Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, NXB Kim Đồng - Wings Books và Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức buổi giao lưu cùng 2 tác giả sách 199 mấy - hồi ấy làm gì? với chủ đề “Chuyện tuổi thơ chúng mình ngày ấy”.
Chương trình diễn ra ngày 26/3 tại hội trường D201, Đại học Ngoại thương, Hà Nộ. Hai tác giả là họa sĩ Xuân Lan, tác giả Trang Neko đã có những chia sẻ thú vị về những câu chuyện xoay quanh cuốn sách.
Hai tác giả sách. Ảnh: Liên Giang. |
Tuổi thơ 8X ở Hà Nội
Trang Neko và Xuân Lan là những người trẻ thuộc thế hệ cuối 8X. Vào những năm 1990, họ còn là những đứa trẻ tiểu học, nghịch ngợm, ham chơi và ngây thơ. Nhưng chính những nét hồn nhiên ấy đã phác họa lại một thời ký ức mà ai cũng tìm thấy một phần tuổi thơ của mình trong đó.
Hai tác giả lựa chọn kể câu chuyện của mình vào những năm 1990-1999 bởi lẽ quãng thời gian đó là khi đất nước đã được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu xây dựng đời sống kinh tế sau thời kỳ đổi mới. Trẻ con được hoàn toàn là trẻ con, được học hành, được vui chơi đúng nghĩa.
Đa phần nội dung trong sách là những câu chuyện hài hước, khơi gợi ký ức nhưng 199 mấy - hồi ấy làm gì? cũng khiến độc giả thoáng chút suy nghĩ. Đó là những cảm xúc thương nhớ về chuỗi ngày thơ ấu đã qua đi, là tiếc rẻ khoảng thời gian vui đùa bên lũ trẻ cạnh nhà, sống vô tư không lo nghĩ.
Tác giả Trang Neko khéo léo chọn chi tiết để kể ra những câu chuyện của cá nhân mình mà bạn đọc nào thuộc thế hệ tác giả, đọc xong cũng thấy mình ở đâu đó trong phần ký ức được kể lại ấy.
Từ chuyện vui chơi xung quanh khu tập thể, từ kỷ niệm đêm Trung thu, đốt pháo ngày Tết... đến những trò chơi “rẻ tiền” hơn như chơi đồ hàng, bắt chuồn…Tất cả kỷ niệm đó được kể lại không chỉ bằng lời văn mộc mạc, giản dị của tác giả Trang Neko mà còn được tái hiện một cách sinh động bằng những bức hình của họa sĩ X.Lan.
Khi nói về lý do và nguồn cảm hứng mà tác giả muốn viết lại những câu chuyện này, Trang Neko cho biết: “Tôi luôn trân trọng quãng thời gian khi ở độ tuổi của nhân vật đó là thời tiểu học, được lớn lên trong một khu tập thể cũ với rất nhiều tình cảm và kỷ niệm sẽ đi theo mình đến suốt cả cuộc đời sau này kể cả khi mình đã trưởng thành, là quãng thời gian quý báu không gì có thể thay đổi được".
Điều đó khiến chị muốn lưu giữ lại những kỷ niệm dưới một hình thức nào đó. Điều ấy đã thôi thúc chị viết nên cuốn sách.
Cuốn sách như một cỗ máy thời gian thu nhỏ trong bàn tay, khi mở ra có thể tem tới nhiều hoài niệm cho chính tác giả và người đọc cùng thế hệ.
Trang chia sẻ thêm hợp tác với họa sĩ Xuân Lan trong dự án sách lần này cũng là một may mắn đối với chị. Nhờ có họa sĩ là người đã thể hiện những nhân vật, đồ vật trong câu chuyện một các rất đáng yêu, ngộ nghĩnh và gần gũi mà cuốn sách tạo được sức hút, nhận được sự yêu thích từ các độc giả đến từ mọi độ tuổi: Thiếu nhi, thanh thiếu niên và cả những người lớn tuổi.
Về quá trình sáng tác chung, điều mà hai tác giả thấy khó khăn lớn nhất khi thực hiện cuốn sách, chính là ký ức của mỗi người về món đồ chơi, hay về đồ ăn vặt khác nhau; những bài vè họ biết lại khác nhau, có những điều người này kể nhưng người kia chưa bao giờ được trải nghiệm.
Vậy nên cả hai cùng phải ngồi lại, cùng suy nghĩ xem cách kể cũng như cách biểu đạt tranh nào là phù hợp nhất với những gì họ muốn truyền tải đến người đọc.
Sách 199 mấy - hồi ấy làm gì? Ảnh: Liên Giang. |
Trẻ em ngày nay ít kết nối trực tiếp
Thoát khỏi dòng suy tư về bản thân, cuốn sách cũng khiến bạn đọc nghĩ về cuộc sống của trẻ em hiện tại, khi những món đồ thân thuộc với thế hệ mình lại quá xa lạ với các bạn nhỏ thời nay; hoặc điện thoại là công cụ giải trí của trẻ em bây giờ thì ngày xưa, chúng là món đồ xa xỉ, chưa từng xuất hiện.
Trẻ em ngày nay không có cơ hội được tiếp xúc thiên nhiên, môi trường tự nhiên bên ngoài, xung quanh chúng gần như chỉ có tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh.
Được bao bọc trong vòng tay chăm sóc của ông, bà, bố, mẹ, trẻ em bây giờ có lẽ không có nhiều những khoảnh khắc vui chơi mà sau này khi nghĩ về sẽ thấy nhớ nhung và tiếc nuối.
“Trẻ con ngày nay được học tập và sinh hoạt trong môi trường tốt hơn rất nhiều so, nhưng sự phát triển của công nghệ đã kìm hãm sự kết nối giữa bố mẹ và con cái và cả chính các bạn với nhau.
Đôi khi chỉ cần có thể chơi cùng với nhau những trò chơi rất đơn giản như thời đó để tăng tính tính tương tác, kết nối tạo ra kỷ niệm đẹp hơn với nhau thay vì gắn với những thứ đồ công nghệ hiện đại như ngày nay", đó là thông điệp mà tác giả sách muốn gửi gắm.
“Người lớn từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa từng là người lớn” là thông điệp mạnh mẽ và sâu sắc nhất mà hai tác giả muốn gửi gắm đến với độc giả của mình biết trân trọng hơn những khoảng thời gian quý báu tuổi thơ của mình trở thành những kỷ niệm đẹp trong mỗi con người.