Trước thông tin, Trung Quốc đồng ý bổ sung nước khẩn cấp cho sông Mekong, bằng cách tăng lưu lượng xả hồ thủy điện Cảnh Hồng đến 2.300 m3/s từ ngày 15/3 đến 10/4. Nhiều chuyên gia cho rằng với dung tích trữ nước hồ Cảnh Hồng có 294 triệu m3 thì sau 30h sẽ cạn hồ, trong khi nhu cầu Việt Nam là 134 ngày. Lượng nước như vậy chưa đủ để đồng bằng sông Cửu Long đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề hiện nay.
Chiều 16/3, ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã trao đổi với Zing.vn về vấn đề này.
Theo ông Hoài, Bộ NN&PTNT đã có những tính toán cụ thể trước khi đề nghị Trung Quốc xả hồ chứa nước thủy điện Cảnh Hồng. “Thủy điện Cảnh Hồng dù dung tích trữ nước không lớn nhưng đây là công trình gần với chúng ta nhất nên đề nghị họ xả nước từ đây. Trên hồ này, Trung Quốc còn rất nhiều hồ chứa nước khác và họ sẽ điều tiết nước từ các hồ tích nước phía trên để làm sao có nước xả đúng như đề nghị của mình”, ông Hoài khẳng định.
Các chuyên gia trong nước cũng lo ngại, một số nước thuộc hệ thống sông Mekong sẽ đón đợt xả nước từ hồ Cảnh Hồng khiến lưu lượng nước về đồng bằng sông Cửu Long là rất nhỏ. Vị lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi nhìn nhận, chưa có khẳng định chắc chắn các nước khác sẽ lấy nước từ nguồn xả này. Tổng cục Thủy lợi sẽ tiếp tục theo dõi các nước khác (như Lào, Thái Lan, Campuchia) xem họ có lấy nước hay không và sẽ có sự điều chỉnh từ việc trao đổi thường xuyên với các nước này.
“Theo sự tính toán của chúng tôi, với lưu lượng 2.300 m3/giây và thời gian xả như vậy thì sẽ giúp đồng bằng sông Cửu Long rất lớn trong vấn đề đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Trung Quốc cứ xả nước đúng như mình đề nghị là yên tâm”, ông Hoài nói.
Lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long chết do nhiễm mặn. Ảnh: Việt Tường |
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Cục Phòng chống Thiên tai, Tổng cục Thủy lợi cũng cho hay, Việt Nam đã có những tính toán chi tiết về lượng nước xả. Với lượng nước xả như trên sẽ giải quyết được hạn hán và đẩy lùi được tình trạng xâm nhập mặn đang xảy ra nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, qua con đường ngoại giao, Bộ NN&PTNT đã gửi đề nghị Trung Quốc xả nước ở hồ thủy điện Cảnh Hồng từ tháng 3 - 8/2016. Trong đó từ tháng 3 - 5, Việt Nam đề nghị có 6 đợt xả (gồm các ngày: 7/3; 21/3; 5/4; 20/4; 4/5; 19/5), mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300m3/s.
Ngoài các đợt xả trên, Việt Nam đề nghị Trung Quốc vận hành liên tục tối thiểu 40 - 60% số tổ máy. Từ tháng 6 - 8, Việt Nam đề nghị xả liên tục và theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740 – 2.890m3/s để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ NN&PTNT cho biết, các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, một số khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục 100 năm lại đây.