Nếu đánh giá năm 2015 ở góc độ cảm xúc, “sợ hãi” hoặc “bất an” là cảm xúc chủ đạo của thế giới. Ngày khởi đầu năm mới 2015 chắc sẽ không phải là ngày 1/1 với những màn pháo hoa, tiệc tùng, hân hoan chúc tụng mà là ngày 7/1.
Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã khởi đầu năm 2015 bằng sự kiện tấn công táo tợn vào toà soạn báo Charlie Hebdo và theo ngay sau đó là các vụ tấn công vào những mục tiêu khác ở Paris.
Annus horibilis, năm của sự sợ hãi
Lần đầu tiên sau New York, Moscow, Madrid hay London, chủ nghĩa khủng bố đã có thể gieo rắc nỗi sợ hãi ở Paris, nơi các giá trị khai sáng của nhân loại một thời đã đẩy lùi những u tối, sợ hãi của đêm trường trung cổ.
Cả thế giới bàng hoàng và thoáng nhận thấy sự sợ hãi trong ánh mắt thất thần của những người thoát khỏi lưỡi hái tử thần ở toà soạn Charlie Hebdo, của thường dân Paris thanh bình nay phải đối mặt với nguy cơ khủng bố.
Người ta cũng thoáng thấy sự bàng hoàng bất an trong những giây phút câm nín của các nhà lãnh đạo nước Pháp và châu Âu trước khi tìm được những ngôn từ phù hợp cho bối cảnh.
Năm 2015, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, ở góc độ nào đó, đã thành công khi gieo rắc nỗi sợ hãi đến khắp nơi trên thế giới, từ Paris tới Iraq, Syria, Lebanon, Algeria, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập... rồi quay trở lại Paris vào ngày 13/11.
Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan dường như đang muốn chứng minh rằng không một cường quốc, quân đội hùng mạnh nào có thể ngăn chặn được nỗi sợ hãi mà chúng muốn gieo rắc. Sự lo sợ có thể thấy trong nước mắt của những người Nga có người thân thiệt mạng trong vụ máy bay rơi tại Ai Cập, trong sự bàng hoàng, bất an của người Mỹ sau vụ xả súng ở San Bernadino và trong những ngày cuối năm này, cảm giác bất an vẫn ám ảnh khi mà lễ Noel trong các nhà thờ ở Paris có cảm giác vắng lặng hơn.
Đe doạ tan rã của EU
“Sợ hãi” cũng là từ ngữ gắn với Liên minh châu Âu (EU) khi họ phải đối mặt với làn sóng nhập cư lớn nhất sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. EU, một “pháo đài của ổn định, hoà bình, thịnh vượng”, là “ngôi nhà toả sáng trên đỉnh đồi” với các giá trị nhân văn tự nó trở thành đích đến của những cư dân khốn cùng từ châu Phi, Trung Đông, Đông Âu và châu Á.
Nhưng nghịch lý là EU không thể giang tay đón tất cả bởi không chỉ nguồn lực không đủ để làm điều đó mà còn bởi vì nỗi sợ của người châu Âu. Họ sợ EU sẽ không còn là pháo đài của riêng họ, sợ ngôi nhà của họ sẽ không toả sáng được. Nhiều người sợ phải chia sẻ sự ấm no, tự do, thịnh vượng với người nhập cư khi chính những người này đang phải trốn chạy cơn ác mộng đang ám ảnh họ ở quê nhà.
“Sợ hãi” còn là trạng thái kinh tế - tài chính ở hai đầu của đại lục Á – Âu. Ở đầu phía tây, khủng hoảng nợ công kéo theo khủng hoảng kinh tế - tài chính ở Hy Lạp đã là căn bệnh kéo dài nhiều năm. Điều này buộc Liên minh châu Âu (EU) phải can thiệp mạnh mẽ, trước nguy cơ không chỉ Hy Lạp mà một loạt thành viên khác của khu vực đồng Euro vỡ nợ. Thậm chí, kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi khối) hoặc Brexit (Anh rời khỏi EU) có những thời điểm trong năm trở thành câu chuyện thời sự.
Không chỉ EU mà cả thế giới đều lo sợ trước kịch bản “đốm lửa thiêu rừng” nếu như Hy Lạp không vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình. Điều này cho thấy mô hình liên kết, hội nhập châu Âu mà hiện thân là EU đang ở trong chu kỳ khủng hoảng mới, gây ra những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, thử thách các thiết chế, cơ cấu mà liên minh này đã xây dựng.
“Bóng ma khủng hoảng” Trung Quốc
Nhưng dù sao Hy Lạp cũng chỉ là một “đốm lửa”. Giữa lúc châu Âu và thế giới đang lo sợ cho Hy Lạp thì tỷ phú George Soros lại cảnh báo điểm khởi đầu khác của bóng ma khủng hoảng kinh tế thế giới: Trung Quốc. Ở phần đông của lục địa Á - Âu, “khủng hoảng” đã chạm cửa Trung Quốc, đất nước từng được biết đến với hơn 3 thập kỷ phát triển nhanh chóng về kinh tế. Và khủng hoảng đã làm bộc lộ ra những điểm yếu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thế giới đã nhìn thấy những ánh mắt thất thần của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Hơn 90 triệu người, trong đó có cả những người về hưu, những người buôn thúng bán mẹt hay cả nhà đầu cơ – những con cá mập tài chính.
Chỉ trong hai tuần cuối của tháng 6/2015, nhiều người trong số họ đã mất trắng khi chỉ còn cầm trong tay những nắm giấy vô giá trị thay thế cho những gì họ đã tích góp cả cuộc đời, hoặc chạy vạy vay mượn để đầu tư hay đầu cơ vào những “kỳ vọng” vốn bị thổi phồng bởi tốc độ tăng trưởng 150% mỗi năm của thị trường chứng khoán Thượng Hải kể từ giữa năm 2014.
Và không chỉ họ, cả thế giới cũng chịu chung nỗi sợ khi ngày thứ hai đen tối 24/8 ập đến. Không sợ hãi sao được khi ước tính các nhà đầu tư Mỹ đã mất khoảng 5.000 tỷ USD. Riêng ngày 24/8, thị trường chứng khoán châu Âu mất 1.100 tỷ USD. 400 người giàu nhất thế giới mất hơn 300 tỷ USD. Còn Trung Quốc, gần 5.000 tỷ USD vốn hoá trên thị trường chứng khoán đã tan vào không khí.
Một người đàn ông người dính đầy máu được cảnh sát hộ tống rời khỏi hiện trường vụ tấn công khủng bố Paris đêm 13/11. Ảnh: AFP |
Có những sự sợ hãi là do niềm tin mù quáng mang dấu ấn thời trung cổ, do sự tham lam vô độ của con người khi từ homo sapiens trở thành những homo economicus. Nhưng cũng có nhưng nỗi sợ do Mẹ thiên nhiên giáng xuống cảnh báo những homo economicus hãy trở nên khôn ngoan hơn.
Cơn giận dữ của thiên nhiên cướp hơn 9.000 mạng người ở Nepal đã dấy lên nỗi lo sợ sâu thẳm của con người trước tự nhiên luôn hào phóng, bao dung nhưng cũng nghiệt ngã. Sự nghiệt ngã đó còn nhân lên gấp bội bởi sự tham lam, vô trách nhiệm của những đứa con homo economicus khi làm cho trái đất nóng lên, khi dửng dưng vô trách nhiệm rồi gieo sự sợ hãi lên chính bản thân mình và đồng loại.
Những gì mới diễn ra ở Thâm Quyến, bầu không khí độc hại ở Bắc Kinh hay vụ nổ ở Thiên Tân, Trung Quốc trong năm 2015 là ví dụ điển hình cho những nỗi sợ đến từ chính sự tham lam và vô trách nhiệm của con người.
Tan sương đầu ngõ
Nhưng hãy đừng vì sợ hãi mà tuyệt vọng. Người Paris trong lúc sợ hãi nhất đã nắm tay nhau xuống phố. Không chỉ thách thức chủ nghĩa khủng bố mà họ đang thách thức chính nỗi sợ hãi của mình. Giữa những sợ hãi đó, cây dương cầm của người đàn ông Paris cất lên những nốt nhạc của bài Imagine ngay tại nơi nỗi sợ hãi đã ngự trị.
Nhiều người Paris trước đây không biết hoặc để ý thấy khẩu hiệu Fluctuat nec mergitur trên phù điêu của thành phố. Nhưng đứng trước sợ sợ hãi mà chủ nghĩa khủng bố muốn gieo rắc, người Paris, tất nhiên không chỉ có họ, đã sống đúng với tinh thần của khẩu hiệu đó. Paris dù trong bão táp vùi dập, giữa những sợ hãi vẫn đứng vững, vẫn bất diệt. Và khi người ta dám thách thức những sợ hãi, người ta có quyền hy vọng.
Đáp lại cảnh báo của Mẹ thiên nhiên, năm 2015, lần đầu tiên lãnh đạo cao nhất của 195 quốc gia đã cùng nhau, trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, họp mặt tại chính Paris nhằm mang lại cho nhận loại một khuôn khổ hợp tác bền vững đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Một thỏa thuận lịch sử đã được ký kết trong đó chỉ ra trách nhiệm của thế hệ hiện nay đối với tương lai, của các nước dù là đang phát triển hay phát triển, một thoả thuận “công bằng và có tính đến sự khác biệt”, một thoả thuận mang tính “ràng buộc về pháp lý” và cuối cùng có những con số cụ thể đã được nêu ra để nhận loại hướng tới.
Năm 2015 cũng là năm mang lại hy vọng cho một trật tự pháp quyền thế giới khi Toà trọng tài thường trực (PCA) tuyên có thẩm quyền trong việc xét xử vụ kiện của Philippnes, một nước nhỏ chống lại toan tính bành trướng của một nước lớn.
Đây không phải lần đầu tiên một nước nhỏ sử dụng các biện pháp pháp lý quốc tế bảo vệ lợi ích của mình trước các cường quốc. Tuy nhiên, sự kiện này quan trọng ở chỗ cường quốc trong vụ việc này lại là một thế lực đang lên, thách thức trật tự hiện hữu, qua đó thách thức thậm chí phủ nhận các giá trị pháp quyền được thừa nhận (vai trò của luật quốc tế và các thiết chế như toà quốc tế) và qua đó thể hiện tham vọng tự mình đặt ra luật chơi mới, trật tự mới phù hợp với các toan tính của riêng mình.
Không chỉ thế, việc Mỹ đưa tàu tuần tiễu áp sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, quân sự hoá trái với luật pháp quốc tế càng cho thấy nhận thức và quyết tâm của thế giới, của các cường quốc khác trong việc duy trì trật tự pháp quyền đang là chuẩn mực cho quan hệ giữa các quốc gia.
Để kết thúc những dòng suy nghĩ này, có lẽ sẽ không thừa khi cùng nhau nhắc lại câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du, câu thơ có lẽ được trích dẫn nhiều nhất trong năm kỷ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Đại thi hào, và cũng như để cùng kỳ vọng một năm mới sẽ mang lại cho thế giới nhiều cảm xúc tươi sáng hơn, tràn đầy hy vọng hơn năm 2015 đã qua.
“Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.