Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Các nước đang băm nát dòng Mekong

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia Trần Văn Tuấn, thuộc Ban Thư ký, Ủy hội Sông Mekong (MRC) từ năm 2009 đến 2012, phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới thảm họa hạn, mặn tại miền Tây.

Trên các cánh đồng xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, hệ thống mương dẫn nước khô nứt nẻ, những ruộng lúa chết héo khô chỉ còn ít bông Ảnh: Lê Quân

Tính đến nay, 8/13 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long đã công bố thiên tai hạn mặn. Mực nước thượng nguồn song Mekong tụt xuống thấp kỷ lục trong vòng 90 năm qua.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy với ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, tổng lượng mưa trên toàn lưu vực thiếu hụt từ 20-50%. Ước tính khoảng 138.000 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại và hơn nửa triệu người lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.

Chuyên gia Trần Văn Tuấn đánh giá tình trạng hạn, mặn khủng khiếp tại đồng bằng sông Cửu Long là hậu quả của nhiều yếu tố đan xen.

- Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng hạn, mặn trầm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long là gì? Thời tiết đóng vai trò như thế nào?

- Với độ cao từ 1 đến 2 m so với mặt nước biển cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của xâm nhập mặn, đặc biệt vào mùa khô, khi nước ngọt từ sông Mekong đổ về không đủ để thau chua, rửa mặn.

Về cơ bản hạn hán luôn đi kèm với xâm nhập mặn và tác động trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân nơi đây, gây tổn thất mùa màng và thiếu nước.

Hạn hán và xâm nhập mặn xuất phát từ các vấn đề là nước biển dâng cộng thời tiết, nguồn nước từ Mekong và năng lực quản lý. 

Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại Việt Nam của Bộ Tài nguyên môi trường năm 2012, mực nước biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể dâng cao thêm 100 cm vào năm 2100.

Khi đó 40% diện tích khu vưc này sẽ bị nước mặn xâm nhập. Quá trình này đang âm thầm diễn ra khiến đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bên cạnh đó các hình thái cực đoan của thời tiết như nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít xảy ra không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở các nước thượng lưu sông Mekong, khiến cho tình hình trở nên càng nghiêm trọng.

Mưa ít và bốc hơi nước nhanh do nắng nóng đã làm cạn kiệt nguồn nước và giảm sút các mạch nước ngầm, qua đó làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn và thiếu thốn nước sinh hoạt hay nước cho canh tác nông nghiệp.

Hạn hán và xâm nhập mặn xuất phát từ vấn đề nước biển dâng cộng thời tiết, nguồn nước từ Mekong và năng lực quản lý.

Chuyên gia Trần Văn Tuấn

Đặc biệt sự giảm sút đáng kể nguồn nước ngọt đổ về từ sông Mekong thời gian qua cũng đang là một thách thức cho quá trình quản lý và kiểm soát xâm nhập mặn cho khu vực này.

Theo số liệu quan trắc của MRC, từ đầu năm đến nay, lưu lượng dòng chảy từ thượng lưu qua Kratie (Campuchia) bị giảm sút khoảng 45% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt dòng chảy từ Biển Hồ Tonle Sap năm nay hầu như không đóng góp gì cho hạ lưu (bình thường đóng góp 23 đến 30% dung lượng nước hạ lưu trong mùa khô).

nguyen nhan dan toi tham hoa han,  man tai dong bang song Cuu Long anh 1

Người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bơm chuyền nước từ kênh Trần Văn Dỗng lên các cánh đồng để cứu lúa đang bị hạn

Ảnh: Lê Quân.

- Vai trò của các con đập thủy điện tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đối với tình trạng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long như thế nào?

- Có thể nói do nhu cầu phát triển kinh tế của mình, các nước ven sông Mekong đang càng ngày can thiệp nhiều hơn và góp phần băm nát Mekong, vốn được coi là một trong hai dòng sông (sau sông Amazon) trên thế giới còn giữ lại cho mình ít nhiều sự hoang sơ vốn có.

Do cơ chế của MRC không đòi hỏi các nước thành viên phải đưa ra tham vấn các dự án can thiệp trên dòng nhánh, nên hầu như tất cả những vị trí có tiềm năng thủy điện trên các dòng nhánh của Mekong đã được đưa vào quy hoạch với con số 71 công trình, trong đó có nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào vận hành.

Trên các bậc thang của dòng chính, ở thượng nguồn (gọi là sông Lan Thương), Trung Quốc đã quy hoạch 20 đập thủy điện, và hiện tại 5 trong số đó đã hoàn thành, bao gồm các đập Cảnh Hồng (đang xả nước cứu hạn đồng bằng sông Cửu Long), Đại Triều Sơn, Mãn Loan, Tiểu Loan, và Cống Quả Kiều và 3 đập khác đang được xây dựng đó là Nọa Trát Độ, Cảm Lâm và Mãnh Tống.

Trong đó đập Tiểu Loan với công suất 4500 MW, chỉ xếp sau đập Tam Hiệp. Bên dưới hạ lưu, 11 con đập khác cũng đã được quy hoạch, trong đó 7 đập nằm trọn trong lãnh thổ Lào, 2 đập thuộc cả Lào và Thái Lan và 2 đập còn lại nằm trên đất của Camphuchia.

Hiện tại Lào sắp hoàn thành xây dựng đập Xayaburi và sắp triển khai xây dựng đập Donsahong bất chấp các quan ngại của các tổ chức bảo vệ sông ngòi và các cộng đồng ven sông của các nước hạ lưu.

Trong thực tế dòng chảy từ thượng lưu (sông Langcang) chỉ đóng góp từ 13% (vào mùa mưa) đến 16% (vào mùa khô) tổng lưu lượng nước sông Mekong.

Do nhu cầu phát triển kinh tế của mình, các nước ven sông Mekong đang càng ngày can thiệp nhiều hơn và góp phần băm nát Mekong.

Chuyên gia Trần Văn Tuấn

Do đó bên cạnh các nguyên nhân khách quan do thời tiết như lượng mưa thấp và quá trình bốc hơi nước tăng cao, việc thiếu hụt gần ½ lượng nước từ khu vực thượng lưu, nơi có hàng chục con đập đã được xây dựng trên dòng nhánh sông Mekong trong lãnh thổ Lào và Việt Nam cùng các công trình “chuyển nước” của Thái Lan cần được nghiên cứu chi tiết và rõ ràng hơn.

Vào mùa khô, nước chảy về ĐBSCL được đóng góp bởi 2 nguồn chính, đó là từ thượng nguồn, chảy qua Kratie, chiếm hơn 70% tổng và từ Biển Hồ, chiếm dưới 30% tổng lưu lượng. Hiện tượng cạn kiệt dòng chảy từ Biển Hồ trong thời gian qua có thể xem là bất thường và cần được quan tâm làm rõ.

nguyen nhan dan toi tham hoa han,  man tai dong bang song Cuu Long anh 2
Cuộc sống của người dân miền Tây đang rất khó khăn vì hạn, mặn Ảnh: Lê Quân

- Phương pháp nào để giải quyết tình trạng hạn mặn của Việt Nam? Các nước dọc sông Mekong cần có cơ chế hợp tác như thế nào?

- Do xác định đây là vấn đề không chỉ của năm nay hay chỉ của riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nên các giải pháp đưa ra cần mang tính đồng bộ và dài hạn. Có thể gợi ý một số giải pháp sau:

Đối với trong nước, đầu tiên là giải pháp phòng chống và giảm thiểu. Thứ nhất, cần tăng cường năng lưc quản lý ở cấp, ngành khác nhau để đảm bảo trách nhiệm, tính chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn trong xác định và giải quyết các vân đề liên quan.

Chia sẻ thông tin và hợp tác của các cơ quan, đơn vị khác nhau cần được nhìn nhận nghiêm túc hơn. Cần nhấn mạnh rằng các cơ quan chuyên môn nên chủ động hơn nữa trong vai trò việc nhận dạng và xử lý các vấn đề tương tự

Thứ hai, nâng cao vai trò của công tác quy hoạch sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng thoát lũ, chống hạn và ngăn mặn một cách chủ động.

Thứ ba, quy hoạch lại vùng sản xuất lúa gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu

Thứ tư, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo và hoàn thiện hệ thống quan trắc sông ngòi, có kết nối với các hệ thống của các nước vùng thượng lưu.

Về giải pháp thích ứng, thứ nhất là thay đổi cơ cấu, mùa mùa vụ hoặc chuyển đổi mô hình canh tác, sử dụng đất cho phù hợp với hoàn cảnh mới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Điển hình là việc chuyển đổi diện tích đất bị nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai là nâng cao năng lực thích ứng của người dân với các hình thái thời tiết cực đoan và tình trạng khan hiếm nước ngọt.

Đối với khu vực và quốc tế, đầu tiên các nước cần thúc đẩy triển khai và áp dụng trong thực tiễn các thủ tục quản lý tổng hợp tài nguyên nước như “Chia sẻ dữ liệu và thông tin” (PDIES), “Giám sát sử dụng nước” (PWUM), “Duy trì dòng chảy trên dòng chính” (PMFM)... giữa các nước thành viên MRC.

Thứ hai, phải đòi hỏi minh bạch hóa các thông tin vận hành các đập thủy điện cả trên dòng nhánh và dòng chính

Thứ ba, phải dòi hỏi các quốc gia thành viên thông báo rộng rãi và tham vấn đối với bất kỳ công trình chuyển nước trong và ra ngoài lưu vực Mekong.

Thứ tư, các cước cần có những phong trào mạnh mẽ của các tổ chức xã hội cùng tiếng nói quyết đoán hơn từ các cơ quan có trách nhiệm để dòng chính Mekong không xuất hiện thêm nhiều con đập khác

Và cuối cùng là các nước phải đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học liên quan đến sông Mekong nhằm tạo nên sự đồng thuận nhiều hơn cho việc bảo vệ dòng sông Mẹ.

Công trình thoát lũ đang cho tác dụng ngược

Theo Tiến sĩ Hồ Long Phi (Giám đốc Trung tâm Nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP HCM), không chỉ Việt Nam mà các nước thuộc lưu vực sông Mekong như Thái Lan, Lào, Campuchia cũng đang phải gánh chịu những hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu.

“Biến đổi khí hậu chiếm tới 60-70% nguyên nhân gây ra hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long. Dòng chảy càng lúc càng ít đi, tài nguyên nước càng trở nên khan hiếm”, ông Phi nói.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ)  cho rằng: “Chưa có ai đánh giá bao nhiêu phần trăm là do ông trời, bao nhiêu do con người. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng về giả thiết cả hai yêu tố này. Hạn mặn sẽ tiếp tục xảy ra liên tục đến tháng 5. Thuỷ triều lên cao, mặn sẽ càng vào sâu hơn nữa”.

Đồng bằng sông Cửu Long đã từng chứng kiến hiện tượng mực nước xuống khá thấp nhưng chưa năm nào nước mặn xâm nhập sâu như năm nay. Những vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ giác Long Xuyên ngày xưa là nơi chứa nước trong mùa mưa và xả xuống trong mùa khô để ngăn mặn xâm nhập.

Tuy nhiên, hệ thống bao chống mặn cùng với việc san lấp các hồ chứa nước làm cho khả năng điều tiết tự nhiên trở nên hạn chế. “Các công trình thoát lũ miền Tây đang cho thấy tác dụng ngược. Hiện nay, nó trở thành đường dẫn mặn vào sâu trong đất liền và gây thiệt hại nặng nề cho nông nghiệp”, ông Tuấn khẳng định.

 

Hiếu Trung - Hà Hương thực hiện

Bạn có thể quan tâm