Theo trang The Daily Beast, giới chức phương Tây tin Nga đang ngầm xâm chiếm Ukraina, chứ không chỉ đưa lực lượng quân sự tới khu vực biên giới của Ukraina. Theo họ, lực lượng đặc biệt của Nga không chỉ tác động vào cuộc trưng cầu dân ý ở bán đảo tự trị Crimea, mà còn đang âm thầm kích động căng thẳng ở những khu vực khác của Ukraina.
Tuần trước, Cơ quan An ninh Ukraina (SBU) bắt một nhóm người vì họ dò xét 3 sư đoàn quân đội trọng yếu nhất tại thành phố Kherson ở miền nam Ukraina. Ở thành phố Donetsk, miền đông Ukraina, những phóng viên phương Tây nói những người Nga tấn công những người Ukraina tổ chức biểu tình phản đối Moscow.
Những người đeo mặt nạ cầm cờ Nga chặn bên ngoài tòa nhà Công đoàn, thành phố Semferopol, Crimea, ngày 1/3. Ảnh: AFP |
Theo các quan chức Mỹ, lực lượng đứng đằng sau các hành động này có thể là Spetsnaz - lực lượng được đào tạo chuyên sâu để gây rối, làm gián điệp và các nhiệm vụ đặc biệt khác. Washington tin rằng Spetsnaz có khả năng tác động tới tình hình của Ukraina mà không cần mang biểu tượng cờ Nga trên đồng phục.
Tình báo Mỹ ước tính số lượng thành viên Spetsnaz đổ vào Ukraina ngày càng tăng, nhưng họ không biết con số chính xác.
Tình tình hiện nay của Ukraina biến chuyển liên tục. Tin tức tình báo từ Ukraina không thực sự đầy đủ. Phần lớn các nhà phân tích cho rằng, chỉ tổng thống Nga Putin và một nhóm cố vấn quyết định những hành động ở bán đảo Crimea.
Một cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ và chống Nga trên bán đảo Crimea vào tháng 2. Ảnh: AP |
Ở Ukraina, sự hoài nghi về vai trò của Spetsnaz bao trùm khắp nơi, dù dư luận không có bằng chứng xác thực. Nhưng sự can thiệp của lực lượng đặc biệt, nếu có, cũng không phải là điều bất ngờ.
Nhiều cựu binh từng tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ cũ tại Kiev là cựu binh. Họ từng đứng trong hàng ngũ Liên Xô trong cuộc chiến ở Afghanistan - khi Ukraina vẫn là một phần của Liên Xô. 25 năm trước, lính Nga và lính Ukraina cùng chiến đấu bên nhau ở Afghanistan. Cựu binh Ukraina có thể quan sát và hiểu các chiến thuật mà Nga đang áp dụng để đối phó với họ ngày nay.
Trong hai tuần qua, Oleg Mikhnyuk, thủ lĩnh của nhóm cựu binh tự gọi là Afghan Hundred, đã nhận những thông tin từ miền nam và miền đông Ukraina về “sự hiện diện bí ẩn của người Nga” trên lãnh thổ Ukraina.
"Hồi đầu tháng 3, họ chỉ là những người mặc áo xanh và lái những chiếc xe bọc thép khắp Crimea. Hiện nay họ đã chính thức xâm chiếm, vì Kherson chắc chắn nằm ngoài phạm vi Hạm đội Biển đen phụ trách”, Mikhnyuk lập luận.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Ukraina tuyên bố sự xâm chiếm của Nga đã vượt ra ngoài bán đảo Crimea, và bộ ngoại giao Ukraina yêu cầu lực lượng quân sự Nga rút ngay khỏi lãnh thổ Ukraina.
Dân trong làng Strelkovoye - cách biên giới phía bắc của khu tự trị Crimea 8 km - từng phàn nàn với các cựu binh về việc trực thăng quân đội Nga lượn quanh vùng Kherson. Sáng ngày 15/3, khoảng 50 lính vũ trang đã chiếm giữ một cây xăng của làng.
“Nhưng lực lượng của chúng tôi nhanh chóng phản ứng và đẩy họ ra khỏi lãnh thổ”, Mikhnyuk nói.
Petr Mekhed, một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Ukraina, thông báo rằng “Bộ Ngoại giao đã nhận thông tin về hành động xâm lược và Bộ Quốc phòng không thể xác nhận thông tin này”.
Nhóm vũ trang không rõ danh tính đi tuần bên ngoài sân bay quốc tế Simferopol, Crimea ngày 28/2. Ảnh: CNN |
Trong lúc đó, các báo liên tục đưa tin về việc “những người đàn ông có vũ khí không rõ danh tính” bắt cóc các nhà hoạt động xã hội người Ukraina. Thậm chí các hoạt động phản đối Nga cũng bị hoài nghi là chiêu của gián điệp Nga. Khoảng 8h tối hôm 15/3, hơn 10 người đeo mặt nạ có vũ trang xông vào khách sạn Moskva ở thành phố Symferopol của Cộng hòa tự trị Crimea. Nhóm người yêu cầu khách ở yên trong phòng rồi lục soát khách sạn.
Jamie Dettmer, phóng viên của The Daily Beast tại hiện trường, đoán đó là lực lượng Spetsnaz.
“Ban đầu họ nói đây là một cuộc diễn tập chống khủng bố. Sau đó họ nói sai lầm do tin báo nhầm. Họ rất hung hăng, cầm theo súng tự động có bộ phận giảm thanh, và dùng chuôi báng súng đập một người quay phim. Có lẽ đấy là một cuộc diễn tập hăm dọa. Chúng tôi cũng chẳng biết nữa”, Dettmer kể.
Rất ít chính khách ở Kiev hoài nghi kết quả của cuộc trưng cần dân ý diễn ra vào ngày 16/3 sẽ đưa Crimea về với Nga. Câu hỏi tiếp theo là: Liệu Nga sẽ sử dụng lực lượng quân sự công khai để đối đầu với các căn cứ quân sự của Ukraina bên ngoài bán đảo Crimea hay không? Với sự hiện diện của Spetsnaz, câu trả lời có thể là "không".