Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

30 năm sau thảm họa Chernobyl, người sống sót vẫn ám ảnh

Ignatenko có chồng là lính cứu hỏa tại lò phản ứng hạt nhân phát nổ. Anh được cấp cứu với các vết bỏng rộp nặng và trong 2 tuần sau đó, cô phải chứng kiến anh chết dần chết mòn.

Sáng ngày 26/4/1986, cuộc thử nghiệm an toàn tại nhà máy Chernobyl đã biến thành thảm họa, khiến lò phản ứng nổ tung. Các chuyên gia đánh giá lượng phóng xạ phát tán ra môi trường lớn gấp 400 trăm lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. 30 nhân viên cứu hỏa đã qua đời những tuần sau đó vì phơi nhiễm bức xạ, sau khi xông vào khu vực nguy hiểm làm nhiệm vụ dập lửa mà không có đồ bảo hộ. 

Vào ngày thảm họa xảy ra cách đây 30 năm, Olexandr Syrota chỉ là một đứa trẻ sống ở thị trấn Pripyat, Ukraine. Anh nhớ lại rằng vào thời điểm nhà máy Chernobyl gặp sự cố, khung cảnh trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết, mọi người nhận ra điều gì đó nghiêm trọng đã xảy đến nhưng không nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào.

nguoi song sot sau tham hoa hat nhan Chernobyl anh 1

Bệnh viện gần nhà máy điện nguyên tử Chernobyl tại Ukraine trở nên hoang vắng sau thảm họa hạt nhân năm 1986

. Ảnh: Daily Mail

Lo sợ và hoang mang

Khi nghe đến sự cố nhà máy hạt nhân Chernobyl, phản ứng đầu tiên của cậu bé 9 tuổi Slava Vogman bật cười lớn. "Vài người trong lớp tôi có bố làm trong quân đội. Một bạn chạy đến trường vào ngày hôm sau và nói với rằng có một vụ nổ lớn tại nhà máy Chernobyl. Tôi đã nghĩ đó là một trò đùa", Vogman nói.

Khoảng vài tuần sau, bất chấp sự siết chặt thông tin về vụ việc, mọi người đều hiểu rằng có điều gì đó nghiêm trọng đã xảy ra. Vì sống trên trục đường chính đến Chernobyl, người dân không thể không chú ý đến số lượng lớn bất thường của xe quân sự đi về hướng đó. 

Cách đây 30 năm, gia đình Vogman sống ở Mozyr, Belarus, một thị trấn trên bờ sông Pripyat, cách Chernobyl khoảng 160 km về phía tây bắc. Khi tin tức về vụ việc được công bố rộng rãi, cuộc đời của Vogman bỗng thay đổi đột ngột.

"Theo chỉ dẫn, chúng tôi phải ở trong nhà càng nhiều càng tốt và đóng kín cửa. Điều đó đồng nghĩa với việc không còn bơi trên sông hay hái nấm và hái dâu. Ở trường, chúng tôi thường lau sạch cửa sổ bằng giẻ ướt vào mỗi giờ giải lao và được yêu cầu uống nhiều sữa vì họ nói đây là cách giải độc tốt", ông nhớ lại.

"Đó là một buổi tối nóng nực. Chúng tôi mở hết cửa để đón gió và phát hiện bụi bay vào nhà. Căn hộ của chúng tôi ở trung tâm Pripyat. Sau đó chúng tôi mới phát hiện rằng gió đã đưa bụi phóng xạ và biến nơi này thành một trong những khu vực nhiễm phóng xạ cao nhất", Guardian dẫn lời của một nhân chứng khác, Nikolai Syomin, kể.

Ông gọi đến nhà máy hạt nhân vào ngày hôm sau nhưng người nghe không phản hồi và cúp máy. Ngày tiếp sau đó, họ được thông báo sơ tán.

nguoi song sot sau tham hoa hat nhan Chernobyl anh 2

Nikolai Syomin may mắn sống sót sau thảm họa hạt nhân. Ảnh: Guardian


Phản ứng khẩn cấp

Ngày 26/4, lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl phát nổ, phát tán hàng nghìn tấn chất thải hạt nhân vào không khí. Ngọn lửa tại lò phản ứng vẫn cháy âm ỉ 9 ngày sau đó. Lính cứu hỏa, phi công và nhân viên y tế từ khắp cả nước được điều đến khu vực này tham gia cứu trợ và giải cứu.

"Khoảng 10 chiếc xe tại điểm tập kết. Một người cố gắng làm trò cười nhưng không được hưởng ứng. Lúc đó, chúng tôi nhận ra đây không phải một trò đùa và điều gì đó nghiêm trọng đang diễn ra. Trong 5 ngày tiếp theo, chúng tôi lập nhóm chữa cháy", Anatoli Gubariev mô tả.

Bên trong nhà máy, nơi nhiệt độ bên trong lõi của lò phản ứng là 2.000 độ C, mồ hôi túa ra khắp mặt họ và ai cũng đều cảm thấy thiếu không khí. Trong khi đó, càng vào bên trong, mức độ phóng xạ càng cao. 

Những cái giếng được bọc nilon và hình ảnh một gia đình nhỏ, gồm vợ chồng và đứa con gái 2 tuổi, đang cố chạy trốn khỏi khu vực ô nhiễm trên chiếc xe cũ đã ám ảnh tâm trí chàng trai 26 tuổi khi đó. Hai thị trấn gần nhà máy hạt nhân nhất là Pripyat và Chernobyl, nơi có khoảng 68.000 cư dân. Nhưng phải 36 giờ sau khi thảm họa ập đến, giới chức mới bắt đầu sơ tán người dân. 

"Cách mọi người phản ứng với những gì đang diễn ra không giống nhau. Có người thận trọng, có người mất tinh thần, nhưng cũng có người khá bình tĩnh và can đảm. Tôi có thể nhìn thấy cấu trúc bê tông bị thiêu rụi của lò phản ứng số 4 và mây hơi nước mờ nhạt ở phía trên. Nó ở đó mãi đến ngày 20/5", Daily Mail dẫn lời nhân viên cứu hỏa cho hay.

Ký ức kinh hoàng

Vào đêm xảy ra vụ nổ, Sergey Franchuk choàng tỉnh giấc vì tiếng gõ cửa dồn dập bên ngoài. Đứng trước mặt anh là người hàng xóm, một lính cứu hỏa, đang trên đường đến lò phản ứng. "Anh ấy nhờ tôi đưa vợ và con gái đến một nơi thật xa", Franchuk nhớ lại. Ngày hôm say, anh quay lại Chernobyl một mình và muốn trợ giúp. Nhưng chỉ người trong quân đội mới được phép vào bên trong. Cả anh trai Franchuk và người hàng xóm đều qua đời trong vòng 4 năm sau đó. 

Cũng trong đêm đó, Lyudmilla Ignatenko đang yên giấc thì người chồng, một lính cứu hỏa thông báo anh phải lên đường đến lò phản ứng để làm nhiệm vụ. Chỉ vài giờ sau, khi gặp anh Vasily Ignatenko trong Bệnh viện Pripyat vào rạng sáng sớm, cô gần như không thể nhận ra chồng mình. Trước mắt Ignatenko là thân hình người đàn ông đang bị phồng rộp vì bỏng.

Ignatenko vẫn không hề hay biết lò phản ứng hạt nhân phát nổ trong khi kiểm tra, nhưng cô biết chắc rằng điều tồi tệ đã ập đến. Trong hai tuần tiếp theo, cô chứng kiến người bạn đời chết dần chết mòn. 

Pasha Kondratiev làm việc tại nhà máy cách đây 33 năm. Vào ngày định mệnh của Chernobyl, ông cùng vợ và hai con gái đã đi bộ đến cây cầu, nơi bắc qua con sông dùng để lấy nước làm mát nhà máy, để chứng kiến những gì đang diễn ra.

"Tôi có thể nhìn thấy đống đổ nát ở khu vực lò phản ứng. Nó bị phá hủy hoàn toàn và có một đám khói bốc lên cao. Không ai cung cấp bất kỳ thông tin nào, nhưng chúng tôi có điều gì đó rất đáng sợ, "Kondratiev nói. Sau khi được lệnh sơ tán, người vợ Natasah đưa hai con gái lên chuyến tàu sang Nga. Khi nhìn thấy nhà máy khi đó, họ hiểu rằng không còn cơ hội quay lại nữa.

nguoi song sot sau tham hoa hat nhan Chernobyl anh 3
Các nhân viên làm nhiệm vụ khử trùng và loại bỏ chất thải hạt nhân ở khu vực quanh Chernobyl. Ảnh: Alamy

Syrota cho biết nhiều ngày sau khi nhà máy phát nổ và lò phản ứng số 4 gặp sự cố nghiêm trọng, hơn 100.000 cư dân đã được sơ tán khỏi khu vực loại trừ. Hơn 500.000 công nhân xử lý đã được triển khai để ngăn chặn các sự cố tiếp theo và dọn sạch. Trong số này có Vladimir Usatenko.

"Họ phát quân phục và đưa chúng tôi đến các đơn vị quân đội đồn trú quanh Chernobyl. Chúng tôi đã làm việc trong 62 ngày, mỗi ngày 3-5 phút tại những nơi có nồng độ phóng xạ cao", Usatenko nhớ lại. 

Đến nay, số người thiệt hại trong thảm họa vẫn là đề tài gây tranh cãi. Một báo cáo của Chernobyl Forum kết luận rằng khoảng 50 người, chủ yếu là công nhân trong nhà máy, thiệt mạng do nhiễm phóng xạ và 4.000 người khác chết sau đó.

Vùng có bán kính 40 km xung quanh Chernobyl trở thành khu vực hoang vắng trong 3 thập kỷ qua. Khoảng 50.000 người dân đã sơ tán để tránh chất phóng xạ, nhưng chưa thể quay về vì nồng độ phóng xạ cao. Trong khi đó, khoảng 400 người già đã quay trở về Chernobyl để sống nốt quãng đời còn lại.

Hoạt động tháo dỡ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl vẫn chưa kết thúc. Ngày nay, khoảng 5.000 người đang làm việc trong vùng cấm (exclusion zone), 2.500 công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ đưa nhà máy về trạng thái ngưng hoạt động một cách an toàn. Mỗi tuần, họ được trả mức lương tương đương lương trung bình một tháng.

Toàn cảnh sự cố hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử nhân loại

Cuối tháng 4/1986, sự cố hạt nhân nghiêm trọng nhất lịch sử loài người xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl của Ukraine gây ra những hậu quả kéo dài nhiều thập niên.

Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm