Hôm 18/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hiệp ước để biến Crimea trở thành một phần lãnh thổ Nga. Bán đảo với khoảng hai triệu dân lại trở về với Nga sau khi tách khỏi Liên Xô vào năm 1954.
Một binh sĩ Ukraina canh gác trên xe bọc thép gần làng Salkovo thuộc vùng Kherson hôm 18/3. Kherson là khu vực tiếp giáp với bán đảo Crimea. Ảnh: Reuters |
Trước đó chính quyền Crimea thông báo họ sẽ tịch thu các tài sản của Ukraina, - bao gồm nhiều ngân hàng và các giàn khoan dầu, khí đốt - trên bán đảo. Quyền Bộ trưởng Tư Pháp Ukraina, ông Pavlo Petrenko, nói rằng đây là hành động phi pháp, đồng thời cảnh báo Nga sẽ hứng chịu hậu quả nếu họ ủng hộ chủ trương này của Crimea, AFP đưa tin.
"Nếu Liên bang Nga chính thức công nhận những hành động ấy, Ukraina có quyền thực hiện những biện pháp tương ứng để đền bù những tổn thất. Chúng tôi sẽ quốc hữu hóa những tài sản của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraina và các quốc gia khác. Chúng tôi sẽ thực hiện quá trình tịch thu tài sản theo luật pháp Ukraina và luật pháp quốc tế", ông Petrenko tuyên bố.
Petreonko không nêu cụ thể những tài sản mà Kiev có thể tịch thu, cũng không nói cách thức mà Ukraina sẽ tịch thu tài sản của Nga ở các nước khác.
Gazprom, tập đoàn khí đốt thuộc sở hữu của chính phủ Nga, có hệ thống đường ống đồ sộ qua lãnh thổ Ukraina để cung cấp khí đốt cho các nước ở Nam Âu và Tây Âu. Các loại tài sản đáng giá khác của Nga tại Ukraina bao gồm hệ thống chi nhánh của ngân hàng Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước Nga và lớn thứ ba tại châu Âu.
Liga.net - một trang tin độc lập tại Ukraina - cho hay, Petrenko từng nói với các phóng viên rằng Kiev đang xem xét khả năng quốc hữu hóa các đường ống dẫn khí đốt của Gazprom nếu Crimea tịch thu tài sản của Ukraina.