Bán đảo Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký một hiệp ước với các nhà lãnh đạo Crimea tại Moscow hôm 18/3. Sau đó ông Sergei Aksyonov, Thủ tướng Crimea, kêu gọi Điện Kremlin đưa binh sĩ vào sâu hơn trong lãnh thổ Ukraina để bảo vệ người Nga.
"Sự lên ngôi của chủ nghĩa yêu nước mà chúng ta đang chứng kiến tại Crimea và Nga sẽ lan sâu hơn về phía đông nam Ukraina. Những người Nga ở đó đang nhìn về phía chúng ta. Họ hy vọng chúng ta sẽ ủng hộ và giúp họ", ông khẳng định.
Một số báo đưa tin các điệp viên Nga đã xâm nhập vào Transdniestria, một vùng ly khai tại Moldova và giáp ranh với Ukraina. Giới lãnh đạo Transdniestria đã kêu gọi Nga xem xét yêu cầu sáp nhập của họ.
Trước những diễn biến ấy, giới lãnh đạo Latvia, Lithuania, Estonia - những nước vùng Baltic từng thuộc Liên Xô cũ, lo ngại một kịch bản tương tự có thể xảy ra trên lãnh thổ của họ.
Phó tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Andris Berzins của Latvia và nữ Tổng thống Dalia Grybauskaite của Lithuania Vilnius, thủ đô của Lithuania, hôm 19/3. Ảnh: Reuters |
Nữ tổng thống Dalia Grybauskaite của Lithuania cảnh báo rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cho thấy Moscow "dùng vũ lực để vẽ lại bản đồ châu Âu", APđưa tin.
"Sự kiện đó là một mối đe dọa trực tiếp tới an ninh khu vực của chúng tôi", bà nói.
Rosen Plevneliev, Tổng thống Bulgaria, cũng bày tỏ sự lo ngại khi ông đang công du tại London.
"Lithuania sẽ thế nào? Estonia sẽ ra sao? Cộng đồng người Nga và nhiều dân tộc thiểu số cũng sống ở hai nước đó. Nếu họ kêu gọi Nga, lẽ nào Moscow sẽ đưa quân sang để chiếm và sáp nhập một phần lãnh thổ của hai nước? Viễn cảnh ấy có thể xảy ra trong thế kỷ 21 không?", Plevneliev nói.
Tuy nhiên, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington sẽ bảo vệ mọi thành viên của NATO nếu xung đột nổ ra.
"Chúng tôi sẽ ở bên các bạn. Nga không thể phủ nhận một thực tế rằng thế giới đang thay đổi và cộng đồng quốc tế phản đối hành động ngang nhiên của họ", ông Biden phát biểu tại Vilnius, thủ đô của Lithuania, hôm 19/3.