Dù thu hút đông đảo bạn đọc, đặc biệt độc giả trẻ, song thể loại fantasy vẫn chưa được nhiều tác giả Việt lựa chọn. Mới đây, tiểu thuyết Bãi săn của Nguyễn Đình Tú ra đời, nhận nhiều phản hồi tích cực.
Huyền Như - cô gái con nhà danh gia vọng tộc, mỹ nữ ngồi xe lăn - và Bảo Huy - hot boy điển trai, học giỏi - gặp lại nhau trong buổi nhập học tại đại học Đế Đô danh giá.
Họ cùng khám phá khu đồi trong trường và Huy vô tình rơi xuống vách núi rồi biến mất. Lạ lùng thay, vài ngày sau, Bảo Huy vẫn xuất hiện lành lặn. Sau cú ngã sinh tử, để giữ mạng sống cho Huy, cậu bạn Đại Dương đã biến anh thành người rồng. Từ đó, cuộc đời ba người bạn rẽ sang những hướng bất ngờ, biết bao chuyện lạ kỳ xảy đến…
Fantasy - mảnh đất vàng chưa nhiều người khai phá
Ngày nay, nếu như có thể loại văn chương nào khiến chúng ta tin văn hóa đọc vẫn phát triển, thì đó là fantasy, với tác phẩm Harry Potter. Tác phẩm ra đời trong thời kỳ khoa học phát triển, nhưng thế giới tưởng chừng hoang đường của J.K. Rowling vẫn được cả trẻ em và người lớn yêu thích.
Trước J.K.Rowling, có nhiều cuốn fantasy đã ra đời. Chúa tể những chiếc nhẫn, Biên niên sử Narnia… là kiệt tác văn chương nói chung chứ không đơn thuần là tác phẩm kiểu mẫu của fantasy.
TS Trần Ngọc Hiếu (ngoài cùng bên phải) trong buổi tọa đàm về văn học fantasy ở Việt Nam cuối tuần qua. |
Theo Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, fantasy là văn chương của sự thần diệu, siêu nhiên, nó không khiến ta thấy hoang mang bất ổn như văn chương Kafka, nó không làm ta cảm thấy có điều gì đó lý tính mà không cắt nghĩa được. Bước vào thế giới fantasy là ta chấp nhận thế giới kỳ ảo không có thật (thế giới trong gương của Alice, ngôi trường phép thuật của Harry Potter…).
Văn học fantasy có những bóng dáng của cuộc phiêu lưu, trinh thám. Nhưng đồng thời nó cũng có ý mơ mộng, cuốn hút ta vào thế giới thần diệu.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, một trong những đặc điểm của văn chương fantasy là của con người mới lớn. “Văn chương không thay khoa học, chính trị tác động vào sự thay đổi của con người, mà nó từ từ ngấm vào… Văn chương fantasy đem đến cho ta sự lạc quan, rằng thế giới này nhiều phức tạp, thử thách, nhưng con người vẫn vươn lên. Trưởng thành không chỉ là sự thêm tuổi, thêm cân nặng, chiều cao của bạn đọc tuổi mới lớn, mà là sự lớn lên về nhận thức, cuối cùng phải tự hành động”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm cho rằng fantasy mang đến cơ hội để giải phóng sức tưởng tượng. Nó hữu ích với đời sống đương đại, là cơ hội để ta trốn vào đó, thoát ra khỏi đời sống chật chội này.
Nhiều bạn trẻ tới tham dự tọa đàm "Văn học Fantasy ở Việt Nam" cho thấy sức hút của thể loại này với độc giả trẻ. |
Thể loại văn học fantasy ở Việt Nam chưa có nhiều người theo đuổi. Chúng ta dùng tên tiếng Anh “văn chương Fantasy” để gọi nó, mà không dùng “văn chương kỳ ảo”. Bởi, trong kỳ ảo có nhiều nhánh, trong đó có nhánh văn chương fantastic (tiếp cận tính siêu nhiên của cuộc sống, nó khiến người ta cảm thấy phân vân, do dự trước thực tại tưởng chừng không thể cắt nghĩa).
Văn học fantasy chưa phát triển thành dòng ở Việt Nam vì nó khó có đội ngũ sáng tác đông đảo. Phần lớn cây bút chạy theo dòng văn học kinh điển. Người viết văn chỉ mong viết để đạt giải thưởng Hội Nhà văn, giải Văn học Asian, hoặc cao hơn là mơ về một giải Nobel… tất cả đều hướng đến kinh điển. Trong khi đó, bất kỳ dòng văn học nào cũng cần kiệt tác. Khi thành kiệt tác rồi, tác phẩm sẽ trở thành kiệt tác chung của văn học.
Tại Việt Nam, một số ít tác giả khai phá dòng văn học này như Nguyễn Nhật Ánh với Chuyện xứ Langbiang, Phan Hồn Nhiên với Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm… Mới đây, nhà văn Nguyễn Đình Tú trình làng tập tác phẩm fantasy Bãi săn.
"Bãi săn" và câu chuyện fantasy với hệ sinh thái thuần Việt
Là một tác giả viết khỏe, đa phong cách, nhưng Nguyễn Đình Tú nói hơn 10 cuốn tiểu thuyết trước, dù viết thi pháp nào thì anh vẫn viết theo cách hiện thực, soi chiếu hiện thực xã hội bằng văn chương. Đến Bãi săn, anh kể câu chuyện không có trong hiện thực.
“Có người gọi fantasy là văn học kỳ ảo, huyễn tưởng, thần diệu. Khi viết Bãi săn, tôi có cảm hứng đang kể câu chuyện thần diệu. Nó mang tới cho tôi sự hứng thú, và tôi muốn truyền sự hứng thú đó tới bạn đọc. Tôi hy vọng các bạn cảm nhận được”, Nguyễn Đình Tú nói.
Tập 1 Bãi săn có tên Giếng cổ ra mắt chưa lâu, đã được nhiều bạn đọc trẻ đón đọc, đánh giá tích cực. |
Bãi săn gồm 2 phần Giếng cổ và Phản đồ, với nội dung được xây dựng đan xen giữa không gian mộng và thực, thời gian quá khứ và hiện tại vô cùng tinh tế, khéo léo.
Câu chuyện của những sinh viên ưu tú (với khả năng chu cấp tài chính cao của cha mẹ, đang theo học tại một đại học danh giá nhất vùng) dẫn dắt người đọc vào thế giới huyền sử đầy bí ẩn.
Bên cạnh việc xây dựng nội dung, tình tiết tài tình, yếu tố giải trí hấp dẫn, điểm độc đáo tạo nên sự khác biệt của Bãi săn ở việc tác giả tạo nên mạch huyền sử, lịch sử dân tộc. Hình tượng người rồng gợi nhắc tới truyền thuyết Con rồng cháu tiên. Các bối cảnh như đại học Đế Đô, thành phố Tô Lịch, Không Lộ tự, đền Thánh Mẫu… đều là những địa điểm mang trong mình nhiều biến thiên lịch sử, văn hóa.
Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa huyền sử, văn hóa, văn học dân gian của dân tộc trong bối cảnh một thế giới hiện đại, giả tưởng tạo nên sự tròn vẹn cho cuốn tiểu thuyết.
Nguyễn Đình Tú kể, trong 20 năm cầm bút, anh cũng cố đi theo hàn lâm, kinh điển, đi theo văn học cố sống với muôn đời. Điều đó không sai, đến một lúc nào đó, anh nhận ra cần thay đổi cách nhìn về những dòng văn học khác.
Từ đó, anh chính thức dấn thân vào fantasy, dòng văn học mà Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu gọi là "thần diệu".
Ngay từ khi đặt bút viết truyện fantasy, Nguyễn Đình Tú đã xác định điểm riêng cho mình: “Đến với dòng văn học này, tôi phải có gì để kéo bạn đọc vào? Nếu tôi chỉ lai những thứ huyền ảo kiểu Harry Potter, Chúa tể những chiếc nhẫn, Anh chàng Hobbit thì tôi có gì? Tôi phải có tính thuần Việt. Tôi đọc được sự mong chờ đó trong mắt bạn đọc”.
Nhà văn Nguyễn Đình Tú - tác giả Bãi săn. |
Chính vì thế, tác giả đã khai thác yếu tố huyền sử, thần diệu, những câu chuyện quen thuộc trong văn học dân gian dưới vấn đề hiện đại. "Tôi muốn kể với bạn đọc bây giờ một câu chuyện huyền ảo, hoang đường, lạ lẫm, mà sau khi đọc xong bạn đọc sẽ tìm hiểu lịch sử để hiểu hơn. Nếu làm được điều đó, đã là quá tham vọng với tôi", Nguyễn Đình Tú nói.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Đình Tú viết fantasy là chọn con đường đến gần hơn với độc giả đại chúng. Trong câu chuyện của những người trẻ hiện đại này, tác giả đã bản địa hóa không gian fantasy, khiến người đọc cảm thấy câu chuyện gần gũi. Nhà phê bình cho biết, khi đọc xong Bãi săn, nội dung tác phẩm đã thôi thúc anh tìm đọc lại Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh để hiểu thêm về văn hóa dân tộc.
Bên cạnh sự thuần Việt, nhà phê bình Đoàn Minh Tâm đánh giá cao cốt truyện hấp dẫn của tập 1 Bãi săn. “Một cái kết lửng lơ khi các nút thắt chưa được tháo gỡ hoàn toàn, thêm vào đó là sự xuất hiện của nhân vật mới, hứa hẹn về những biến cố li kì, hấp dẫn hơn ở phần tiếp theo là cách dẫn dụ, kích thích bạn đọc đến với tác phẩm không thể tốt hơn”.
Văn học fantasy là văn học lấy bối cảnh trong một vũ trụ tưởng tượng, thường có những địa điểm, nhân vật, sự kiện không đến từ thế giới thực. Phép thuật, những sinh vật siêu nhiên và ma thuật phổ biến trong thế giới tưởng tượng này.
Khác với các thể loại khoa học viễn tưởng và kinh dị, fantasy không có các chủ đề khoa học hoặc rùng rợn, dù thể loại này mang các yếu tố trinh thám, kỳ bí.