22 ngân hàng chưa thu phí nội mạng ATM từ 1/3
Thời điểm này, đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí ATM, trong đó 2 đơn vị được thu dưới trần, 10 kịch trần 1.000 đồng và số còn lại miễn phí rút tiền nội mạng.
Tại buổi gặp mặt đầu năm của Hiệp hội thẻ Việt Nam sáng nay, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng vụ Thanh toán - cho biết, khi áp dụng thu phí ATM, chất lượng phục vụ cũng sẽ được nâng cao. “Hy vọng sau ngày 1/3, chất lượng dịch vụ sẽ được nâng lên, đồng thời hạn chế tối đa việc mất tiền qua ATM”, lãnh đạo này nói thêm về chất lượng ATM “hậu” thu phí. Dẫn chứng về việc thu phí bảo trì đường bộ, ông Tiên hàm ý, không thể khẳng định sau khi bảo trì thì đường bớt tắc, tai nạn giảm, do đó không thể nói sau khi thu phí sẽ đảm bảo 100% không còn trục trặc trong giao dịch vì nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan.
Bổ sung về chất lượng ATM “hậu” thu phí, ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội thẻ cho biết, mục tiêu của ngân hàng là chăm sóc khách hàng tốt nhất. “Có thu hay không chất lượng chúng tôi vẫn phải đảm bảo, không phải vì thu mà chất lượng tốt hơn. Kinh doanh có cạnh tranh, nếu kém hơn thì khách chạy sang ngân hàng khác”, ông Tuân nói. Vấn đề hiện nay, mục đích ATM chỉ cho rút tiền thiếu hụt nhưng ở Việt Nam, ATM là kênh phân phối lương, tiền mặt. Việc “thích” tiền mặt hơn so với các kênh thanh toán khác đúng là đang tồn tại trên thị trường, ông khẳng định. Về chi phí, mỗi lần giao dịch, tổng chi phí từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng, dự thu của riêng Vietcombank, thu được phí kỳ này thì giảm gần 1.000 đồng. Nếu tính trên mặt bằng 7.000 đồng, ngân hàng vẫn bị lỗ 6.000 đồng.
Đến thời điểm này, ông Bùi Quang Tiên cho biết đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí và báo cáo về Ngân hàng Nhà nước. Có 2 đơn vị quy định dưới mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, chỉ 200 đồng đến 500 đồng/giao dịch, 10 ngân hàng quy định 1.000 đồng, số còn lại (22 ngân hàng) miễn phí. Trong Thông tư 35 cũng nêu rõ trong năm 2013 mức phí quy định là 0-1.000 đồng, tùy thuộc năng lực tài chính, chiến lược phát triển của các ngân hàng. “Không phải ngân hàng nào cũng thu phí ATM như các loại phí khác”, đại diện vụ Thanh toán cho biết và nói thêm, nếu tách bạch thu ít tiền, được không bao nhiêu.
Cái lợi của các ngân hàng thương mại khi thu phí ATM là hình ảnh được tương đồng với các nước trong khu vực và trên thế giới. “Hành động chúng ta đang làm thuộc về lịch sử, sản phẩm đang làm thuộc về thời đại, nếu không làm sẽ tụt hậu”, ông nhấn mạnh.
Còn trên thực tế, để vận hành hệ thống ATM với mức thu hiện nay, mỗi tháng, có ngân hàng lỗ 22 tỷ đồng, ông Tiên cho biết.
Kế hoạch đưa ra, đến 2015, số lượng máy POS trên cả nước sẽ là 250.000 so với con số 104.000 điểm hiện nay. Người đứng đầu vụ Thanh toán cũng đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo bắt buộc lắp đặt POS tại các nhà hàng, trung tâm thương mại, còn Bộ Tài chính miễn giảm thuế để kích thích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Lan Anh
Theo Infonet