Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Crimea chính thức trở thành lãnh thổ của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đại diện Crimea vừa ký kết hiệp ước sáp nhập bán đảo tự trị Crimea vào Liên bang Nga hôm 18/3.

Ông Putin phê chuẩn văn bản có ý nghĩa lịch sử với Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov và các nhà lãnh đạo khác tại Điện Kremlin hôm 18/3.

Ngay sau đó, đại diện Điện Kremlin tuyên bố: "Cộng hòa Crimea chính thức là một phần của Nga kể từ ngày ký hiệp ước".

Lễ ký diễn ra ngay sau bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Putin trước quốc hội. Theo AP, mở đầu bài phát biểu, ông Putin nói đây sẽ là thông điệp mang tính lịch sử. Ông nhấn mạnh Crimea và Sevastopol là niềm tự hào của nước Nga. Theo ông, Crimea là một phần không thể tách rời với Nga. 

"Chúng ta không thể bỏ rơi người dân Crimea. Một hành động như vậy là sự phản bội", ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu điện Kremlin khẳng định cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là sự kiện có ý nghĩa lịch sử.

Ông Putin cho rằng phương Tây cáo buộc Nga vi phạm các điều lệ luật pháp quốc tế nhưng Moscow vẫn chưa dùng đến quyền sử dụng quân đội. "Chúng ta chưa hề sử dụng lực lượng vũ trang. Nga đã tăng cường các nhóm chiến đấu, nhưng quân số vẫn chưa vượt quá 25.000", nhà lãnh đạo Nga quả quyết.

Tổng thống Nga nhấn mạnh hành động của Crimea cũng tương tự như việc Ukraina tuyên bố độc lập khỏi Liên bang Xô viết vào năm 1991.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Sergei Aksyonov của Crimea (ngoài cùng, bên trái), chủ tịch nghị viện Crimea, ông Vladimir Konstantinov (người thứ hai từ bên trái) và thị trưởng Alexei Chaliy của thành phố Sevastopol bắt tay nhau sau khi ký hiệp ước nhằm sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga tại thành phố Moscow hôm 18/3. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi lễ ký hiệp ước diễn ra, Ukraina và nhiều nước phương Tây đã lên tiếng phản đối.

"Việc ông Putin ký hiệp ước để Crimea gia nhập Liên bang Nga hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế hoặc nền dân chủ hay hiểu biết thông thường. Hành động của Putin là minh chứng rõ ràng cho mối đe dọa mà Nga tạo ra đối với an ninh quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraina, ông Evhen Perebynis, cho hay.

Phó tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ trích hành động của Nga và gọi sự "can thiệp vào bán đảo Crimea của Ukraina là hành vi chiếm đất".

Anh quyết định ngừng mọi hợp tác quân sự với Nga để phản đối quyết định của Moscow. Cuộc tập trận hải quân chung giữa Pháp, Nga, Anh và Mỹ, cũng như đề xuất tàu của hải quân Hoàng gia Anh tới thăm St. Petersburg có thể sẽ không diễn ra.

Ông Hague nhấn mạnh, London sẽ tăng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong cuộc họp của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tuần này.

Crimea là phần lãnh thổ mà Nga chuyển giao cho Ukraina dưới thời Liên bang Xô viết năm 1954. Phần lớn dân số trên bán đảo Crimea là người dân tộc Nga. Những người ủng hộ Moscow ở Crimea phế truất chính quyền cũ để lập ra bộ máy lãnh đạo mới sau khi phe đối lập lật đổ Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3 cho thấy phần lớn người dân Crimea muốn bán đảo trở lại Liên bang Nga.

Hôm 17/3, Tổng thống Putin ký lệnh công nhận Crimea là một nhà nước có chủ quyền, thể theo nguyện vọng của hơn 1,5 triệu dân trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra một ngày trước đó.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm