Vua Felipe VI và Hoàng hậu Letizia (Tây Ban Nha) tham quan Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Ảnh: EP. |
Sau 2 năm phải tổ chức trực tuyến và thu hẹp quy mô do dịch bệnh Covid-19, năm nay, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt lần thứ 74 đã trở lại với nhiều hoạt động diễn ra từ 19 đến 23/10 tại Đức.
Ông Juergen Boos - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội chợ sách quốc tế Frankfurt - nhận định hội chợ này đã gửi đi những tín hiệu quan trọng.
Những con số ấn tượng
Giá vé vào cửa tham quan Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là 79 euro cho một ngày, lượng khách đến vẫn rất đông. Trong 5 ngày tổ chức, hội sách thu hút khoảng 93.000 khách thương mại (năm 2021 là 36.000, tăng gần gấp 3 lần) từ hơn 100 quốc gia; 87.000 khách công cộng (năm 2021 là 37.500).
Các hoạt động sôi nổi và tầm quan trọng của sự kiện cũng đã thu hút khoảng 6.400 cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin trong tuần diễn ra hội sách.
Khu vực trưng bày, triển lãm sách có sự góp mặt của khoảng 4.000 đơn vị xuất bản trên thế giới. Đặc biệt, diễn đàn có tên gọi “Triển vọng xuất bản” (nơi giới chuyên gia xuất bản trao đổi kinh nghiệm, định hướng làm sách) đã thu hút khoảng 1.700 khách quốc tế tham dự.
Trong khuôn khổ hội sách, bên cạnh những hoạt động trao đổi, mua bán bản quyền, hợp tác xuất bản, hàng loạt cuộc thảo luận về phong trào biểu tình ở Iran hay tình hình của người dân ở Ukraine cũng được đưa ra bàn luận.
Ông Juergen Boos đánh giá điều này cho thấy vị thế, tầm quan trọng của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Đây là nơi gặp gỡ của cộng đồng xuất bản quốc tế, nơi các mối quan hệ có giá trị được duy trì và những mối quan hệ hợp tác mới sẽ được tạo ra chỉ trong vài ngày.
Bà Karin Schmidt-Friderichs - đại diện Hiệp hội các nhà xuất bản và bán sách của Đức - cho rằng Hội chợ sách quốc tế Frankfurt là ngày hội lớn thể hiện niềm say mê của mọi người đối với sách và cả nền dân chủ.
“Giữa những lối đi đông đúc và các cuộc thảo luận sôi nổi, chúng ta có thể cảm nhận rõ sức mạnh của sách, niềm vui đoàn tụ và mong muốn hợp tác. Hội sách đã tạo ra động lực quan trọng trước hàng loạt thách thức hiện tại mà ngành xuất bản, xã hội và nền chính trị toàn cầu đang phải đối mặt. Điều này cho thấy bên cạnh việc trở thành một thị trường quan trọng nhất cho ngành sách, sự kiện còn thúc đẩy nền hòa bình thế giới”, bà Karin nói.
Một không gian triển lãm độc đáo của Tây Ban Nha tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Ảnh: Ronald Wittek/ EFE. |
Tín hiệu đáng mừng
Tây Ban Nha là quốc gia khách mời danh dự năm nay. Kể từ khi nhận được thông tin này, khoảng 400 đầu sách của quốc gia này đã được xuất bản bằng tiếng Đức.
Có mặt trong buổi lễ khai mạc Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Vua Felipe VI cùng Hoàng hậu Letizia (Tây Ban Nha) nhấn mạnh rằng bất chấp thời gian trôi qua và các thế hệ kế tiếp nhau, bản chất của cuốn sách vẫn bất biến và cộng đồng người Tây Ban Nha luôn có sự trân trọng đối với sách.
Khi nói điều này, Quốc vương Tây Ban Nha đã nhắc lại phương châm của hội sách năm nay: “Translate words - Transfer ideas - Transform minds” (tạm dịch: Dịch ngôn ngữ - Chuyển giao ý tưởng - Chuyển hóa tâm thức). Ông đã liên kết những khái niệm này để minh chứng dịch thuật là “chìa khóa trong việc phổ biến và trao đổi kiến thức, thứ có thể có một sức mạnh thực sự biến đổi”.
Tờ El país của Tây Ban Nha cũng thống kê sau 5 ngày đóng vai trò khách mời danh dự, phía Tây Ban Nha có sự hiện diện của hơn 200 tác giả. Họ đã cùng nhau tham gia vào gần 50 hoạt động tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Gian hàng của Tây Ban Nha quy tụ 119 đơn vị xuất bản và 30 tổ chức văn hóa khác với 400 khu triển lãm.
Ông Daniel Fernández - Chủ tịch Liên đoàn các đơn vị xuất bản Tây Ban Nha (FGEE) - nói: “Các đơn vị xuất bản từ khắp nơi trên thế giới đã đến đây và tôi chứng kiến họ đọc khá nhiều sách của các tác giả Tây Ban Nha. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng”.
Nhà văn Muñoz Molina - người từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá về văn học - chia sẻ: “Tôi không nhận xét văn học Tây Ban Nha đang ở vị trí nào, nhưng thông qua hội sách này, tất cả tác giả của chúng tôi - phụ nữ hay nam giới, nhà tiểu luận hay tiểu thuyết gia, nhà viết kịch hay người kể chuyện, cây viết kỳ cựu hay tác giả trẻ - sẽ đều tìm thấy vị trí của mình. Vị trí đó là trong cửa sổ trên các hiệu sách trên thế giới”.
Được coi là hội sách thương mại lớn nhất thế giới, nơi đây đã chứng kiến nhiều cuộc thương thảo, hợp tác mua bán bản quyền và xuất bản thành công. Năm nay, chỉ sau 3 ngày mở cửa, Hội chợ sách quốc tế Frankfurt đã chứng kiến 3 nữ tác giả ký hợp đồng xuất bản sách có trị giá lên tới hàng triệu USD.
TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Thái Hà Books - là người có mặt tại sự kiện trọng đại này. Sau 5 ngày làm việc liên tiếp, ông đánh giá đây là nơi người làm sách được tiếp thêm niềm tin và toàn tâm hướng tới những kết quả tốt đẹp, những chuyển đổi lớn trong tương lai cho ngành xuất bản.