Chiều 18/8, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 4 (Higos) đang cách quần đảo Hoàng Sa 570 km về phía đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Bão được nhận định sẽ tăng cấp trong những giờ tới với sức gió mạnh nhất là cấp 9, giật cấp 11, ngay trước thời điểm bão đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc). Hoàn lưu bão gây ra mưa lớn cho miền Bắc nước ta vào ngày 21-23/8.
Thách thức cho việc ứng phó bão
Tại cuộc họp ứng phó với bão cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đặc điểm của bão số 4 kèm theo những điều kiện khác trên đất liền khiến mưa lũ tại Bắc Bộ diễn biến phức tạp những ngày tới. Công tác ứng phó với bão lần này có nhiều thách thức.
Thứ nhất, bão vẫn chưa vào đất liền nhưng mưa lớn đã xuất hiện tại miền Bắc trong nhiều ngày kèm theo lũ quét, sạt lở ở nhiều địa phương. Tổng hợp lượng mưa những ngày qua, có nơi ghi nhận trên 500 mm và mưa còn tiếp những ngày tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định các nguy cơ của đợt mưa sắp tới tại Bắc Bộ do hoàn lưu bão số 4 gây ra. Ảnh: Mỹ Hà. |
Thứ hai, bão ít khả năng đổ bộ vào Việt Nam nhưng chắc chắn các hình thái suy yếu từ bão (áp thấp nhiệt đới và vùng áp thấp) sẽ tiếp tục di chuyển lên biên giới phía Bắc, gây ra mưa rất lớn ở miền núi Bắc Bộ.
"Kinh nghiệm cho thấy những cơn bão quét qua biên giới phía Bắc sẽ gây mưa rất lớn, thậm chí còn lớn hơn so với bão đổ bộ trực tiếp", Thứ trưởng Hiệp nói và cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến hoàn lưu bão Higos.
Thứ ba, Sơn La vừa trải qua 2 trận động đất cường độ mạnh gây ra nhiều dư chấn. Đây là yếu tố cần được phân tích kỹ khi động đất nhiều khiến nền đất yếu đi, trong khi khu vực cũng là trọng tâm của đợt mưa lũ sắp tới.
Dựa vào các yếu tố trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 gây ra trong các ngày 21-23/8 rất đáng lo ngại khi ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện và tổ hợp thời tiết cực đoan.
Do đó, ông đề nghị các địa phương nhanh chóng lên phương án ứng phó, không chỉ riêng cho những ngày mưa cao điểm mà còn phải có thêm phương án cho "lũ đợt sau" khi lượng nước trên thượng nguồn có thể đổ về sau thời điểm mưa lớn diễn ra.
Bài toán cho hồ chứa ở thủy điện Sơn La
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão Higos đi theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20 km/h và có khả năng mạnh thêm. Chiều 19/8, tâm bão nằm ngay trên bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió cấp 9, giật cấp 11.
Ngay khi đổ bộ đất liền phía nam tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc), chiều 20/8 bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi tiếp tục suy yếu.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định bão không có khả năng đổ bộ vào đất liền nước ta nhưng hoàn lưu bão và sau bão có thể gây ra đợt mưa lớn đáng lo ngại cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Mưa kéo dài trong các ngày 21-23/8, tập trung tại các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc.
Dự báo đường đi của bão số 4 và vùng ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão những ngày tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. |
Ông Lâm cho biết thêm vào ngày 21/8, mưa lớn xuất hiện có thể khiến lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ chứa ở thủy điện Sơn La lên tới 8.000 m3/s. Theo kịch bản này, mực nước hồ sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ.
Dẫn lại số liệu ông Lâm đưa ra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng số liệu 8.000 m3/s là kịch bản cực đoan nhất bởi đã tính đến yếu tố thượng nguồn là mưa lũ ở Trung Quốc đổ về. Trong khi đó, lượng nước xả ra tối đa là 3.000 m3/s. Vì thế, cần được tính toán kỹ để vừa đảm bảo đủ nước phát điện, vừa đảm bảo an toàn cho người dân và vừa dự trữ lượng nước những tháng cuối năm khi mưa lũ ở miền Bắc kết thúc.
"Mục tiêu tiên quyết của các biện pháp ứng phó hiện nay là đảm bảo an toàn cho đồng thời nhà máy thủy điện, hạ du, sông Đà và cho Hà Nội", ông Hiệp nhấn mạnh.
Chiều 18/8, Bộ trưởng NN&PTNT tiếp tục họp cùng nhiều chuyên gia để nghe cố vấn các giải pháp cho hồ chứa ở thủy điện Sơn La.