỹ đang trở nên bảo thủ hơn trong 4 năm qua và cử tri sẽ có chung góc nhìn với họ trong nhiều vấn đề.

Ngoài ra, các hoạt động vận động trực tiếp của chiến dịch ông Trump, phần lớn thuê bên thứ 3 tổ chức, tập trung thúc đẩy những người ít có khả năng đi bỏ phiếu, đặc biệt là nhóm đàn ông da đen trẻ tuổi nói riêng và cử tri nam giới trẻ tuổi nói chung.

Bất chấp việc có mạng lưới vận động thực địa trải dài, một số đảng viên Dân chủ vẫn lo ngại chiến dịch của bà Harris không thể thuyết phục được nhóm cử tri mục tiêu.

Debbie Dingell - một đảng viên Dân chủ - nhiều lần cảnh báo đảng có thể đánh mất Michigan vào năm 2016. Năm 2024, bà vẫn nhận định không thể chủ quan ở Michigan vì xung đột Dải Gaza và sự không hài lòng của nhóm cử tri truyền thống.

“Rất nhiều cộng đồng đang tức giận. Tình hình thật tệ. Cộng đồng Do Thái và người Mỹ gốc Arab đang căng thẳng, và họ không thể hiện ý kiến nữa. Các nam thanh niên người Mỹ gốc Phi thất vọng vì cảm thấy bị coi thường. Không rõ những người trẻ tuổi sẽ đi bỏ phiếu hay không”, bà chia sẻ.

Vận động tranh cử tại Flint, Michigan hôm 4/10, dường như bà Harris cũng nhận thức rõ điều này. “Đây sẽ là cuộc đua rất gay cấn cho đến giây phút cuối cùng”, bà nói.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

4 bang dao động có thể định đoạt bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khảo sát cho thấy bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang rất gay cấn. Pennsylvania, Wisconsin, North Carolina và Georgia có thể là 4 bang then chốt quyết định kết quả cục diện chung.

Phép thử từ cơn bão lịch sử Helene

Những cơn bão lớn gây hậu quả nghiêm trọng ngay trước thềm bầu cử được coi là phép thử cho các lãnh đạo Mỹ tương lai - hoặc đương nhiệm - xử lý khủng hoảng.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm