Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân miền Tây điêu đứng vì hạn, mặn

Thảm họa hạn, mặn đang đẩy cuộc sống của người nông dân miền Tây vào tình cảnh điêu đứng, khổ sở chưa từng thấy. Nước mặn đang cuốn đi mọi tài sản và hi vọng của họ.

Những ngày này, một bầu không khí hoang mang, lo lắng đang bao trùm lên các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Bởi cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng khốn khó vì nắng hạn và xâm nhập mặn. Không chỉ lúa, hoa màu, cây ăn trái bị chết, mọi sinh hoạt trong từng gia đình bị đảo lộn do thiếu nước ngọt sinh hoạt.

Lội khắp ruộng 4.000 m2 (4 công) suốt buổi chiều 17/3, nông dân 48 tuổi Trần Văn Cường ở ấp 1, xã An Ngãi Trung (huyện Ba Tri, Bến Tre) mới tìm cắt được một bó lúa lá còn tươi để bò ăn. Hai tuần nay, ngày nào ông Cường cũng vạch từng bụi lúa chết để tìm lúa xanh như thế này vì ba con bò của gia đình thiếu rơm ăn.

nong dan mien tay dieu dung vi tham hoa han,  man anh 1
Ông Trần Văn Cường ở huyện Ba Tri (Bến Tre) kiếm suốt buổi chiều mới cắt được một bó lúa còn tươi cho bò ăn. Ảnh: Việt Tường.

Bò không thèm ăn lúa mặn 

"Sống nửa đời người nhưng chưa bao giờ tôi gặp hạn, mặn gay gắt như năm nay. Không riêng gia đình tôi, cả cánh đồng rộng hàng nghìn hecta từ xã này qua xã khác, lúa đang ngả màu vàng sang đỏ vì chết hết. Lúa nhiễm mặn chết khô đến bò còn không chịu ăn. Mà mua rơm thì tôi không có tiền vì còn phải mua nước ngọt cho chúng uống", ông Cường than thở.

Theo ông Cường, mỗi năm gia đình làm 3 vụ lúa. Hai vụ hè - thu và lấp vụ liền kề được khoảng 25 giạ lúa (500 kg)/công/vụ. Riêng lúa đông - xuân đang trên đồng như hiện nay được xem là vụ trúng nhất, đạt 750-800 kg/công. Thế nhưng, niềm hi vọng đầu năm của gia đình đã lụi tàn khi thiên tai lịch sử ập đến.

"Vụ đông - xuân này, bình quân mỗi năm tôi lời được khoảng 15 triệu đồng. Do đây là vụ trúng nhất năm nên gia đình vay mượn gần 8 triệu đồng để xuống giống, bón phân. Khi lúa được một tháng và đang xanh tốt thì nước mặn tràn đồng. Cứ tưởng mặn một hai ngày rồi hết nhưng ngày càng nghiêm trọng hơn khiến lúa chết hết. Giờ gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần, chẳng biết bao giờ có tiền trả", ông Cường tuyệt vọng.

Lúa chết, mất thu nhập, ông Cường chạy xuôi chạy ngược đi tìm việc phụ hồ nhưng một tháng chỉ làm được 1-2 lần với tiền công 120.000 đồng/ngày. Để có tiền mua gạo, người nông dân đã quen ruộng đồng phải hái những trái dừa còn sót lại trong vườn để mang ra chợ bán.

"Mỗi trái dừa bán chỉ được 3.000 đồng, 4 trái mới được 1 kg gạo nên việc ăn uống trong gia đình hiện nay vợ chồng tôi phải tính rất kỹ, không được phí phạm dù chỉ 500 đồng. Con trai đi học không được ăn sáng bên ngoài, phải ăn cơm nguội để lại từ chiều hôm trước", ông Cường ngậm ngùi.

nong dan mien tay dieu dung vi tham hoa han,  man anh 2
Lúa chết ở huyện Ba Tri (Bến Tre). Ảnh: Việt Tường.

Không riêng gì An Ngãi Trung mà ở các xã Tân Xuân, An Bình Tây, An Phú Trung, An Ngãi Tây, Tân Hưng, Bảo Thạnh… của huyện Ba Tri, lúa cũng chết đỏ đồng. Trong gần 19.000 ha lúa thiệt hại hoàn toàn ở Bến Tre thì Ba Tri chiếm hơn 50%. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri tổng hợp số liệu từ các xã báo về chưa đầy đủ đã lên đến 11.206 ha của khoảng 20.000 hộ.

Cuộc sống mặn đắng theo cây lúa chết

Ông Út Lâm ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) buồn bã thốt lên như thế khi cùng các thành viên gia đình vất vả cắt bỏ 5.000 m2 lúa trồng được 75 ngày. Quệt mồ hôi đầy trán, nông dân ngoài 50 tuổi nén tiếng thở dài, ngắt cọng lúa đưa vào miệng nhai để minh chứng cho việc nước mặn đã ngấm sâu vào thân cây.

"Nhai thân lúa mà mặn miệng thì bông làm sao trổ được. Bây giờ lúa chưa khô hết thì cắt mang về trộn với cỏ cho bò ăn tạm. Cho ăn toàn lúa thế này bò rát lưỡi lắm, nó chê", ông Lâm nói.

nong dan mien tay dieu dung vi tham hoa han,  man anh 3
Ông Út Lâm ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) "đau như cắt ruột" khi cắt bỏ ruộng lúa trồng 75 ngày để cho bò ăn tạm. Ảnh: Việt Tường.

Theo ông Lâm, đây là thửa ruộng duy nhất của gia đình, mỗi vụ được khoảng 100 giạ lúa, trừ chi phí lãi hơn chục triệu đồng để cả nhà 5 người sống 3 tháng tiếp theo. Vụ này gặp nước mặn, lúa mất trắng khiến gia đình ông điêu đứng vì mất thu nhập, không có tiền trả nợ.

"Mấy hôm nay đại lý vật tư nông nghiệp nhắc nợ tiền giống, phân bón nhưng lấy đâu mà trả. Rơm và nước cho bò cũng không có tiền mua, đi làm phụ hồ kiếm tiền cũng không được vì nước mặn không ai trộn xi măng để xây nhà", ông than thở, đôi mắt đỏ hoe, rơm rớm nước.

Bên kia cầu Cổ Chiên, nông dân huyện Châu Thành, Càng Long, TP Trà Vinh… của tỉnh Trà Vinh cũng đang chật vật phòng chống, khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn. Hiện, tỉnh này có 12.346 ha lúa của 18.332 hộ bị ảnh hưởng thiên tai. Nông dân các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Duyên Hải ven biển cũng bị thiệt hại nặng nề.

Nước mặn cuốn trôi tài sản

Dưới cái trưa nắng gắt, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bình ở xã Bình Phú (Càng Long, Trà Vinh) lom khom trên rẫy để hái những trái dưa leo cuối cùng mang về cải thiện bữa ăn. Rẫy dưa này anh nông dân 38 tuổi trồng trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Khi dưa đang ra hoa, kết trái, nước mặn từ sông Cổ Chiên theo các con rạch nhỏ tràn vào khiến chúng héo đọt, chết dần.

"Thấy dưa héo đọt, tôi bơm nước lên tưới nhưng càng tưới càng chết vì nước mặn. Không tưới nước mặn chúng cũng chết vì vùng này không còn nước ngọt", anh Bình kể. Mất trắng vụ dưa leo mà vợ chồng anh Bình từng dự kiến sẽ đạt 3 tấn/công, giờ anh lỗ hơn 5 triệu đồng tiền phân bón, hạt giống, ống tưới…

"Nước mặn ngấm vào đất thì phải mất thêm 3 tháng nữa, chờ mưa xuống mới có thể xuống giống loại hoa màu khác. Nước mặn đã lấy đi không biết bao nhiêu tiền bạc, tài sản của nông dân vùng này", anh Bình buồn bã.

nong dan mien tay dieu dung vi tham hoa han,  man anh 4
Rẫy dưa leo chết khô của anh Nguyễn Văn Bình ở huyện Càng Long, Trà Vinh. Ảnh: Việt Tường.

Cùng quan điểm với nông dân, ông Nguyễn Thành Tiến, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phú Phong 2 (xã Bình Phú) mô tả sống đã 60 năm tuổi, nhưng ông chưa bao giờ gặp cảnh nước mặn "cuốn" đi hi vọng, tài sản của người dân đã chắt chiu.

"Tôi thấy nông dân ít đất sản xuất mà trồng lúa thì thu nhập không bao nhiêu, gặp nước mặn như năm nay thì lỗ nặng. Bà con sợ nước mặn nên bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lên liếp trồng dừa, xen cây ăn trái hoặc hoa màu trên liếp", ông Tiến nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thu Sương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết diện tích lúa chết toàn tỉnh trên đồng với gần 19.000 ha. Ngành đang thống kê số cây ăn trái thiệt hại vì con số có thể tăng nhiều hơn so với các báo cáo trước đây (trên 510 ha hoa màu, 103.000 cây giống, gần 5.800 ha cây ăn quả).

"Xâm nhập mặn ảnh hưởng về lâu dài chứ không phải cái thiệt hại trước mắt mà mình đã thấy. Cây ăn trái bị ngập mặn sẽ giảm năng suất, chậm khôi phục trong những mùa sau”, lãnh đạo ngành nông nghiệp Bến Tre nói.

Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre đề nghị Trung ương có sự đánh giá toàn diện tình trạng xâm nhập mặn rất nghiêm trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, để điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng một cách phù hợp. Năm 2016, Bến Tre đề nghị Chính phủ chủ động đàm phán với các nước thượng nguồn sông Mekong trong việc khai thác hợp lý nguồn nước, hỗ trợ 450 tỷ đồng để tỉnh Bến Tre thực hiện các công trình khẩn cấp phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt, cung ứng nước sinh hoạt cho nhân dân (khoảng 200 tỷ đồng) và hỗ trợ nhân dân khắc phục thiên tai (khoảng 250 tỷ đồng).

Bến Tre đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép tỉnh chuyển phần diện tích đất trồng lúa bị nhiễm mặn sang các cây trồng khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phối hợp các bộ, ngành liên quan ưu tiên hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, phê duyệt danh mục, đàm phán ký kết hiệp định tín dụng và thực hiện Dự án đầu tư quản lý nước của tỉnh Bến Tre (vốn ODA của Tổ chức JICA Nhật Bản).

Với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bến Tre đề nghị nơi đây chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành lập và trình Chính phủ phê duyệt đề án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bớt hội họp để tập trung chống xâm nhập mặn

Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp giảm hội họp, huy động cả hệ thống chính trị để phòng, chống xâm nhập mặn. Địa phương này có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp cho vùng mặn.






Việt Tường

Bạn có thể quan tâm