Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

3 tỷ USD xuất khẩu gạo chỉ đủ tiêu thụ rượu bia

Đánh giá về thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đại biểu Đỗ Văn Đương bày tỏ sự lo lắng trước hàng loạt vấn đề bất cập như nợ công tăng cao, tham nhũng khó kiểm soát..

Sáng 24/3, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm vừa qua và 5 năm tới.

Coi trọng chống tham nhũng trong cơ quan Nhà nước

Nhấn mạnh đến tình hình nợ công, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) dẫn ra nhiều con số. Tổng nợ công tăng nhanh khi năm 2011 là 1,3 triệu tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại đã là 2,7 triệu tỷ với mức bội chi 250.000 tỷ mỗi năm...

Trong đó, nợ nước ngoài theo con số tuyệt đối hiện khoảng 80 tỷ USD (tương đương khoản 1,8 triệu tỷ đồng).

Nhắc đến thành tích xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới song chỉ thu về khoảng 3 tỷ USD, ông Đương nêu thực tế, người Việt cũng tiêu thụ hết số rượu bia tương đương. “Nghĩa là làm được bao nhiêu lúa gạo thì chuyển thành uống bia rượu hết”, vị đại biểu thường có lối ví von hài hước nói.

3 tỷ lít bia/năm

Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012 Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004.

Về vận hành bộ máy nhà nước, nhiều vấn đề về luật pháp chưa được điều chỉnh. Lương chi thường xuyên cho cán bộ khối hành chính tới 400.000 tỷ đồng/năm nên nguồn thu ngân sách không nuôi đủ bộ máy. Chủ trương tinh giảm biên chế tuy rất đúng nhưng xây dựng đề án, triển khai đều không đơn giản và tốn kém thời gian.

3 ty USD tieu thu bia anh 1

Đại biểu Đỗ Văn Đương.

Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Đương cho rằng, cần phải coi trọng chuyên môn và chuyên gia, trả lương cho đội ngũ này thật xứng đáng. Với cách chi trả như hiện nay, nguồn ngân sách có hạn nhưng số lượng người hưởng lương quá lớn khiến ai cũng thấy thiếu thốn, đói kém. Thực tế này lại dẫn tới nhũng nhiễu cũng như bình quân chủ nghĩa trong công việc.

Bên cạnh đó việc bổ nhiệm cán bộ, công chức không có tính cạnh tranh, coi trọng việc bổ nhiệm đội ngũ lãnh đạo. Rồi khi lãnh đạo có quyền lực rất dễ dẫn đến tham nhũng...

“Trong bộ máy nhà nước tham nhũng ghê lắm. Bất kỳ dự án nào nếu xem xét kỹ đều có bóng dáng của quan chức nhưng chưa có ai, có tổ chức nào dám đánh giá việc này? Các dự án cụm công nghiệp, các mỏ tài nguyên thiên nhiên, hãy kiểm tra xem có bóng dáng của quan chức cổ phần hay không?”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

Theo ông, để hạn chế tình trạng này cần xã hội hóa một số lĩnh vực, cái nào người dân làm được dứt khoát không để cơ quan nhà nước thực hiện. Còn nếu việc gì cũng dùng ngân sách nhà nước thì người dân không thể kham nổi. “Bốn ông nông dân nuôi một ông công chức thì thử hỏi quốc gia này sẽ đi đến đâu”, ông nói.

Ông đề nghị, trong thời gian tới nhất định phải coi trọng công tác chống tội phạm tham nhũng trong bộ máy công chức nhà nước. Đặc biệt phải xử lý có trọng điểm vào những người có chức có quyền còn nếu chỉ xử lý tham những vặt thì không giải quyết được tình hình.

Nguy cơ trắng tay ở vựa lúa miền Nam

Cũng trong phần phát biểu của mình, ông Đỗ Văn Đương bày tỏ lo ngại đối với việc phát triển nông nghiệp khi dự báo tình hình còn phụ thuộc vào thiên tai ở nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia phía thượng nguồn đồng loạt xây thủy điện gây ra cạn kiệt nguồn nước. Toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, năm nay thất thu hàng triệu tấn lúa. 

Đoàn TP HCM thống nhất đề xuất ngay tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội vào ngày 1/4 tới tại Quốc hội, Chính phủ cần báo cáo về biến đổi khí hậu và giải pháp, nhất là với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. 

"Nếu không dự báo chính xác và có tầm nhìn dài hạn để đầu tư phát triển bền vững vào vùng lúa này thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ thật sự trắng tay", ông nói.

Vị đại biểu hiện là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp cũng nhắc đến biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn... Tình trạng này buộc chúng ta phải phải đắp đê bao đồng loạt hoặc chuyển đổi cơ chế vật nuôi cây trồng từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu cho được giống lúa chịu mặn.

GS Võ Tòng Xuân: 'Mặn, hạn là cơ hội tái cơ cấu nông nghiệp'

Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định thảm họa mặn, hạn ở miền Tây có thể trở thành cơ hội để Việt Nam tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững.



Nguyễn Hưng

Bạn có thể quan tâm