Tác giả Ota Toshimasa là một nhà báo người Nhật nổi tiếng chuyên viết về đề tài giáo dục và nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, Ota Toshimasa cũng có nhiều bài viết được đăng tải trên các báo, tạp chí về sự phối hợp giữa vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. Tác phẩm 3 phút cho một ông bố bận rộn cũng nằm trong chủ đề chung đó.
Cuốn sách 3 phút cho ông bố bận rộn của tác giả Ota Toshimasa. |
Không ít phụ huynh thắc mắc làm thế nào để họ có thể tạo ra được vài phút mỗi ngày để chơi với con, cùng con phát triển các kỹ năng, nuôi dưỡng tình cha - con trong gia đình? Cuốn sách 3 phút nuôi dạy con của tác giả người Nhật sẽ giúp bạn đọc giải pháp mọi thắc mắc.
Trong khoảng thời gian 1.440 phút mỗi ngày, bạn chỉ cần dành ra 3 phút để hiểu, nắm bắt tâm lý, chơi đùa cùng con, các ông bố sẽ cảm nhận được tác dụng của tác phẩm 3 phút nuôi dạy con mang lại.
Với dung lượng hơn 200 trang, sách được chia làm 5 phần. Phần 1 chỉ dành riêng cho những ông bố suốt ngày bận rộn. Nội dung đi sâu vào việc giải thích cách người cha nên quan tâm, gần gũi, chăm sóc con cái như thế nào để trong thời gian ngắn có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.
Sang phần 2, Ota Toshimasa chỉ ra rằng không có thời gian gần gũi cùng con, bố và mẹ sẽ không thấy được những mặt khác của trẻ. Tiếp đó, tác giả đi sâu vào việc giải thích, chứng minh rằng tại sao chỉ qua những cuộc trò chuyện diễn ra trong vòng vài giây đã có thể khiến con luôn ôm giữ hình ảnh của bố.
Tác giả người Nhật đã đưa một số cụm từ “bảo bối” giúp các ông bố gần gũi con như: “Mỗi ngày được nhìn thấy con, bố vui lắm”; “Con là báu vật của bố”; “Ý tưởng của con hay lắm”; “Con tìm hiểu rồi dạy lại cho bố nhé”, “Có bố ở đây là không sao hết”… Việc này cũng liên quan đến việc lý giải sự trưởng thành về mặt tâm hồn con trẻ.
Cha mẹ dành thời gian chơi cùng con mỗi ngày sẽ giúp con trưởng thành về thể chất lẫn tâm hồn. Ảnh minh họa. |
Ở phần 3 với tựa đề Chỉ 3 phút cũng vui, tác giả chỉ ra những trò chơi chính là cách rèn luyện sự tự chủ của con. Trong phần này, nhà báo người Nhật đã giới thiệu một số “bảo bối hành động” đơn giản mà hiệu quả như: đấu kiếm bằng giấy basoi, bịt mắt đi trong mê cung, leo lên người bố… để có thể nuôi trẻ khỏe mạnh về thể chất lẫn tâm hồn.
Đến với phần 4, bạn đọc được hướng dẫn các thủ thuật tạo ra quãng thời gian 3 phút mỗi ngày dành cho con. Phần cuối nội dung xoay quanh những tâm sự của các ông bố, phần nhiều liên quan đến mối quan hệ với vợ; sự phối hợp với vợ trong việc nuôi dạy con.
Xuyên suốt nội dung, tác giả luôn nhấn mạnh với bạn đọc chính nhờ sự khác nhau về giá trị sống của bố mẹ mà con trẻ mở rộng sự hiểu biết, hình thành nên cá tính của riêng mình.
“Thời gian thực ra cũng uyển chuyển như nước. Nếu biết học cách sử dụng thời gian dành cho gia đình một cách có ý nghĩa thì bạn sẽ không còn bị công việc chi phối nữa, vì dù thời gian có hạn hẹp thì trong quãng thời gian hạn hẹp đó, bạn và cả gia đình vẫn có thể biến nó thành một quãng thời gian thực sự có ý nghĩa để ai cũng cảm thấy hài lòng”.